Với sự hỗ trợ từ Hội LHPN huyện Thanh Sơn, chị Hái không chỉ tạo dựng mô hình kinh tế hiệu quả cho bản thân mà còn góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ vùng cao.
Văn Miếu là một xã vùng 1 nằm cách trung tâm huyện Thanh Sơn hơn 18km. Địa hình chủ yếu là đồi núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Trong bối cảnh đó, việc phát triển kinh tế, đặc biệt với phụ nữ, vốn dĩ là hành trình đầy thách thức.
Bước ngoặt đến khi chị được Hội LHPN xã giới thiệu tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật
Chị Hái sinh ra và lớn trong những khu dân cư đặc biệt khó khăn của xã. Cuộc sống gia đình chị nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, chỉ trông vào vài sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ. "Hồi đó, tôi chỉ biết trồng cây gì ăn cây đó, quanh năm quẩn quanh cái chợ xã, đi bộ hơn cây số mới mua được bó muối hay cân đường", chị kể.
Thế nhưng, bước ngoặt đến khi chị được Hội LHPN xã giới thiệu tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đi cho biết, cho vui, nhưng càng học càng thấy mở mang. Từ những buổi học đó, chị bắt đầu biết đến mạng xã hội, cách dùng điện thoại thông minh, kỹ năng bán hàng online, cách chụp ảnh sản phẩm, thậm chí học cả cách livestream.
Chị không giữ những gì mình học được cho riêng mình mà luôn ra chia sẻ lại kiến thức cho nhiều chị em trong xóm, trong xã
Chị Hái bắt đầu hành trình bán hàng online từ chính những sản phẩm nông sản do gia đình làm ra: Rau sạch, măng rừng, gà đồi, mật ong... Từ lúc không có khách hàng, chị bắt đầu có thu nhập tích lũy.
Không dừng lại ở đó, chị còn học thêm kỹ năng đóng gói, bảo quản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cá nhân. Nhờ sự hỗ trợ từ các cấp Hội, chị đã từng bước hoàn thiện mô hình kinh doanh hộ gia đình. Gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên ổn định, nuôi con học hành, chăm lo sức khỏe, cải thiện chất lượng sống.
Đặc biệt, chị không giữ những gì mình học được cho riêng mình. Với tâm huyết của người từng trải, chị đứng ra chia sẻ lại kiến thức cho nhiều chị em trong xóm, trong xã.
"Có người chưa từng biết chụp ảnh sản phẩm, có người sợ đứng trước camera livestream, nhưng tôi động viên: Cứ làm đi, rồi sẽ quen. Mình không nói hay thì nói thật. Quan trọng là tin vào sản phẩm mình làm ra", chị kể.
Các sản phẩm của chị Hái đều do chị tỉ mẩn thực hiện
Nhờ mô hình của chị Hái, nhiều phụ nữ trong xã đã mạnh dạn học theo. Có người bắt đầu bán củ quả sạch tại vườn, có người bán gà đồi, cá suối, có người thêu khăn tay, đan lát, thậm chí làm bánh quê để giao tận nơi.
Không khí khởi nghiệp lan tỏa trong cộng đồng một cách tự nhiên và tích cực. Hội LHPN xã Văn Miếu đánh giá: "Chị Hái là một trong những gương phụ nữ điển hình tiêu biểu trong việc phát huy nội lực, thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế và lan tỏa tinh thần ấy tới người khác".
"Tôi mơ một ngày hàng hóa do phụ nữ Mường làm ra được đóng gói đẹp đẽ, lên sàn thương mại điện tử và đi xa hơn nữa. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện, một nỗ lực. Và chúng tôi xứng đáng được ghi nhận", chị nói.
Tại Phú Thọ, trong những năm qua, các cấp Hội đã có nhiều giải pháp hay, cách làm mới nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã tạo hành lang pháp lý, nguồn lực và cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số như chị Hái vươn lên.
Câu chuyện của chị Hái đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ vùng cao trong phát triển kinh tế. Nó chứng minh rằng: Chỉ cần được hỗ trợ đúng cách và có cơ hội tiếp cận thông tin, phụ nữ ở bất kỳ đâu cũng có thể tỏa sáng.
Sự hỗ trợ cũng như đoàn kết của chị em hội viên đã giúp những người làm kinh tế như chị Hái nhiều cơ hội thoát nghèo
Chị Hái mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều lớp học chuyên sâu về công nghệ số, thiết kế bao bì sản phẩm, kết nối với sàn thương mại điện tử và đặc biệt là xây dựng tổ liên kết phụ nữ khởi nghiệp. "Tôi mơ một ngày hàng hóa do phụ nữ Mường làm ra được đóng gói đẹp đẽ, lên sàn thương mại điện tử và đi xa hơn nữa. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện, một nỗ lực. Và chúng tôi xứng đáng được ghi nhận", chị nói.
Từ một người phụ nữ chưa từng biết đến internet, đến nay chị Hà Thị Hồng Hái đã trở thành hình mẫu của sự đổi mới, bền bỉ, quyết tâm và đầy khát vọng. Hành trình của chị không chỉ là câu chuyện về thoát nghèo, mà là minh chứng sống động cho giá trị của sự đồng hành đúng lúc, đúng cách, và sức mạnh phi thường khi phụ nữ dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm.
Năm 2025, chị Hái là một trong những gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025 của Hội LHPN tỉnh Phú Thọ.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/cau-chuyen-truyen-cam-hung-cua-nguoi-phu-nu-muong-dam-thay-doi-de-vuon-len-20250509095710426.htm
Bình luận (0)