Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chính sách đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc, tận dụng được lợi thế của người đi sau

Chiều 17.4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân17/04/2025

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được xây dựng với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Qua đó, xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

pctqh-nguyen-thi-thnah1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế.

Bộ trưởng cũng cho biết, thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong Trung tâm tài chính quốc tế trên các lĩnh vực.

Cụ thể, gồm các nhóm chính sách: ngoại hối, hoạt động ngân hàng; tài chính, phát triển thị trường vốn; thuế; xuất, nhập cảnh, cư trú, lao động đối với chuyên gia, nhà đầu tư và chính sách việc làm, an sinh xã hội; đất đai; xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy; chính sách thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech và đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi theo lĩnh vực và chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược; phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dịch vụ; chính sách về phí, lệ phí; giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

pctqh-tran-quang-phuong1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

“Dự thảo Nghị quyết quy định một số thủ tục hành chính cần thiết để thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc vận hành, phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Nội dung các thủ tục hành chính được quy định theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển Trung tâm tài chính quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới đây.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, Cơ quan soạn thảo đánh giá rõ với các nhóm chính sách như tại dự thảo Nghị quyết đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế hay chưa? Các quy định đã đủ sức nặng, sức hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh? Cần làm rõ đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam.

pho-chu-tich-quoc-hoi-vu-hong-thanh-phat-bieu.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về tính cụ thể, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là vấn đề mới, do vậy, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời. Phân cấp cho 2 Thành phố những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật.

chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-va-tai-chinh-phan-van-mai-trinh-bay-bao-cao.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về việc thành lập 1 Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 thành phố, Thường trực Ủy ban đề nghị, Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở để đề xuất mô hình mới khác với Kết luận 47-KL/TW của Bộ Chính trị. Làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa 2 cơ sở đặt ở 2 nơi; cơ quan quản lý nhà nước đối với 2 cơ sở này.

Và, căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi thành phố (TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), Thường trực Ủy ban đề nghị tại Nghị quyết có thể quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản dưới luật cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi cơ sở; có quy định về cơ chế phối hợp để mang lại hiệu quả tổng thể. Trong tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Ưu đãi về thuế cần đúng với thông lệ thế giới, tránh xung đột pháp luật

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các cơ quan đã phối hợp, quyết tâm cao để xây dựng khuôn khổ, thể chế pháp luật để hình thành, phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; tán thành việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và trình Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Chín tới.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ với 12 nhóm chính sách quy định tại dự thảo Nghị quyết đã đủ tiền đề, cơ sở pháp lý để hình thành, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế; các quy định đã đủ để tạo sự cạnh tranh trong môi trường có hơn 100 trung tâm tài chính quốc tế; làm rõ đâu là chính sách đột phá, vượt trội, khác biệt của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; bổ sung thông tin về thực trạng thị trường vốn ở nước ta, các nhà đầu tư chiến lược, mô hình hóa trung tâm này…

Quan tâm đến các chính sách ưu đãi về thuế được quy định tại Điều 20 của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành quy định mang tính đột phá trong ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng… để thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế.

bt-bo-tai-chinh1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi thuế được quy định tại dự thảo Nghị quyết là những ưu đãi tương đối sâu và cũng khá cao. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu không đi kèm theo những điều kiện ràng buộc cụ thể thì có thể tạo ra nguy cơ tạo ra bất bình đẳng giữa các nhóm doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp tại trung tâm tài chính được ưu đãi quá lớn mà không có cam kết đóng góp tương xứng cho nền kinh tế, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh.

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thuế nhằm góp phần điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, với nhiều ưu đãi khác về chính sách nhập cư, sử dụng ngoại tệ, phát triển thị trường vốn được quy định tại dự thảo Nghị quyết thì chính sách ưu đãi về thuế gây băn khoăn về khoảng cách quá lớn về sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần rà soát thận trọng, mặc dù cần có cơ chế vượt trội song cần bảo đảm tuân thủ các thông lệ quốc tế và tránh xung đột pháp luật.

Về mô hình của trung tâm tài chính, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại hai thành phố (TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt câu hỏi: Thiết kế mô hình của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam như vậy là đi theo hướng đưa TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính toàn cầu, Đà Nẵng thành trung tâm khu vực, hay theo mô hình song tụ, tức là Trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và tại Đà Nẵng sẽ làm các công việc khác nhau, không cạnh tranh giữa hai trung tâm, chỉ cạnh tranh với quốc tế dựa trên thế mạnh của mình?

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ cần làm rõ mô hình của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và các chính sách áp dụng cho mô hình được đưa ra; giải trình rõ việc xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội có đủ khả năng đưa ra cơ chế, chính sách đủ tính bao trùm, bao quát để hình thành, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế hay không?...

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, nhất là bổ sung các tài liệu cung cấp thông tin về các vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, các chính sách đề xuất áp dụng tại trung tâm tài chính quốc tế cần đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc, và tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để vận dụng kinh nghiệm tốt của quốc tế, khắc phục hạn chế và tạo sức cạnh tranh quốc tế.

Đồng thời, cần bổ sung các kinh nghiệm quốc tế; có cơ chế quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiểm soát rủi ro để bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-dot-pha-khong-rap-khuon-co-chon-loc-tan-dung-duoc-loi-the-cua-nguoi-di-sau-post410581.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm