Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Chuẩn hóa" bộ chữ viết Cơ Tu

Sau thời gian nghiên cứu và tham vấn ý kiến từ cơ sở, các chuyên gia ngôn ngữ, nhà khoa học thuộc Viện Ngôn ngữ học Việt Nam hoàn thiện việc xây dựng bộ chữ viết chung của đồng bào Cơ Tu tại Việt Nam.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam30/03/2025

img_0260.jpeg
Các đại biểu tham dự Hội thảo công bố bộ chữ viết Cơ Tu được tổ chức vào trung tuần tháng 3/2025. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trên cơ sở thống nhất và đảm bảo các điều kiện “chuẩn hóa” về bảng ký hiệu chữ viết, các tổ phụ âm đầu, nguyên âm…, bộ chữ viết Cơ Tu được kỳ vọng sẽ sớm đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông thuộc địa bàn Quảng Nam, TP.Huế - nơi có đông học sinh, cộng đồng Cơ Tu sinh sống và học tập.

Hệ thống chữ viết Cơ Tu

PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) cho biết, người Cơ Tu ở Việt Nam có ít nhất 4 hệ thống chữ ghi âm tự dạng La-tinh.

Hệ thống thứ nhất do các cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chế tác, dựa trên mẫu tự La-tinh, khoảng năm 1956. Đây là kết quả lao động của các tác giả Conh Ta Lang (Lê Hồng Mao) và Conh Axơơp (Quách Xân).

Tháng 5/1959, tờ tin “Gung Dưr” (Vùng lên) bằng hai thứ chữ Cơ Tu và quốc ngữ ra đời. Năm 1986, UBND tỉnh, Ủy ban Khoa học kỹ thuật và Sở Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức ban nghiên cứu nhằm áp dụng và cải tiến một bước bộ chữ cũ. Kết quả của việc cải tiến này được sử dụng để biên soạn sách giáo khoa dùng cho lớp một (Boop Cơ Tu lớp muy) của tác giả Quách Xân, Lê Nam, Zơrâm Tuă và một số tác giả khác.

Hệ thống thứ hai được chế tác vào khoảng 1967 - 1969, do Viện Ngôn ngữ học Mùa hè xây dựng. Chữ này căn cứ vào tiếng địa phương Cơ Tu Êp (Cơ Tu vùng thấp), gặp trong Katu dictionary (Katu-Vietnamese-English - 1991) của N.A. Costell.

Hệ thống thứ ba vào năm 2003 - 2004, Quảng Nam hợp tác với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam tiến hành sửa đối các hệ chữ đã có, trình bày một hệ thống chữ để dùng trong biên soạn từ điển, ngữ pháp và sách học tiếng Cơ Tu.

Riêng hệ thống thứ tư, bộ chữ do ông Bh’riu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang sử dụng năm 2017. Chữ này căn cứ vào tiếng địa phương Cơ Tu Dal (Cơ Tu vùng cao) - tiếng của bộ phận người Cơ Tu sinh sống ở huyện Tây Giang và một số xã vùng cao huyện Nam Giang, được dùng trong cuốn sách P’rá Cơ Tu (Tiếng Cơ Tu) của tác giả Bh’riu Liếc.

“Hiện nay, chưa có một hệ thống chữ Cơ Tu thống nhất cho người Cơ Tu ở Việt Nam. Do vậy, cần phải có một bộ chữ viết thống nhất để có cơ sở pháp lý đưa vào giảng dạy tại hệ thống các trường phổ thông” - ông Hoành chia sẻ.

Bước ngoặt hồi sinh

Ông Bh’riu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho hay, trước đây, chữ Cơ Tu từng được giảng dạy trong các trường học thuộc địa bàn miền núi phía tây của tỉnh. Tuy nhiên, sau năm 1975 chữ Cơ Tu gần như bị “lãng quên”. Do đó, đây là cơ hội và cũng là bước ngoặt rất lớn để cộng đồng Cơ Tu bảo tồn tiếng nói của dân tộc mình trước nguy cơ mai một.

img_3660(1).jpg
Từ nhu cầu thực tiễn, Quảng Nam nỗ lực hoàn thiện bộ chữ viết Cơ Tu để sớm đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh dân tộc thiểu số. Trong ảnh, học sinh Cơ Tu tại Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

GS.TS Tạ Văn Thông (Viện Ngôn ngữ học) cho rằng, chữ Cơ Tu gần giống với chữ của người Co và người Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xơ Đăng), rất dễ học và học nhanh hơn chữ quốc ngữ. Người Cơ Tu khá đông (đứng thứ 26/54 dân tộc), có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc nên cần có chữ viết để bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ.

“Khi chúng tôi tiến hành khảo sát, nghiên cứu bộ chữ viết Cơ Tu trên cơ sở kế thừa hệ thống vốn có luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ chính người dân Cơ Tu. Điều đó cho thấy sự đón nhận của cộng đồng Cơ Tu đối với bộ chữ viết này, nhất là chủ trương đưa chữ Cơ Tu vào giảng dạy tại trường học có con em đồng bào Cơ Tu sinh sống, học tập” - ông Thông nhấn mạnh.

Theo ông Avô Tô Phương - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Quảng Nam, việc hoàn thiện bộ chữ Cơ Tu được xem là sự kiện mang dấu ấn lịch sử, là cơ hội bảo tồn, phát triển chữ viết, tiếng nói của đồng bào Cơ Tu tại Việt Nam. Việc thống nhất bộ chữ chung không đơn thuần là quyết định mang tính khoa học, mà còn mang ý nghĩa rất lớn đối với lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị…

Về lâu dài cần hướng đến ứng dụng công nghệ, đưa chữ viết Cơ Tu vào chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của cộng đồng. Trong đó, xây dựng bộ dữ liệu số hóa chữ viết Cơ Tu, tạo nền tảng giáo trình, tài liệu điện tử phục vụ việc giảng dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Sớm đưa vào giảng dạy

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Thái Viết Tường cho biết, chặng đường pháp lý để công nhận bộ chữ viết Cơ Tu thống nhất trải qua nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, để đưa bộ chữ viết này vào hệ thống giáo dục cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, con người, khảo sát nguyện vọng của học sinh.

img_0712(1).jpg
Bàn đá in tờ “Gung Dưr” bằng chữ Cơ Tu được trưng bày tại không gian văn hóa của huyện Nam Giang vào năm 2024. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngoài ra, TP.Huế và tỉnh Quảng Nam - hai địa phương cư trú chủ yếu của đồng bào Cơ Tu cần phối hợp chặt chẽ để tạo ra một bộ chữ Cơ Tu thống nhất, hoàn chỉnh, đảm bảo các điều kiện đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Đây là nguyện vọng chung rất chính đáng mà cộng đồng Cơ Tu ở Quảng Nam và TP.Huế luôn mong mỏi trong việc góp phần bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, chữ viết Cơ Tu có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu hiện nay. Bởi trong thời kỳ kháng chiến, người Cơ Tu từng được dạy học bộ “chữ cách mạng” này.

Tiêu biểu trong hoạt động giáo dục là việc cho ra đời bản tin “Gung Dưr” bằng chữ viết Cơ Tu, giúp người Cơ Tu biết được chữ viết của mình, góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở các huyện miền núi Quảng Nam.

Để chữ Cơ Tu sớm đến được với người dân và học sinh, ông Trần Anh Tuấn mong muốn sự đồng hành từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, địa phương nhằm thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện sớm và hiệu quả.

Trước mắt, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bộ chữ Cơ Tu và làm việc với TP.Huế về chủ trương đưa chữ Cơ Tu vào trường học. Ngoài ra, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để UBND tỉnh ban hành quyết định đưa chữ Cơ Tu vào giảng dạy trong các trường học và trong đội ngũ cán bộ liên quan…

Nguồn: https://baoquangnam.vn/chuan-hoa-bo-chu-viet-co-tu-3151733.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm