Thị trường chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên ngày 22/7 khi giới đầu tư thận trọng phân tích các báo cáo lợi nhuận vừa công bố, đồng thời chuẩn bị tâm lý cho loạt kết quả kinh doanh sắp tới từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 nhích 0,06% lên 6.309,62 điểm, Dow Jones tăng gần 180 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite - thiên về cổ phiếu công nghệ - giảm khoảng 0,4% do nhóm cổ phiếu chip bị bán tháo.
Chuyên gia chiến lược thị trường Ryan Detrick từ Carson Group nhận định trên CNBC rằng, dù tâm lý lạc quan không quá mạnh mẽ, nhưng đợt tăng điểm mùa hè mà ông và nhóm phân tích từng dự báo đang diễn ra đúng như kỳ vọng. Vị chuyên gia cho rằng xu hướng tích cực này vẫn chưa dừng lại.

Thị trường chứng khoán Mỹ duy trì xu hướng tích cực trong các phiên giao dịch gần đây (Ảnh: Reuters).
S&P 500 tiếp tục chốt phiên ở mức kỷ lục mới dù chịu sức ép từ đà lao dốc của cổ phiếu General Motors (GM) và sự phân hóa trong nhóm công nghệ. Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao mùa báo cáo tài chính quý và các diễn biến trong đàm phán thương mại Mỹ.
Cổ phiếu GM giảm mạnh 8,1% sau khi hãng công bố báo cáo quý cho thấy khoản thiệt hại 1 tỷ USD do tác động của thuế quan, làm gia tăng lo ngại của giới đầu tư về chính sách thương mại toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cổ phiếu Ford cũng mất gần 1%.
Ngược lại, cổ phiếu Tesla tăng 1,1% trước thềm công bố kết quả kinh doanh. Alphabet - công ty mẹ của Google - cũng tăng 0,65% trước khi ra báo cáo vào ngày 23/7.
Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tiếp tục nâng đỡ các cổ phiếu công nghệ lớn, đưa S&P 500 lên quanh mức cao kỷ lục.
Ross Mayfield, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Baird, nhận định thị trường đang tạm dừng để củng cố đà tăng vừa qua, trong khi chờ loạt yếu tố có tính chất quyết định trong 1-2 tuần tới, như hạn chót áp thuế ngày 1/8 và báo cáo tài chính của nhóm Magnificent Seven (biệt danh được giới tài chính đặt cho 7 hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ).
Tuy vậy, không phải tất cả các cổ phiếu công nghệ đều tích cực. Meta và Microsoft đều giảm khoảng 1%.
Cổ phiếu của RTX của tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng giảm 1,6% dù có nhu cầu mạnh về động cơ và dịch vụ. Lockheed Martin thậm chí lao dốc gần 11% do lợi nhuận quý giảm tới 80%.
Chính sách thương mại của Mỹ vẫn là yếu tố gây bất định lớn khi hạn chót ngày 1/8 đang đến gần. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết sẽ gặp đối tác Trung Quốc vào tuần tới để bàn về khả năng gia hạn mốc thời gian áp thuế ngày 12/8. Trong khi đó, đàm phán với Ấn Độ đang đình trệ, còn EU đang tính đến các biện pháp trả đũa nếu không đạt được tiến triển với Mỹ.
Khối lượng giao dịch tại Mỹ ghi nhận ở mức cao, với 18,8 tỷ cổ phiếu được trao tay - vượt mức trung bình 17,7 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
Sau loạt dữ liệu kinh tế trái chiều tuần trước, thị trường gần như đã loại bỏ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong cuộc họp sắp tới, nhưng vẫn đặt xác suất 60% cho việc giảm lãi suất vào tháng 9 (theo công cụ CME FedWatch).
Tỷ lệ mã tăng vượt trội mã giảm trong S&P 500 ở mức 4,3:1. Chỉ số ghi nhận 21 cổ phiếu lập đỉnh mới, chỉ 1 cổ phiếu xuống đáy mới. Nasdaq có 73 cổ phiếu chạm đỉnh và 41 mã chạm đáy.
Chứng khoán châu Á dự kiến sẽ mở cửa phiên 23/7 trong sắc xanh, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đạt được “thỏa thuận lớn” với Nhật Bản, trong đó đặt mức thuế 15% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Nhật sang Mỹ.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,71% ngay khi mở cửa, trong khi chỉ số Topix tăng 1,87% tính đến 9h sáng theo giờ Nhật Bản,
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,89%, còn chỉ số Kosdaq - đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ - nhích 0,22%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,34%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến mở cửa cao hơn, với hợp đồng tương lai ở mức 25.321 điểm, so với mức 25.130,03 phiên trước đó.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chi-so-sp-500-lap-dinh-lan-thu-11-trong-nam-chung-khoan-chau-a-tang-diem-20250723073422948.htm
Bình luận (0)