Thu nhập cao nhờ cây trồng mới
Hộ bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Đông Thịnh, xã Bảo Đài có 3 mẫu ruộng. Khu vực này trũng thấp nên năm nào vào mùa mưa cũng bị úng ngập, vì vậy năm 2018 gia đình chuyển sang trồng khoai sọ. Bà chia sẻ: “Cây trồng mới được đưa vào sản xuất cho năng suất vượt trội, giá trị kinh tế cao hơn trước. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc nên khoai sọ cho củ to, đều, thường xuyên đạt từ 8 -10 tấn/mẫu. Năm ngoái, khoai sọ được giá (20-25 nghìn đồng/kg), dỡ đến đâu có thương nhân về tận ruộng thu mua đến đó”. Sau 7 tháng trồng, gia đình lãi 260 triệu đồng.
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Khảo, kiểm nghiệm giống cây trồng Tân Dĩnh nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới. |
Hiện nay, toàn bộ ruộng của gia đình bà Gái được canh tác một vụ hành, một vụ khoai, còn lại trồng xen cây nhân trần, rau màu khác; trừ chi phí mỗi năm lãi hơn 300 triệu đồng. Cũng như gia đình bà Gái, hầu hết các hộ có ruộng ở thôn Đông Thịnh chuyển từ lúa năng suất thấp sang trồng khoai sọ, hành, dưa leo và một số loài hoa (đào, ly ly, lay ơn, thược dược). Từ đầu năm đến nay, nhiều cây trồng được mùa, được giá, bà con nông dân càng thêm phấn khởi.
Tại xã Xuân Cẩm, các chân ruộng thấp ven sông Cầu ngày trước canh tác lúa, ngô đến nay hầu hết diện tích được chuyển sang trồng đào. Từ chỗ chỉ một vài hộ nhỏ lẻ trồng đào, sau 10 năm, tại Xuân Cẩm đã hình thành vùng trồng đào "nức tiếng" với hơn 300 hộ tham gia, tổng diện tích khoảng 30 ha. Giờ đây, mỗi vụ đào Tết, không ít hộ thu về 800 - 900 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Trước sự mở rộng về quy mô, diện tích của vùng đào, UBND xã Xuân Cẩm đã quy hoạch vùng trồng, mở rộng đường giao thông cho thương lái đưa ô tô về tận nơi thu mua.
Tính đến hết năm 2024, giá trị sản xuất/đơn vị canh tác của tỉnh Bắc Giang đạt 138 triệu đồng/ha/năm; tỉnh Bắc Ninh (cũ) là 131,3 triệu đồng/ha/năm. Ở nhiều nơi đã hình thành các vùng chuyên canh trồng lúa, rau màu, cây ăn quả năng suất cao mang lại lợi nhuận từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. |
Tính đến hết năm 2024, giá trị sản xuất/đơn vị canh tác của tỉnh Bắc Giang đạt 138 triệu đồng/ha/năm; tỉnh Bắc Ninh (cũ) là 131,3 triệu đồng/ha/năm. Ở nhiều nơi đã hình thành các vùng chuyên canh lúa, rau màu, cây ăn quả năng suất cao, mang lại lợi nhuận từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Đóng góp đáng kể vào giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp là nhờ các ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa năng suất thấp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, khai thác tốt quỹ đất hiện có. Tại tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017-2024 là 10 nghìn ha, chủ yếu chuyển sang trồng cây lâu năm, số còn lại trồng cây hằng năm hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Còn tại tỉnh Bắc Ninh (cũ), do quỹ đất nông nghiệp hạn hẹp, tỉnh luôn chú trọng sản xuất những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Khảo sát thực tế, tại vùng đất trũng thuộc các xã Gia Bình, Lương Tài, chân ruộng cấy lúa không hiệu quả được bà con chuyển sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh...
Nhìn chung, sản phẩm nông nghiệp không chỉ đáp ứng tiêu dùng tại địa phương mà còn cung cấp lượng lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước EU...
Bảo đảm cân đối cơ cấu, đúng quy định
Sau khi hợp nhất hai tỉnh, cơ hội để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại, phát huy giá trị ngày càng được quan tâm. Những khác biệt về địa hình và cơ cấu cây trồng hiện nay sẽ tạo nên tính đa dạng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu đồng bộ trong quy hoạch, khó kiểm soát việc thực hiện chuyển đổi nếu tỉnh không có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ bởi ở vài nơi đã có tình trạng người dân tự ý trồng cây lâm nghiệp trên đất lúa không đúng quy định của loại đất.
Theo kế hoạch năm nay, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 507 ha đất chuyên cấy lúa và đất lúa 1 vụ sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Tùy theo điều kiện, quỹ đất mỗi nơi, tỉnh có định hướng chuyển đổi phù hợp. Trong đó, các xã như Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang, Xuân Cẩm... chủ yếu chuyển từ đất lúa kém năng suất sang cây trồng lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, các xã Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ lại tập trung chuyển đổi sang trồng cây hằng năm.
Tại Nghị định số 112/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải dựa theo các nguyên tắc, trong đó người dân chỉ được chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất trồng lúa khác; không thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa năng suất, chất lượng cao; phải phù hợp với kế hoạch của tỉnh, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất…
Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường), quy định mới ban hành đặt ra trách nhiệm cao hơn trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành và các địa phương. Mặt khác, khi hai tỉnh hợp nhất, diện tích mở rộng, tiềm năng, lợi thế cũng được tăng cường hơn nên cần có chiến lược phát triển ngành nông nghiệp phát triển bền vững, khai thác tốt quỹ đất hiện có đồng thời mở rộng những mô hình sản xuất mới ứng dụng công nghệ cao. Ngành sẽ nghiên cứu, rà soát, cập nhật lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên toàn tỉnh Bắc Ninh, từ đó tham mưu xây dựng bản đồ vùng chuyên canh cây trồng, phân vùng chuyên trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu và rau màu. Ví như khu vực phía Tây Bắc của tỉnh tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh vải thiều, cam, bưởi, chanh leo, nhãn, nho - hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Vùng đồng bằng ven sông Đuống mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, rau hữu cơ. Các phường, xã giàu tiềm năng như Quế Võ, Tiên Du phát triển hoa, cây cảnh (hoa lan, cúc, hướng dương…), dược liệu (gừng, nghệ, hà thủ ô) kết hợp du lịch nông thôn, làng nghề truyền thống. Tiếp tục quan tâm thúc đẩy hoạt động liên kết vùng và chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Quan tâm lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của từng vùng. Ưu tiên mở rộng diện tích trồng rau an toàn tập trung, trồng hoa, phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trồng cây cảnh.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-khai-thac-loi-the-nang-cao-hieu-qua-postid421416.bbg
Bình luận (0)