Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch giảm mạnh nhất lịch sử

Ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một trong những phiên giao dịch đáng quên khi chỉ số VN-Index lao dốc mạnh nhất trong lịch sử. Đóng cửa phiên, VN-Index mất gần 88 điểm, tương đương giảm 6,68%, xuống còn 1.229,84 điểm, kéo theo vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 500.000 tỷ đồng (tương đương hơn 19 tỷ USD).

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng03/04/2025

Sắc đỏ bao trùm toàn bộ thị trường, đặc biệt trên sàn HoSE với 517 mã giảm giá, trong đó 282 cổ phiếu giảm hết biên độ. Trên HNX và UPCoM, tình trạng tương tự diễn ra khi chỉ số HNX-Index giảm 7,22% xuống 220,95 điểm và UPCoM-Index mất 8,17%, còn 90,58 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư trở nên hoảng loạn, dẫn đến tình trạng bán tháo trên diện rộng. Trong rổ VN30, có đến 28 mã giảm sàn, với lượng dư bán lớn nhưng không có lực cầu đối ứng đáng kể. Các mã như SSI, SHB, HPG, VPB đều ghi nhận dư bán sàn lên đến hàng triệu đơn vị. Đáng chú ý, cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng rơi gần chạm sàn, dù trong suốt phiên trước đó vẫn giao dịch quanh mức tham chiếu.

Bảng điện tử nhuốm đỏ, VN-Index lao dốc
Ngày 3/4/2025 bảng điện tử nhuốm đỏ, VN-Index lao dốc.

Mặc dù áp lực bán mạnh, dòng tiền mua vào cũng gia tăng đáng kể. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 44.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Phiên giảm mạnh nhất lịch sử này được cho là xuất phát từ việc Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng cao đối với hàng hóa Việt Nam. Thông tin này đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ lo ngại về khả năng xuất khẩu suy giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Không chỉ Việt Nam, các thị trường chứng khoán châu Á cũng chịu áp lực điều chỉnh nhưng mức giảm thấp hơn đáng kể. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2,77%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,24%, trong khi chứng khoán Thái Lan giảm 1,14%.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có động thái xả hàng mạnh với tổng giá trị bán ròng xấp xỉ 3.700 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng nhiều nhất bao gồm MBB (30 triệu cổ phiếu), TPB, TCB và SSI. Ngược lại, khối ngoại lại đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu VRE của Vincom Retail với hơn 1,6 triệu đơn vị, giúp mã này thu hẹp biên độ giảm.

Dù thị trường lao dốc, một số cổ phiếu khoáng sản lại tăng mạnh, thậm chí chạm giá trần. YBM tăng 6,7% lên 16.750 đồng, KSV tăng hết biên độ 10% lên gần 250.000 đồng, trong khi MGC tăng 15% lên 25.000 đồng.

Ngoài ra, cổ phiếu STB của Sacombank ghi nhận thanh khoản đột biến với hơn 83 triệu đơn vị khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch hơn 3.100 tỷ đồng. Dù bị bán ròng hơn 7 triệu cổ phiếu, STB vẫn có lực cầu mạnh từ nhà đầu tư trong nước, giúp cổ phiếu thoát giá sàn và kết phiên giảm 6,5%.

Theo nhận định của các chuyên gia, phiên giảm mạnh này phản ánh tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư hơn là vấn đề nội tại của doanh nghiệp niêm yết. Ông Hàn Hữu Hậu, chuyên gia phân tích thị trường, cho rằng trong nguy có cơ, khi lực cầu đối ứng vẫn rất mạnh. Điều này thể hiện qua thanh khoản thị trường đạt mức kỷ lục 39.630 tỷ đồng, với hơn 1,76 tỷ cổ phiếu được sang tay trên HoSE.

Tuy nhiên, ông Hậu khuyến nghị nhà đầu tư không nên vội vàng bắt đáy mà cần theo dõi diễn biến thị trường trong các phiên tới. "Khoan mua ồ ạt, hãy bình tĩnh chọn lọc cổ phiếu, bởi không ai chắc chắn rằng thị trường đã tạo đáy hay chưa", ông nói.

Với sự xuất hiện của lực cầu hấp thụ mạnh, thị trường có thể sớm cân bằng trở lại, nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô và tâm lý nhà đầu tư.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-viet-nam-trai-qua-phien-giao-dich-giam-manh-nhat-lich-su-162228.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm