Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyện cứu hộ động vật hoang dã ở Nghệ An

Suốt ngày “làm bạn” với động vật hoang dã, cứu chữa, chăm sóc và chờ ngày thả chúng về với rừng xanh là công việc của các nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây thực sự là công việc nguy hiểm, nguy cơ tai nạn và thương tích rất cao, nhưng vượt lên là tình thương dành cho những con vật thiếu may mắn...

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An23/05/2025

Nơi “tạm trú” của động vật hoang dã

Từ sáng sớm, anh Nguyễn Tất Hà, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông) đã dọn rửa chuồng sắt chuẩn bị đón một cá thể khỉ được Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu bàn giao. Giữa buổi, cá thể khỉ này được chở đến, trên người đeo sợi xích sắt dài, nhiều đám lông bị rụng khiến da trở nên trơ trụi.

4 dong vat hoang da
Một cá thể khỉ được Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu bàn giao Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã. Ảnh: Công Kiên

Sợi dây xích nhanh chóng được gỡ bỏ, khỉ được đưa vào khu vực chuồng cách ly để theo dõi, nếu có mầm bệnh sẽ được chữa trị; còn nếu bình thường sẽ được đưa ra khu vực nuôi nhốt, đến thời điểm thích hợp được thả vào môi trường tự nhiên.

Theo lời anh Nguyễn Sỹ Quốc, người phụ trách Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, Trung tâm được xem là nơi “tạm trú” của các loài động vật tịch thu được từ hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh để cứu chữa, chăm sóc trước khi đem thả vào rừng tự nhiên.

1 dong vat hoang da
Tủ thuốc cứu chữa cho động vật hoang dã. Ảnh: Công Kiên

Trung tâm đang sở hữu 1,5 ha diện tích rừng và hệ thống chuồng trại gồm các chuồng lớn đảm bảo cứu hộ tạm thời cho các loài: Thú ăn thịt, linh trưởng, nhím, tê tê…; chuồng cứu hộ các loài thú móng guốc; khu cứu hộ rùa cạn và rùa nước; chuồng sắt cứu hộ các loài mèo, cầy…

Trung tâm đảm bảo các điều kiện tối thiểu về trang thiết bị để thực hiện tốt các nhiệm vụ cứu hộ như đồ nghề thú y, các loại dụng cụ cho ăn, chăm sóc thú, tủ lạnh bảo quản thuốc và có hồ sơ quản lý theo dõi công tác cứu hộ hàng ngày.

2 dong vat hoang da
Phòng phẫu thuật động vật hoang dã. Ảnh: Công Kiên

Anh Nguyễn Sỹ Quốc dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các chuồng trại để tham quan, hiện tại có 23 cá thể đang được nuôi nhốt tại Trung tâm. Số động vật hoang dã này đều do các lực lượng chức năng tịch thu và bàn giao cho Trung tâm trong thời gian gần đây.

Sau tiếp nhận, các cá thể động vật này được đưa về nuôi nhốt, và được các nhân viên chăm sóc, chữa trị các vết thương, đến thời điểm phục hồi sức khỏe, đủ khả năng sinh sống ngoài môi trường sẽ được thả vào vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Thời gian nghỉ trưa, anh Quốc kể chúng tôi nghe những câu chuyện vui buồn trong công việc. Nhân viên Trung tâm cứu hộ gồm 4 người, ngoài anh Quốc và anh Nguyễn Tất Hà, còn có các anh Đặng Thanh Tuấn và Lộc Văn Tạo.

Hầu hết anh em đều ở miền xuôi, vài ba tuần hoặc 1 tháng mới có điều kiện sắp xếp về thăm gia đình. Tốt nghiệp ngành thú y, các anh lên đây liên hệ công việc và được phân công nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc những cá thể động vật hoang dã tịch thu được trong các vụ săn bắt và buôn bán.

3 dong vat hoang da
Khu kiểm dịch động vật hoang dã khi vừa được đưa về Trung tâm. Ảnh: Công Kiên

Công việc hàng ngày của các anh là chuẩn bị thức ăn, chăm sóc, chữa trị vết thương (nếu có) cho các cá thể động vật và tổ chức vệ sinh, xử lý chuồng trại. Nghe qua, tưởng chừng không quá nặng nề, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy thực sự không hề đơn giản.

Bởi lẽ, thức ăn của các loài vật hoang dã thường khác nhau, có loài ăn tạp nhưng cũng có loài khá kén thức ăn, mỗi ngày việc tìm và đặt mua thức ăn cho các loài vật đang được nuôi nhốt tại trung tâm không hề dễ dàng. Đã thế, mỗi cá thể lại có sở thích “khoái khẩu” riêng, buộc các nhân viên phải nắm rõ về thói quen ăn uống.

Lặng lẽ, tận tâm

Việc tìm kiếm nguồn thức ăn dù sao cũng không quá khó khăn, chỉ cần bỏ thêm thời gian và công sức, điều đáng nói hơn là những rủi ro và hiểm nguy có thể gặp phải khi tiếp xúc với các loài thú hoang dã.

5 dong vat hoang da
Một cá thể vượn đang được chăm sóc. Ảnh: Công Kiên

Với bản năng sinh tồn, chúng sẵn sàng tấn công những đối tượng chúng cho là gây ra mối nguy hiểm. Đặc biệt, những loài vật hoang dã bị con người bắt giữ và gây tổn thương trên cơ thể thường trở nên hết sức hung dữ, khi thấy bóng dáng con người xuất hiện chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công.

Có lần, một nhân viên đang dọn dẹp, tẩy rửa chuồng, một chú lợn rừng lấy hết tốc lực lao tới chân, rất may anh nhân viên ấy kịp thời phán đoán được tình huống và nhảy lên bám lấy tấm lưới dùng để phân cách các ngăn. Nếu không nhanh, hôm ấy chắc chắn bắp chân hoặc đầu gối của anh đã “dính” hàm răng của lợn rừng.

6 dong vat hoang da
Một cá thể khỉ đang được chăm sóc. Ảnh: Công Kiên

Lần khác, anh Nguyễn Tất Hà tiếp cận một chú khỉ vừa bị người dân bản địa đánh bẫy làm đứt một chân, thấy người bước vào, chú khỉ này liền xông tới cào xé vào tay, vào mặt để giải tỏa nỗi đau đớn và tức giận. Với các loài thú hung dữ khác như hổ, gấu, cá sấu..., các nhân viên phải luôn cảnh giác, đề phòng và giữ đúng khoảng cách, nếu không rất dễ gặp “tai nạn nghề nghiệp”.

Những người chăm sóc động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Pù Mát luôn tâm niệm đây không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn có cả tình thương và trách nhiệm đối với những cá thể động vật không may rơi vào vòng toan tính vụ lợi của con người. Có thế, mới đủ sự kiên nhẫn và dũng cảm để vượt qua những vất vả, lo lắng, có khi là nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ.

7 dong vat hoang da
Anh Nguyễn Tất Hà vừa dọn rửa xong chuồng vượn. Ảnh: Công Kiên

Những con thú bị sập bẫy hầu hết đều bị thương ở mức độ khác nhau, anh Hà và các đồng nghiệp tìm giải pháp cứu chữa, chăm sóc. Với vết thương ở mức bình thường thì không quá khó khăn, nhưng với vết thương nặng, các anh phải tiến hành gây mê để phẫu thuật.

Khó nhất là khi tiếp cận để khống chế và gây mê, chúng vật vã, đau đớn, hú lên những tiếng kêu thảm thiết khiến ai cũng thấy như bị xé lòng. Khi tỉnh lại, bị kiệt sức, những con thú đáng thương ấy được các nhân viên cứu hộ chăm sóc từng bữa ăn để nhanh chóng hồi phục.

8 dong vat hoang da
Anh Nguyễn Tất Hà bơm nước vào bể ở khu vực chuồng hổ. Ảnh: Công Kiên

Chứng kiến công việc hàng ngày của nhân viên cứu hộ động vật hoang dã, chúng tôi luôn khâm phục sự âm thầm, lặng lẽ nhưng hết sức hữu ích của các anh. Nhờ các anh, nhiều cá thể động vật hoang dã bị săn bắt và buôn bán được chăm sóc và trở về với môi trường tự nhiên, góp phần làm cân bằng môi trường sinh thái.

Nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đều được đào tạo cơ bản, có chuyên môn, nghiệp vụ và giấy phép hành nghề. Hiện nay, Trung tâm là cơ sở bảo tồn động vật hoang dã duy nhất trên địa bàn Nghệ An; ở đây có rất nhiều loài động vật được bảo tồn, cứu hộ và tái thả vào rừng tự nhiên”.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát

Nguồn: https://baonghean.vn/chuyen-cuu-ho-dong-vat-hoang-da-o-nghe-an-10298040.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm