
Khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn
Chuyển đổi xanh trong hoạt động logistics đã không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu, quyết định sức cạnh tranh, thậm chí là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics toàn cầu. Đây là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên thực tiễn triển khai vẫn còn cách khá xa chính sách.
Chia sẻ tại “Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa cho rằng, logistics xanh là mục tiêu buộc phải hướng tới, nhưng không dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm thị phần chủ yếu về logistics, lại gặp nhiều rào cản như chi phí cao, thiếu thông tin và chính sách hỗ trợ. Vì vậy, để thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tối ưu hóa quy trình vận hành là rất tốn kém, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực.
Mặt khác, hệ thống pháp lý chưa đầy đủ và thiếu tính liên kết để hỗ trợ logistics xanh. Dù Chính phủ đã có Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hay Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có đề cập đến hạ tầng hỗ trợ phương tiện xanh, nhưng việc triển khai còn chậm và thiếu liên kết.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ và các doanh nghiệp cũng gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ cũng như thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu và đủ năng lực thực hiện. Hơn nữa, nhận thức, thói quen và hạ tầng hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển phương tiện vận chuyển xanh.
Chủ động chuyển đổi xanh để tồn tại
Nền kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh mẽ kéo theo xu hướng tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng. Lĩnh vực logistics cũng theo đó chịu áp lực chuyển đổi sâu rộng chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thích ứng kịp thời để tồn tại giữa biến động.
Bên cạnh đó, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã đưa ra những mục tiêu giảm phát thải chặt chẽ, như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các sáng kiến từ Gói Fit for 55 của Liên minh châu Âu (EU) đến lộ trình giảm carbon của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)… buộc doanh nghiệp logistics phải xanh hóa quy trình và hướng tới mục tiêu Net Zero…
Phó Chủ tịch Ủy ban Vận tải và Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Koen Soenens cho rằng, quá trình xanh hóa logistics tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới chuyển động mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, ngành logistics phải chủ động chuyển đổi để thích ứng và tồn tại.
Theo ông Koen Soenens, các doanh nghiệp châu Âu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể tại Việt Nam như sử dụng năng lượng mặt trời tại kho vận, văn phòng; triển khai đội xe giao nhận xanh; tích hợp công cụ số để tối ưu lộ trình, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải... Đây là chiến lược dài hạn giúp tối ưu vận hành và nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, các hạn chế như hạ tầng logistics tại Việt Nam chưa đồng bộ, một số chính sách, quy định thiếu nhất quán... khiến doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi áp dụng vào thực tế.
“Phát triển xanh là quá trình không thể thuê ngoài mà cần sự chung tay giữa doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan. Với việc cải thiện nhận thức, nguồn lực tài chính, kỹ năng và kinh nghiệm cùng sự đồng bộ chính sách và thống nhất quan điểm, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến rất nhanh”, ông Koen Soenens nhận định.
Trao đổi về thực tiễn triển khai chuyển đổi xanh của doanh nghiệp và những đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, ông Yap Kwong Weng, Giám đốc điều hành Việt Nam SuperPort™ (liên doanh giữa Tập đoàn YCH của Singapore và Tập đoàn T&T của Việt Nam đang vận hành Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc) cho rằng, điều cốt lõi là thúc đẩy mô hình logistics tích hợp đa phương thức. Cùng với đó, xây dựng hành lang chính sách và tài chính bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi chuyển đổi một cách thực chất.
Việt Nam SuperPort™ đang triển khai một mô hình mới tại Việt Nam, tích hợp nhà ga hàng hóa hàng không, kho ngoại quan, kho thường và các giải pháp giao thông kết nối xuyên biên giới. Đây là mô hình chưa phổ biến trong khu vực nhưng có tiềm năng tạo ra lợi thế cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế.
“Chúng tôi không đi theo hướng khu công nghiệp đại trà, mà tập trung vào tối ưu hóa tài sản hiện hữu để tăng hiệu suất vận hành. Ví dụ, nếu khách hàng cần vận chuyển hàng bằng đường hàng không, hàng hóa có thể được đưa trực tiếp từ kho đến máy bay nếu quy định cho phép”, CEO Việt Nam SuperPort™ cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Yap Kwong Weng, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính sách và tài chính. Do đó cần khuyến khích tài chính xanh và các cơ chế kết hợp công - tư, từ các tổ chức tài chính quốc tế như IFC, WB và hệ thống ngân hàng trong nước.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-xanh-trong-hoat-dong-logistics-doanh-nghiep-phai-thich-ung-de-phat-trien-ben-vung-709689.html
Bình luận (0)