Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chính phủ đề xuất loạt cơ chế, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư đường sắt

Chiều 27-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ27/05/2025

đường sắt - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh - Ảnh: Quochoi.vn

Nhấn mạnh sự cần thiết việc sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về tạo được đột phá về thể chế cho phát triển đường sắt, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng việc huy động tối đa nguồn lực phát triển hạ tầng đường sắt, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thu hút mọi thành phần kinh tế;

Ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đường sắt nhằm đáp ứng yêu cầu đa phương thức vận tải, nhu cầu đi lại của nhân dân.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư đường sắt

Để phát triển đường sắt, Chính phủ đề xuất các quy định để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Bao gồm việc huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đường sắt đều được khuyến khích thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...). 

Địa phương được dùng ngân sách để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục. Bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt.

Để rút ngắn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, dự thảo cũng bổ sung các quy định về: được áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở; 

UBND cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không phải thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư.

Việc bổ sung quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương, góp phần hiện thực hóa kết luận số 49 của Bộ Chính trị về việc đẩy nhanh tiến trình đầu tư, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035.

Cùng đó là các chính sách về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt. Kết nối các phương thức vận tải, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả giữa các tuyến đường sắt và giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác.

Phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt theo hướng ưu tiên đầu tư, có điều kiện ràng buộc nhà thầu nước ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ quản lý, vận hành, khai thác…

Chính phủ cũng nhấn mạnh việc cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trong đó giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đường sắt 2017, phân quyền cho địa phương thực hiện một số thủ tục hành chính…

đường sắt - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Ảnh: Quochoi.vn

Đánh giá kỹ tác động chính sách để tạo sự đột phá

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật, song đề nghị cần làm rõ tác động của dự án, khả năng tạo đà, thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng cường hợp tác công - tư (PPP), sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân...

Theo ông Huy, về cơ bản dự thảo luật đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương. Song cần đánh giá kỹ lưỡng hơn mức độ “đột phá” thực sự của các cơ chế, chính sách, khả năng thu hút mạnh mẽ đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực đường sắt.

Bên cạnh đó, cần rà soát bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, để nhận diện và cảnh báo sớm các nguy cơ tiềm ẩn về lợi ích nhóm, cục bộ hoặc sơ hở có thể bị lợi dụng trong công tác xây dựng pháp luật…

Để thể chế hóa nghị quyết 57, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa để đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực đường sắt thời gian tới, ví dụ như công nghệ điều khiển tàu không người lái; cơ chế thử nghiệm một số hình thức tàu đường sắt mới (như tàu đệm từ, tàu trong ống chân không…).

Theo cơ quan thẩm tra, đường sắt là một loại hình vận tải chiến lược, có vai trò then chốt gắn với an ninh quốc gia. 

Tuy nhiên, dự thảo luật hiện tại mới chỉ dừng ở quy định chung về vai trò của đường sắt đối với quốc phòng, an ninh, mà chưa có những quy định cụ thể và chi tiết. Do đó, ông Huy đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng các yếu tố liên quan, đảm bảo quốc phòng an ninh... 

Tuoitre.vn

Nguồn:https://tuoitre.vn/chinh-phu-de-xuat-loat-co-che-khuyen-khich-tu-nhan-tham-gia-dau-tu-duong-sat-20250527145739998.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm