Giống nho, táo được nông dân Nam Trung bộ mê tít
Táo là cây ăn quả nhiệt đới, chịu hạn, có thể trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, phát triển được ở những vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhất là tại các vùng khô nóng, có biên độ nhiệt độ cao thì chất lượng quả càng ngon, ngọt, giòn.
Vườn táo của người dân bị sâu róm gây hại. Ảnh: PC
Với những đặc điểm đó, những năm qua táo xanh được trồng tập trung tại các tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa với diện tích khoảng 1.450ha, trong đó nhiều nhất là tỉnh Ninh Thuận với hàng ngàn ha. Táo có thể cho thu hoạch quanh năm với năng suất từ 40 – 50 tấn/ha/năm, mỗi năm người dân có thu nhập 500 – 700 triệu đồng/ha.
Theo TS Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố), táo là cây dễ trồng, trồng một năm cho thu hoạch nhiều năm, có giá trị kinh tế cao, giúp người dân trong khu vực làm giàu. Tuy nhiên những năm gần đây, sâu róm phát sinh và gây hại khá phổ biến tại một số vùng trồng táo tại các địa phương, làm giảm năng suất, chất lượng quả.
“Qua theo dõi, khảo sát thực tế đồng ruộng của Viện Nha Hố cho thấy, với việc người dân sử dụng lưới chống ruồi vàng hại táo thì sâu róm lại có xu hướng xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khả năng lây lan và ảnh hưởng lớn hơn đối với cây và quả táo. Đây là đối tượng mới xuất hiện và gây hại cục bộ nên chưa có quy trình quản lý đồng bộ, người dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng quả táo”, TS Phan Công Kiên cho biết.
Theo TS Kiên, sâu róm là loài ăn tạp, gây hại trên nhiều loài cây trồng, trong đó có cây táo. Sâu róm thường gây hại trên bộ phận quả, lá, chồi non, lá già chúng thường kết thành tổ kén nuôi nhộng, chờ ngày hóa bướm để tiếp tục vòng đời sinh trưởng. Nếu không phát hiện và có biện pháp quản lý kịp thời, cây táo có thể bị sâu róm ăn trụi cả phần thân, quả và lá.
Sâu róm ăn rất khỏe và sinh sản nhanh, trên một ổ sâu mới nở có tới cả ngàn con sâu và chỉ trong một đêm chúng có thể ăn trụi hết lá, chồi và quả non. Trong giai đoạn táo nở hoa và quả non nếu sâu róm xuất hiện và tấn công mà không phòng trừ hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả.
Sâu róm có đặc điểm nằm dưới mặt lá và ít di chuyển, vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối chúng mới bò ra phá hoại hết cành này sang cành khác, còn trời nắng chúng bò xuống thân hoặc ẩn nấp dưới mặt lá nên khó phát hiện. Loài sâu này xuất hiện nhiều nhất ở thời điểm giao mùa, tuy không gây chết cây như những bệnh khác nhưng việc sâu tấn công hết phần chồi non, lá non và quả non đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, năng suất, chất lượng quả táo.
TS Phan Công Kiên cho biết, để quản lý sâu róm hại táo có hiệu quả, người dân nên áp dụng đồng loạt các biện pháp như: Tạo tán, tỉa cành cho vườn táo thông thoáng, thường xuyên tỉa bỏ những cành tược, cành bị sâu bệnh, cành già ở phía bên trong thân cây không có khả năng cho quả.
Cùng với đó, thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, phát hiện sâu, bệnh kịp thời và dùng biện pháp bắt thủ công để diệt nhộng, trứng, sâu non của sâu róm. Người dân nên thu gom các cành, lá có trứng và sâu non mới nở đưa ra ngoài để tiêu hủy, đây là biện pháp rất hiệu quả bởi mỗi ổ sâu róm tuổi nhỏ lên đến cả ngàn con.
Đồng thời bẫy sâu róm trưởng thành bằng bẫy đèn sinh học, phương pháp này có thể phối hợp 2 phương pháp dẫn dụ (dẫn dụ từ xa bằng ánh sáng màu vàng nhạt cường độ sáng cao và dẫn dụ gần bằng ánh sáng tím, tia UV có bước sóng 300 - 380nm). Đối với bẫy đèn, có thể kết hợp với bẫy dính hoặc thau nước đổ dầu khoáng lớp phía trên để thu gom con trưởng thành khi tập trung đến bẫy đèn.
Ngoài các biện pháp phòng trừ sâu róm trên, trong trường hợp cần thiết phải dùng thuốc hóa học thì việc phát hiện sớm rất quan trọng vì khi sâu róm lớn tuổi chúng sẽ phân tán gây hại cho cây táo. Do vậy, việc phát hiện sớm để phòng trừ sẽ hiệu quả cao, người dân sử dụng thuốc theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất, nên kết hợp với dầu khoáng hoặc chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc. Thời gian phun thuốc ở giai đoạn sâu non từ tuổi 1 đến tuổi 3 cho hiệu quả cao nhất vì ở giai đoạn này sâu non sống tập trung trên tán lá, di chuyển chậm và sức chịu đựng kém.
Hương Hoài (Theo nongnghiep.vn)
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126707/Chu-trong-bien-phap-sinh-hoc-phong-tru-sau-rom-hai-tao
Bình luận (0)