Chế biến cá khô tại huyện Bình Đại.
Toàn tỉnh có 56 làng nghề
Đến năm 2024, cơ cấu nhóm ngành nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, tại tỉnh như sau: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Số hộ tham gia các hoạt động làng nghề 11.519 hộ; thu nhập bình quân 2,453 triệu đồng/người/tháng. Tổng số lao động thường xuyên 30.129 lao động.
Đến nay, tỉnh còn 56 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận còn hiệu lực (39 làng nghề nông nghiệp, 17 làng nghề tiểu thủ công nghiệp). Trong đó, có 20 làng nghề truyền thống (11 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, 9 làng nghề nông nghiệp truyền thống).
Những năm gần đây, để hỗ trợ và phát triển ngành nghề nông thôn, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện một số hoạt động như: Thẩm định và công nhận làng nghề làng nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng cổng làng nghề; tọa đàm về việc thành lập, củng cố hoạt động của Ban quản lý làng nghề; khảo sát nắm tình hình các làng nghề; tổ chức các lớp tập huấn các chính sách dành cho các làng nghề; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật an toàn với môi trường làng nghề; tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho các hộ dân sản xuất trong làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, bánh phồng xã Phú Ngãi và chế biến cá khô xã An Thủy (thị trấn Tiệm Tôm)…
Ngoài hỗ trợ từ ngành nông nghiệp và môi trường, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp như Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; Làng nghề rượu Phú Lễ được sự quan tâm hỗ trợ từ ngành công thương về đầu tư ứng dụng công nghệ mới để mở rộng sản xuất và tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề trong các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh. Từ đó, giúp các làng nghề có thêm nhiều kênh tiếp cận với khách hàng. Điều này cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy các làng nghề đầu tư xây dựng và giữ vững thương hiệu.
Các làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng được tuyên truyền áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sinh học trong sản xuất, cách pha chế, thời gian phun thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng nhà kho, các hố nhỏ để chứa chai, túi nylon, rác thải nhằm giảm ô nhiễm môi trường…
Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng đến năm 2045, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền các nghị định và quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cách tiếp cận chính sách phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; xây dựng các mô hình dự án hỗ trợ về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống.
Khuyến khích các cơ sở thuộc làng nghề nông thôn đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, hiện đại hóa công nghệ truyền thống theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống. Tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, hội thi sản phẩm thủ công truyền thống về sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá sản phẩm tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Vận động các cá nhân sản xuất thành lập các loại hình sản xuất như: tổ hợp tác, hợp tác xã đại diện cho những người sản xuất nhỏ liên hệ tìm kiếm thị trường, khai thác vốn, thay thế công nghệ mới vào sản xuất, tìm đối tác đầu tư liên kết kinh doanh.
Thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ nhiều nguồn như huy động vốn tự có trong dân, nguồn vốn ưu đãi, tín dụng từ hệ thống ngân hàng, hỗ trợ từ ngân sách địa phương và Trung ương. Trong đó, huy động vốn trong dân là chủ yếu; vốn hỗ trợ có mục tiêu (vốn khuyến công, các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu).
Các giải pháp chủ yếu được đặt ra là khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề. Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích liên kết, thu hút các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề; khuyến khích người dân sử dụng, trưng bày các sản phẩm của làng nghề. Rà soát, tham mưu, kiến nghị hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề.
Bài, ảnh: Phương Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/chu-trong-phat-trien-nganh-nghe-nong-thon-02042025-a144573.html
Bình luận (0)