Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chương trình OCOP đánh thức tiềm năng làng nghề truyền thống

Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân khi xây dựng nông thôn mới. Tại tỉnh Tây Ninh, chương trình OCOP đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, quảng bá du lịch địa phương, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các nghề và làng nghề truyền thống.

Báo Long AnBáo Long An11/07/2025

Khai thác tiềm năng gắn với OCOP

Tây Ninh từ lâu đã nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, có 22 nghề, 1 làng nghề và 8 làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống người dân.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 391 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm của các nghề truyền thống như nhang, bánh tráng, muối ớt,… Từ khi chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh, các nghề và làng nghề truyền thống có cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường rộng lớn.

Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm truyền thống đạt chuẩn OCOP của tỉnh Tây Ninh

Các sản phẩm OCOP từ nghề và làng nghề truyền thống được quảng bá mạnh mẽ thông qua các hội chợ thương mại, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển kinh tế địa phương.

Bánh tráng Tây Ninh từ lâu được nhiều du khách chọn mua để biếu, tặng người thân, bạn bè mỗi dịp đến với Tây Ninh. Để từng bước đưa sản phẩm bánh tráng của Tây Ninh vươn xa hơn, nhiều cơ sở chủ động hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để tăng năng suất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, bánh tráng Trảng Bàng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao… Những sản phẩm này đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế.

Ông Đặng Khánh Duy - Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (phường Long Hoa) cho biết, công ty lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí quan trọng nhất. Nhờ tham gia và đạt OCOP 5 sao, lượng bánh tráng tiêu thụ tăng và đã xuất khẩu sang thị Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…

“Được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao không chỉ giúp bánh tráng được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn nhiều hơn mà công ty còn tự hào khi góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc, nghề truyền thống của địa phương, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn” – ông Đặng Khánh Duy khẳng định.

Ngoài ra, nhiều làng nghề khác cũng xem chương trình OCOP là đòn bẩy phát triển như làng nghề mây tre đan, nghề làm nhang, nghề làm muối ớt,… Các sản phẩm đã và đang được tiêu thụ rộng rãi ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, xuất khẩu sang một số thị trường như Châu Âu, Hàn Quốc… tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.

Phát triển du lịch gắn với OCOP

Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh, Tây Ninh chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch sinh thái và di tích lịch sử, tâm linh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có xúc tiến sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch.

Năm 2013, nghề làm nhang được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận là nghề truyền thống. Những nơi có nghề làm nhang được khách du lịch tìm đến để lưu lại những bức hình đẹp.

Chị Lê Thị Ngân Tâm - Chủ cơ sở sản xuất nhang Vạn Linh Hương (phường Long Hoa), một trong những chủ thể có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cho biết, bên cạnh sản xuất và mở rộng thị trường ra các tỉnh thì trong tương lai, khi cơ sở có đủ điều kiện và chuẩn bị sẵn sàng, hy vọng sẽ tiếp đón các đoàn du lịch tham quan. Qua tham quan, du lịch, du khách tận mắt chứng kiến quy trình làm nhang cũng như hiểu hơn sản phẩm nhang của tỉnh Tây Ninh. Qua đó, cơ sở sẽ tiếp cận được với khách hàng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Cơ sở sản xuất nhang Vạn Linh Hương (phường Long Hoa) là một trong những điểm thu hút du khách đến trải nghiệm nghề truyền thống của Tây Ninh

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, hiện nay, nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh được triển khai, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; tổ chức Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng;...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Nguyễn Đình Xuân cho biết: “Du khách đến với Tây Ninh ngày một tăng và mong muốn mua sản phẩm đặc thù về sử dụng hoặc làm quà tặng. Vì vậy, tỉnh cần có các quầy hàng chuyên bán các mặt hàng của Tây Ninh, trong đó có sản phẩm OCOP để giới thiệu đến du khách để vừa nâng giá trị, vừa quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc trưng của địa phương”.

Mặc dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng các nghề và làng nghề truyền thống ở Tây Ninh còn đối mặt với nhiều thách thức, từ cạnh tranh thị trường, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đến bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Do đó, tỉnh cần có nhiều hơn nữa các chính sách để hỗ trợ làng nghề, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường./.

Vũ Nguyệt

Nguồn: https://baolongan.vn/chuong-trinh-ocop-danh-thuc-tiem-nang-lang-nghe-truyen-thong-a198517.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm