Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chạm vào dấu xưa...

Trong dòng chảy bất tận của lịch sử, cổ vật không phải là những di sản vật chất vô tri, vô giác mà là những mảnh ghép sống động, phản ánh tinh thần, văn hóa và bản sắc của một dân tộc. Việc sưu tập và đưa các hiện vật quý ra trưng bày giúp công chúng có cơ hội trải nghiệm và khám phá những giá trị văn hóa lịch sử mà ông cha để lại.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng19/07/2025

Du khách nước ngoài say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đồ cổ bằng gốm sứ. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Du khách nước ngoài say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đồ cổ bằng gốm sứ. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc

Từ tháng 7 đến tháng 9, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với 14 nhà sưu tập thuộc các hội cổ vật gồm Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội, Hội Cổ vật xứ Đông - Hải Dương, Câu lạc bộ Cổ Ngoạn Phố Hiến - Hưng Yên, Hội Cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn thành phố tổ chức triển lãm “Đà Nẵng - Dấu xưa vang vọng”.

Đây là triển lãm lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà sưu tập ở ba miền Bắc, Trung, Nam với nhiều hiện vật đặc sắc. Tại phòng trưng bày cổ vật của Bảo tàng Đà Nẵng, nhiều du khách trong và ngoài nước rất thích thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cổ vật quý hiếm.

Có mặt trong ngày đầu triển lãm, chị Nguyễn Thanh Hoa (phường Hải Châu) chia sẻ: “Chúng tôi như được chạm tay vào quá khứ. Mỗi cổ vật hàm chứa mỗi câu chuyện lịch sử ở từng giai đoạn khác nhau, qua đó giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử đấu tranh dựng nước của cha ông và tự hào truyền thống dân tộc.

Đặc biệt, nơi đây có những cổ vật độc đáo thuộc sở hữu tư nhân mà trước đây bảo tàng chưa có. Nếu như những cổ vật trong các bảo tàng nhà nước đã được khai thác giá trị trong nhiều năm qua, thì những cổ vật tư nhân hiến tặng còn rất mới mẻ với công chúng”.

Với hơn 200 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 15 đến thời nhà Nguyễn, triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng - Dấu xưa vang vọng” giới thiệu nhiều loại hình cổ vật có chất liệu khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Thương (du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Triển lãm giống như một cuộc du ngoạn về quá khứ. Tôi rất thích các bộ sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng, đồ khảm trai thời nhà Nguyễn; bộ sưu tập gốm Chu Đậu thế kỷ 15 - 16; bộ sưu tập gốm sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh đến thời nhà Nguyễn thế kỷ 17 - 20; bộ sưu tập đồ đồng tráng men (pháp lam) thời nhà Nguyễn; bộ sưu tập trang phục cung đình và tranh thêu chỉ vàng thời Nguyễn…

Các cổ vật này mang trong mình những giá trị đặc biệt khi phản ánh quá trình phát triển của xã hội theo dòng chảy lịch sử”.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, Việt Nam là đất nước có lịch sử lâu đời với những nền văn hóa đặc sắc trải khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi một vùng miền đều có những sắc thái văn hóa khác nhau, phong phú, đa dạng nhưng thống nhất trong bức tranh văn hóa dân tộc.

Những nét văn hóa ấy được lưu truyền qua hàng trăm năm để rồi thế hệ hôm nay tiếp tục giữ gìn, phát huy.

Trong kho tàng văn hóa đó, không thể bỏ qua cổ vật - những món đồ mang dấu vết của thời gian và được xem như là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, như những nhân chứng về một thời kỳ đã qua của đất nước.

Xã hội hóa hoạt động bảo tồn

Trong khuôn khổ chương trình triển lãm, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiếp nhận 96 cổ vật từ 16 nhà sưu tập tư nhân hiến tặng với đa dạng loại hình từ đồ gốm thời Lý - Trần, gốm Chu Đậu, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, đồ pháp lam, đồ thờ và đồ dùng sinh hoạt của người Việt xưa… sau khi UBND thành phố Đà Nẵng ban hành thư kêu gọi hiến tặng hiện vật.

Những du khách trẻ rất thích thú trước vẻ đẹp của các cổ vật quý. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Những du khách trẻ rất thích thú trước vẻ đẹp của các cổ vật quý. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Tiêu biểu như: lư đồng thế kỷ 19 của nhà sưu tập Hoàng Văn Kim, đồ pháp lam của nhà sưu tập Trần Đình Nam, chiếc âu gốm thời Lý - Trần của nhà sưu tập Trần Thanh Hải, rìu đồng văn hóa Đông Sơn, tô thời Trần của nhà sưu tập Phạm Văn Dân…

Là một trong những người hiến tặng nhiều cổ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng trong đợt này, ông Trần Đình Nam (Hưng Yên) bày tỏ: “Khi biết thành phố Đà Nẵng kêu gọi hiến tặng cổ vật, tôi đã tặng Bảo tàng Đà Nẵng 3 hiện vật quý gồm lọ chè và ly trà pháp lam Huế, cùng một Đại Nam Long tinh ngũ hạng. Đây là việc ý nghĩa nên làm và tôi rất vui khi được hiến tặng cho bảo tàng những cổ vật có giá trị của mình sưu tầm được”.

Hiến tặng Bảo tàng Đà Nẵng chiếc lư đồng thế kỷ 19, nhà sưu tập Hoàng Văn Kim (Hà Nội) cũng cho biết: “Chúng tôi đến đây tham gia cùng Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày các cổ vật với mong muốn giúp người dân và bạn bè quốc tế có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp văn hóa tinh hoa của cổ vật. Tôi rất vui khi các cổ vật của tư nhân hiến tặng được nhiều du khách quan tâm và thích thú”.

Nói về triển lãm lần này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, để sưu tầm một hiện vật đã khó, sưu tầm một bộ sưu tập càng khó hơn, đòi hỏi mỗi nhà sưu tập phải bỏ công sức, tiền bạc, thời gian để tìm kiếm, nghiên cứu.

“Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các nhà sưu tập đã phối hợp chặt chẽ, tích cực cùng với Bảo tàng Đà Nẵng trong công tác chuẩn bị, trưng bày. Hoạt động này cũng là thông điệp gửi đến các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hiện vật chung tay đóng góp nhằm xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng”, ông Thiện chia sẻ.

Nguồn: https://baodanang.vn/cham-vao-dau-xua-3297244.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm