Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, tối nay, Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" đã diễn ra tại 3 điểm cầu: thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và Quảng Trị. Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Chương trình tại các điểm cầu.
Chương trình cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” có quy mô hoành tráng tại 3 điểm cầu Bắc - Trung - Nam là "bức tranh" đan xen giữa quá khứ hào hùng và hiện tại, chuyển tải thông điệp tự hào về khát vọng thống nhất, tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam.

Ba điểm cầu được đặt tại các địa điểm mang nhiều ý nghĩa, có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Điểm cầu Hà Nội là Công viên Thống Nhất (phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hòa bình, Bắc Nam sum họp.
Điểm cầu Quảng Trị được đặt tại di tích quốc gia đặc biệt Khu vực Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" tại điểm cầu Quảng Trị
Công viên Bờ sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.
Với 3 chương: “Khát vọng hoà bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”, cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn" lan toả tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Phần mở đầu "Khát vọng hòa bình" là những thước phim tư liệu quý giá tái hiện bối cảnh lịch sử đau thương nhưng kiên cường, khi cả dân tộc buộc phải cầm súng để bảo vệ độc lập. Các tiết mục nghệ thuật đậm chất sử thi, từ những làn điệu dân ca đến hòa tấu đương đại, khắc họa sâu sắc ý chí bất khuất của dân tộc.
Chương 2 mang đến cho khán giả một phóng sự đặc biệt về Tết Mậu Thân 1968, trận chiến Thành cổ Quảng Trị và Hiệp định Paris 1973 – những dấu mốc lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh; những màn trình diễn nghệ thuật kết hợp công nghệ 3D mapping, tái hiện sống động khoảnh khắc quân ta tiến vào Hội trường Thống nhất, đưa người xem trở lại thời khắc lịch sử trọng đại.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" tại điểm cầu Quảng Trị
Chương 3 là những thông điệp từ bài học lịch sử được kết nối với thành tựu đất nước hôm nay, khẳng định tầm vóc của sự kiện Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong hành trình phát triển đất nước. Điểm nhấn là những tiết mục nghệ thuật hiện đại, từ hợp xướng hoành tráng đến màn pháo hoa rực rỡ, thắp lên niềm tự hào và khát vọng vươn tới tương lai.
Các tiết mục nghệ thuật của Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” được dàn dựng quy mô hoành tráng tại 3 miền Bắc - Trung - Nam với các hình thức thể hiện đa dạng từ MV, thực cảnh cho tới hoạt cảnh…, cùng nhiều màu sắc âm nhạc phong phú, tái hiện những trang sử hào hùng của đất nước. MV mở đầu chương trình mang tên “Con đường ta chọn” có sự tham gia của 50 gương mặt đại diện cho nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau; tiết mục Quê hương Việt Nam với sự tham gia của nhiều Đại sứ và phu quân, phu nhân các nước, học sinh sinh viên và 20 hoa hậu, á hậu, người đẹp trong trang phục áo dài cảnh đẹp Việt Nam.
Cùng với đó, chùm ca khúc được lựa chọn trong chương trình đưa khán giả trở lại những dấu mốc lịch sử đầy tự hào: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Giải phóng miền Nam, Trên công trường rộn tiếng ca, Hà Nội niềm tin hy vọng, Tiến về Sài Gòn, Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam, Quê hương Việt Nam…

Góp phần tái hiện những năm tháng lịch sử của đất nước trong Cầu truyền hình đặc biệt có các phóng sự, các nhân chứng lịch sử, giúp khán giả, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ bối cảnh lịch sử buộc Nhân dân ta phải cầm súng để bảo vệ độc lập, thể hiện ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có cuộc gặp gỡ và trao lại kỷ vật giữa một cựu binh người Mỹ và một gia đình liệt sĩ ở Việt Nam. Ông Adolph Novello khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã thu được nhiều giấy tờ, khi rời chiến trường Việt Nam ông đã mang những kỉ vật và giấy tờ này về Mỹ, cất giữ suốt 50 năm. Đúng vào dịp kỷ niệm đặc biệt của dân tộc Việt Nam, ông Novello đã trao lại cho thân nhân của liệt sĩ. Cuộc gặp gỡ, trao kỷ vật cho người thân của liệt sĩ Kha Văn Việt, người dân tộc Thái hy sinh ở Quảng Trị, ngay tại sân khấu của chương trình là một điểm nhấn đầy cảm xúc về sự thấu hiểu, đồng cảm và mong muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.

Chương trình “Vang mãi khúc khải hoàn” thể hiện lòng biết ơn sâu sắc sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, những con người đã ngã xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Sự mất mát ấy là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào khi nhìn lại những thành quả mà máu, mồ hôi và nước mắt đã đánh đổi.


Không khí chương trình vang vọng tinh thần anh hùng ca, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, thôi thúc mỗi người tiếp nối truyền thống cha ông, bằng sự đoàn kết, ý chí và trí tuệ, chung tay dựng xây một Việt Nam ngày càng hùng cường, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/cau-truyen-hinh-vang-mai-khuc-khai-hoan-lan-toa-tam-voc-vi-dai-cua-dai-thang-mua-xuan-nam-1975-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-post411648.html
Bình luận (0)