Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài học đầu đời

(GLO)- Mãi đến bây giờ, cánh tay tôi vẫn còn một vết sẹo. Vết sẹo đỏ ửng, kéo dài trông thật “thiếu thẩm mỹ”. Bạn bè khuyên đi xóa sẹo nhưng tôi lại không muốn. Bởi lẽ, với tôi, vết sẹo ấy gắn liền cùng kỷ niệm về bài học đầu đời.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai24/04/2025

Dẫu là kỷ niệm buồn, song đó là bài học đầu tiên cuộc đời dạy tôi về đối nhân xử thế. Một bài học đích đáng. Không cần cha mẹ, không đợi thầy cô, tuổi thơ tôi đã lĩnh hội được bài học ấy từ nơi một “ông thầy” rất lạ. Có thể bạn sẽ khó tin nhưng “thầy” tôi chính là một… con khỉ nhỏ.

Con khỉ ấy của một người hành khất già ốm yếu và có lẽ bị mù lòa. Ông ngồi bên cổng chợ với con khỉ chồm chỗm trên vai. Nó đeo chiếc vòng cổ da, móc vòng buộc sợi xích sắt. Đầu xích quàng vào cổ tay ông lão. Như vậy, ông có thể giữ nó, còn nó có thể dắt ông đi.

Hai kiếp người-khỉ gắn liền nhau bằng sợi xích. Nhưng đó là hồi ức của tôi khi đã trưởng thành. Còn ngày ấy, tôi là một đứa trẻ. Trẻ con đâu có nghĩ được chuyện gì nghiêm túc mà chỉ khoái chuyện lạ. Con khỉ từ rừng xuống chợ đã là chuyện lạ. Khỉ buộc dính với người lại càng lạ hơn. Và cái sự lạ ấy khiến tôi và bọn trẻ cùng xóm hết sức quan tâm. Không dừng lại ở ngắm nghía, chỉ trỏ, trêu chọc, chúng tôi còn “nghiên cứu” những trò tai ác hơn để đùa vui.

bai-hoc-dau-doi.jpg
Minh họa: HUYỀN TRANG

Sáng nào, con khỉ cũng lon ton dắt ông lão ra cổng chợ. Ông lão ngồi bệt xuống đất, chiếc thau nhôm móp méo đặt trước mặt đợi chờ lòng trắc ẩn của người lại qua. Còn con khỉ thông minh hơn chúng tôi tưởng. Mỗi lúc thấy người đi ngang, nó liền “hỗ trợ” ông lão bằng cách khọt khẹt, chìa tay. Cái bộ điệu láu lỉnh, dễ thương ấy khiến nhiều hôm chú khỉ còn xin được nhiều hơn cả chủ nhân.

Có điều, khỉ chỉ ăn những thứ có thể ăn ngay, còn lại nó đều ném vào thau cho ông lão. Món khoái khẩu của chú chàng là chuối và kẹo. Được cho kẹo, nó sung sướng cười nhăn nhở, lột từng viên, cho tất vào miệng. “Chiếc túi” bên má của nó thòng ra, lổn nhổn những viên kẹo bên trong trông thật buồn cười.

Hôm ấy là một ngày mùa đông, mưa và lạnh. Người đi chợ thưa thớt, vội vã, chẳng ai thèm quan tâm đến ông lão cùng con khỉ rét run đang thu lu nép dưới mái nhà lồng. Đã gần trưa mà chiếc thau nhôm của ông lão vẫn trống trơn, chẳng xin được gì. Vây quanh người hành khất tội nghiệp chỉ có chúng tôi, mấy đứa nhóc vô công rỗi nghề. Một thằng đầu têu bỗng nảy ra “sáng kiến”. Nó gọi chúng tôi chụm đầu bàn bạc, cười hi hí ra vẻ khoái chí lắm. Tất cả tản đi, 15 phút sau, chúng tôi tập trung trở lại. Tay đứa nào cũng cầm đầy chuối với kẹo, dứ vào mũi khỉ.

Chưa được ăn gì từ sáng, con khỉ đói mèm thấy chuối, thấy kẹo vụt sáng mắt, hớn hở chìa tay. Cầm quả chuối, nó khọt khẹt, gật đầu lia lịa như để cảm ơn rồi cuống cuồng lột vỏ để ăn. Thế nhưng sau lớp vỏ chuối thật ấy, bên trong chỉ toàn là… đất sét. Vứt bạch quả “chuối đất”, khỉ tiếp tục chìa tay nhận kẹo nhưng bên trong những tờ giấy bóng xanh-đỏ cũng chỉ là đất, đá, gạch vỡ…

Chúng tôi thích thú cười phá lên, mặc cho con khỉ tội nghiệp mắt đỏ ngầu, khọt khẹt thảm thương như muốn khóc. Cười chưa đã, tôi tiếp tục chìa ra nắm kẹo giả. Lúc này, sau khi bị lừa, vẻ hiền lành của con khỉ đột ngột biến mất. Nó chồm lên, dữ dằn. Cả bọn bỏ chạy, còn mỗi tôi bị con khỉ bấu vào tay cắn xé, nhất định không buông…

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây, tóc tôi đã bạc nhưng ký ức về người ăn xin và con khỉ nhỏ vẫn như mới xảy ra hôm qua. Bài học đầu tiên, tôi đã phải trả giá bằng một vết sẹo trên tay nhưng cũng giúp tôi khai mở phần lương tri còn thiếu trong đứa trẻ năm xưa. Và chính bài học đầu đời ấy đã dạy tôi cách để trở thành một người tử tế mỗi ngày.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/bai-hoc-dau-doi-post320037.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm