Tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Nhiều quyết sách được xây dựng và triển khai, tiêu biểu như Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030 với các giải pháp, mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng trong toàn tỉnh.
Các sở ngành, địa phương tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích. Thực hiện hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương. Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn về quản lý, bảo tồn, phục hồi di tích, các địa phương đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra rà soát thường xuyên và kiểm kê di tích theo định kỳ để kịp thời cập nhật những biến động, thay đổi về di tích (hiện trạng, quy mô, đầu tư tu bổ, tôn tạo, xuống cấp, phế tích...) làm cơ sở cho các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Công tác duy tu, tôn tạo, phục hồi di tích được chú trọng. Đồng thời, tăng cường huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, kết nối di tích, các hạng mục công trình tu bổ, tôn tạo các di tích góp phần phát triển du lịch trên địa bàn. Đơn cử, tại Đông Triều, trong giai đoạn từ năm 2018-2024, thành phố có 34 di tích đã được đầu tư quy hoạch, lập dự án tu bổ, tôn tạo; đầu tư hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng và phát huy giá trị từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí trên 2.100 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách trên 1.022 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa, nguồn ngành điện, nguồn ngành than gần 1.078 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Mạnh Ngát, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Bình Lục Hạ, phường Hồng Phong (TP Đông Triều), cho biết: Cuối năm 2024, việc trùng tu tôn tạo di lích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Đình Bình Lục, giai đoạn 1 được hoàn thành với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa 100%. Đình Bình Lục được tu bổ, tôn tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, tạo dấu ấn văn hóa lịch sử đặc sắc của địa phương, kết nối với Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần và hệ thống các di tích, danh thắng trên địa bàn phường và thành phố, góp phần phát triển du lịch văn hoá tâm linh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa cũng được triển khai thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi xâm hại, tác động xấu đến các di sản văn hóa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, tiếp nhận sử dụng linh vật, hiện vật, đồ thờ tại các di tích… Hoạt động hướng dẫn tham quan tại các di tích đã được quan tâm, giúp cho người tham quan vừa trực tiếp trải nghiệm vừa tiếp nhận thông tin về lịch sử văn hóa, giá trị của di sản.
Bên cạnh việc triển khai, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật, các ngành chức năng, địa phương căn cứ nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, tăng cường công tác tuyên truyền, tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, giám sát các dự án tu bổ tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật; bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích, danh thắng, xây dựng nếp sống văn minh lễ hội...
Thực tế cho thấy, với việc triển khai nghiêm túc, đúng hướng công tác bảo tồn đã phát huy giá trị di tích, danh thắng đạt hiệu quả, góp phần quan trọng nâng tầm giá trị di tích, đưa di tích trở thành nguồn tài nguyên quý cho phát triển du lịch văn hoá, góp phần đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững kinh tế-xã hội, phát triển du lịch của địa phương.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/chu-trong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-tich-danh-thang-3354741.html
Bình luận (0)