(LĐ online) - Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn xác định công tác tổ chức bô máy là then chốt của mọi then chốt, là nhân tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước.
Qua 40 năm đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới, tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm với nhiệm vụ. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW, qua 7 năm thực hiện hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức hệ thống chính trị. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm, hội đủ được những điều kiện cần thiết để đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.
Thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương theo yêu cầu của Nghị quyết 18, các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị các cấp, các ngành và địa phương, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương đã gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cáo nhất, hành động quyết liệt trong nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ mày của hệ thống chính trị theo mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Lâm Đồng là một trong những địa phương tiên phong thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng trong tinh gọn bộ máy. Từ năm 2017 đến tháng 12/2024, kết quả sắp xếp, kiện toàn tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý khối Nhà nước, giảm 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; giảm 34 phòng chuyên môn, chi cục và tương đương (đạt tỷ lệ 23,1%); giảm 23/196 cấp phó của 20 tổ chức hành chính thuộc tỉnh; giảm 11/155 phòng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; giảm 115/716 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Lâm Đồng.
Công tác sắp xếp lại tổ chức Đảng cũng như chính quyền đã được triển khai đồng bộ. Quản lý biên chế của hệ thống chính trị, đã tinh giản 6.022 biên chế. Trong đó, khối Đảng tinh giản 231 biên chế, đạt tỷ lệ 18,63%; khối Nhà nước tinh giản 5.791 biên chế, giảm đủ 15% biên chế công chức và giảm đủ 20% biên chế viên chức (công chức tinh giản 436 biên chế, viên chức tinh giản 5.355 biên chế). Các cơ quan chuyên môn như: Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được hợp nhất với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng cũng được hợp nhất để giảm bớt bộ máy, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, ở cấp huyện, việc hợp nhất các Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cũng đã thực hiện, tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, giảm thiểu sự phân tán, làm cho công việc của chính quyền các cấp trở nên thông suốt hơn. Đây là kết quả của sự quyết tâm và tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo tỉnh, với mong muốn cải thiện không chỉ về mặt cấu trúc mà còn về chất lượng công tác, đồng thời tạo ra những thay đổi tích cực trong quản lý và điều hành chính quyền.
Mặc dù thời gian qua, chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, song các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức tuyên truyền và xuyên tạc rằng, việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là “hình thức, mị dân, không đem lại hiệu quả thực tế mà chỉ là gây tốn hại tiền bạc, ngân sách”; cơ cấu bộ máy Nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác. Thậm chí, kẻ địch còn tìm cách rêu rao rằng tinh giản biên chế là “đấu đá, quyền lực, phe nhóm”, “cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia, là cách để “hạ bệ” hoặc “gia cố” quyền lực trong Đảng”. Chúng còn cho rằng, Việt Nam không tinh giảm biên chế, không có tinh gọn bộ máy mà đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực của các phe phái”… Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, các đối tượng xấu đã ra sức rêu rao rằng: “Sắp xếp lại đơn vị hành chính là không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, tốn kém ngân sách”, “việc sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện nóng vội, áp đặt chủ quan, không phù hợp với thực tiễn”…
Nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với luận điệu xuyên tạc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, cấp xã ở nước ta, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chủ trương này; mục tiêu, lộ trình và phương pháp tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính; đặc biệt là lợi ích thiết thực mang lại cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; qua đó tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội.
Song trong đó, cần tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ nội dung, bản chất và mục tiêu của các luận điệu xuyên tạc về chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, từ đó thúc đẩy cán bộ, đảng viên và Nhân dân tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh; đồng thời có khả năng nhận diện và “miễn dịch” các nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đó. Hướng dẫn và hỗ trợ cán bộ, đảng viên và Nhân dân cách tiếp cận được những thông tin chính thống, tin cậy về công tác tinh giản biên chế và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở nước ta.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/chu-dong-nhan-dien-va-phong-ngua-dau-tranh-voi-cac-luan-dieu-xuyen-tac-ve-tinh-gian-bien-che-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-e58346f/
Bình luận (0)