Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Câu chuyện truyền cảm hứng của Giáo sư người Hải Dương Phan Văn Trường

"Một đời như kẻ tìm đường" của Giáo sư Phan Văn Trường - một người con quê Ninh Giang (Hải Dương) đã giãi bày những trải nghiệm, tư tưởng, khát vọng và một bản lĩnh sống.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương24/04/2025

phan-van-truong-1.jpg
Giáo sư Phan Văn Trường và các tập sách của ông

Trong văn học, thể loại tự truyện không chỉ là lời tự sự chân thực về cuộc đời một con người, mà còn là nơi giãi bày những trải nghiệm, tư tưởng, khát vọng và bản lĩnh sống đã được chiêm nghiệm sâu sắc. "Một đời như kẻ tìm đường" của Giáo sư Phan Văn Trường là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó - một tác phẩm vừa mang tính tư liệu quý giá, vừa là một áng văn mang tinh thần khai phóng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người đọc.

Được trích giảng trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tác phẩm không chỉ được đánh giá cao bởi ý nghĩa giáo dục mà còn bởi chiều sâu tư tưởng và chất văn đầy rung cảm. Đây là một trong những cuốn tự truyện hiếm hoi viết bằng giọng điệu tự nhiên, minh triết, không tô hồng cũng không bi lụy, mà đủ sức lay động độc giả bởi sự chân thành và trí tuệ nội tại của một con người “như kẻ tìm đường” suốt cả cuộc đời mình.

Giáo sư, kỹ sư Phan Văn Trường (sinh năm 1946) là một trí thức lớn mang tầm vóc quốc tế, song gốc rễ của ông luôn cắm sâu ở mảnh đất quê hương. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại làng Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang), ông đã vượt muôn vàn khó khăn để giành học bổng sang Pháp, học tập tại Đại học Paris 1 - Panthéon - Sorbonne danh giá. Không bằng lòng với những hào quang cá nhân, ông đã vươn lên trở thành một trong những người Việt đầu tiên giữ vai trò lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn lớn như Alstom.

Giáo sư, kỹ sư Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Với những đóng góp đặc biệt cho nước Pháp và cho mối quan hệ hợp tác quốc tế, ông đã hai lần được Tổng thống Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ (Đài ghi công năm 1990 và Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2006), là những huân chương cao quý nhất của quốc gia này. Nhưng điều đáng quý hơn cả là ông không quên cội nguồn, luôn hướng về Tổ quốc với mong mỏi góp phần thúc đẩy giáo dục, phát triển tư duy quản trị và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Năm 2010, ông được Chủ tịch nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

"Một đời như kẻ tìm đường" dày hơn 400 trang, gồm 20 chương, được chia thành 6 phần, tương ứng với 6 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời tác giả: từ tuổi thơ nghèo khó, thời niên thiếu đầy khát vọng, đến quãng đời du học, những thăng trầm trong sự nghiệp, đời sống gia đình và cuối cùng là những suy ngẫm về nhân sinh. Mỗi phần không đơn thuần kể chuyện mà là những lát cắt sâu sắc, từ đó hình thành nên chân dung một con người vừa bản lĩnh, vừa nhân hậu, vừa tỉnh thức trong từng lựa chọn cuộc sống.

Khác với nhiều cuốn hồi ký sử dụng lối viết “kể để khoe”, Giáo sư Phan Văn Trường chọn cho mình lối viết nhẹ nhàng, đậm chất chiêm nghiệm. Ông không né tránh những thất bại, sai lầm hay tổn thương cá nhân. Ngược lại, ông nhìn nhận chúng bằng con mắt khoan dung, độ lượng, coi đó là một phần tất yếu của hành trình trưởng thành. Câu văn của ông thấm đẫm tinh thần lạc quan, mang vẻ đẹp của một tâm hồn từng trải và luôn tỉnh táo trước những lựa chọn nhân sinh.

Nhiều đoạn văn trong sách có chất thơ, gợi nhớ đến những trầm tích của văn chương triết học phương Đông: “Cuộc sống là một hành trình tìm kiếm, và mỗi người chúng ta đều là những kẻ tìm đường”; “Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống và nó là cơ hội để chúng ta học hỏi và trưởng thành”. Đó không chỉ là những lời tự sự, mà là phương châm sống có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Điều đáng quý ở "Một đời như kẻ tìm đường" là nó không đóng khung trong câu chuyện của riêng tác giả. Mỗi trải nghiệm, mỗi quyết định và cả mỗi bài học đều mang ý nghĩa mở - mở ra cho người đọc những suy ngẫm về bản thân, về xã hội và về thế giới. Như một tấm gương soi chiếu, hành trình của tác giả trở thành hành trình của chính người đọc: khám phá bản thân, vượt lên nghịch cảnh và sống một cuộc đời có giá trị.

Tác phẩm là tiếng nói mạnh mẽ cổ vũ tư duy độc lập, khuyến khích việc học tập suốt đời và nuôi dưỡng khát vọng không ngừng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuốn sách như một lời hiệu triệu thế hệ trẻ hãy học hỏi thế giới nhưng không quên nguồn cội. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh thần Việt và tinh thần quốc tế đã khiến sách có sức lan tỏa sâu rộng, đặc biệt với giới trẻ đang loay hoay đi tìm bản ngã và định hướng tương lai. Có lẽ vì thế mà trích đoạn mở đầu cuốn sách này đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 10 tập 2 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Cuốn sách không chỉ là bản tổng kết cuộc đời một người trí thức Việt kiều thành đạt, mà còn là một bản giao hưởng về nghị lực, khát vọng và cống hiến. Cuốn sách là minh chứng sống động cho việc mỗi con người đều có thể trở thành “người viết nên huyền thoại đời mình” nếu đủ kiên trì, khiêm tốn và bản lĩnh.

Với văn phong dung dị, sâu sắc, cùng thông điệp nhân văn, “Một đời như kẻ tìm đường” xứng đáng là một tác phẩm tiêu biểu trong dòng tự truyện hiện đại Việt Nam - nơi văn chương không chỉ kể lại cuộc sống, mà còn mở lối cho những cuộc đời đang tìm hướng đi.

NGUYỄN THỊ LAN ANH

Nguồn: https://baohaiduong.vn/cau-chuyen-truyen-cam-hung-cua-giao-su-nguoi-hai-duong-phan-van-truong-409544.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm