Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và Việt kiều tại Lào nói riêng, Bác Hồ là hiện thân của Tổ quốc. Nghĩ về Bác là nghĩ về quê hương đất nước, về ông bà tổ tiên. Hầu như gia đình Việt kiều nào ở Lào, trong nhà cũng đều treo ảnh Bác Hồ, nhiều nhà lập bàn thờ Bác, để hằng năm đến dịp Sinh nhật Bác, hay Quốc khánh 2/9 (cũng là ngày Bác mất), bà con lại dâng hương, làm giỗ Bác Hồ.
Thấy Bác là thấy quê hương, thấy cội nguồn dân tộc Việt Nam
Dù sống một mình, nhưng ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nương ở đường Dongpalan, bản Phải, quận Sisatanat, thủ đô Vientiane, Lào luôn tươm tất và ấm cúng. Đặc biệt là ban thờ tổ tiên và Bác Hồ lúc nào cũng đầy đủ hương hoa.
Chân dung Bác Hồ được treo trang trọng trên cao. Đã thành nếp, ngày sinh nhật 19/5 hay ngày giỗ Bác, bà Nương đều dâng hương hoa, bánh trái cúng Bác Hồ như cách bà con Việt kiều ở đây vẫn làm khi lên chùa cầu nguyện cho ông bà tổ tiên mình.
Bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ lúc nào cũng đầy đủ hương hoa tại nhà bà Nương.
Bà Nương nhớ lại, trước năm 1950, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, nhiều gia đình Việt kiều tại Lào đã di tản sang Thái Lan để xây dựng cộng đồng người Việt tại Thái. Hành trang khi ra đi chỉ vài bộ quần áo và ít đồ dùng. Cuộc sống ban đầu vô cùng khó khăn, nhưng gia đình nào cũng cố gắng tìm cho được một tấm ảnh Bác, thậm chí là cắt từ báo, để treo trong nhà.
Bà con treo ảnh Bác Hồ trang trọng trong nhà để nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ và kính trọng Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Với bà con, đó là một cách để nhớ về quê hương nguồn cội. Khi chính quyền thân Mỹ ở Thái Lan lên nắm quyền, cảnh sát truy lùng những người thân với chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bà con nghĩ ra cách đưa ảnh Bác lên bàn thờ. Chuyện thờ sống Bác Hồ có từ đó.
Bà Nương nhớ lại: “Tất cả gia đình Việt kiều yêu nước hồi ấy trong nhà đều treo ảnh Bác Hồ. Chính quyền khi đó khủng bố dữ lắm. Cái khó ló cái khôn, chúng tôi bàn nhau đưa ảnh Bác lên bàn thờ, chỉ là không thắp hương thôi. Vì thờ Bác Hồ lúc đó là thờ sống mà.
Phong tục của Lào, Thái Lan là trong nhà có quyền thờ một vị Phật, hay một vị thánh thần nào đó mà mình tôn kính, không ai được can thiệp. Nên khi mình thờ Bác Hồ trong nhà, chúng chẳng dám làm gì”.
Tháng 9/1969, nghe tin Bác mất, bà con Việt kiều vô cùng đau buồn. Không ai bảo ai, bà con lập bàn thờ Bác trong nhà như thờ ông bà tổ tiên mình. Lúc Bác sống thì bà con lên chùa lễ Phật, cầu mong cho Bác khỏe, sống lâu. Khi Bác mất, bà con lại lên chùa thắp hương cầu nguyện cho linh hồn Bác sớm được siêu thoát. Với người Việt xa quê hương, Bác Hồ từ lâu đã được xem như người thân trong gia đình.
“Lúc Bác còn mạnh khoẻ thì chúng tôi không thắp hương. Sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh, ngày Tết Nguyên đán… chúng tôi đều mua hoa về trang trí, dâng hoa quả để mời Bác cùng vui. Bà con kiều bào theo Bác, quý Bác nhất trên đời này. Nên khi Bác mất, không riêng tôi, bà con Việt kiều đều thờ Bác. Trong nhà thờ cúng ông bà cha mẹ thế nào thì chúng tôi cúng Bác Hồ thế ấy. Ngày rằm, mùng một, đều thắp hương, mua hoa quả cúng Bác. Ai cũng xem Bác như một người ông trong gia đình mình”- Bà Nương nói.
Không chỉ lập ban thờ Bác Hồ tại nhà, cộng đồng người Việt tại Lào còn hiến đất, góp sức cùng Chính phủ hai nước Việt – Lào xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng-vang, huyện Noong Bok, tỉnh Khammouane
21 năm trên đất Thái Lan, rồi 10 năm sang Pháp, đến năm 1976, gia đình bà Nương mới trở về Lào định cư đến tận bây giờ. Mấy mươi năm vất vả mưu sinh, đi đâu, trong hành trang của gia đình cũng luôn có ảnh chân dung Bác Hồ. Trong nhà, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng để hằng ngày ai cũng được nhìn thấy Bác. Bởi thấy Bác là thấy quê hương, thấy cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Bà nói: “Có Bác Hồ thì mới có quê hương Tổ quốc ngày nay. Bác Hồ dạy là dù đi đâu, ở đâu, mình vẫn là người Việt Nam. Mình có quê hương, nguồn cội. Mình phải biết yêu biết quý, biết trân trọng. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào là mình có Bác Hồ, có quê hương đất nước mà khắp năm châu bốn biển ai cũng phải trân trọng. Cho nên đi đâu, gia đình tôi cũng đều mang chân dung Bác đi theo”.
Người già thường sống vì kỷ niệm. Bà Nương cũng không ngoại lệ. Phòng khách nhà bà đầy ắp hình ảnh của gia đình, người thân, bạn bè với những kỷ niệm không quên về một thời phiêu bạt mưu sinh. Chiếc hộp sơn mài khảm xà cừ được dùng để cất giữ nhiều bức ảnh về những hoạt động của bà con Việt kiều Thái Lan, cũng như của gia đình bà gần 30 năm từ 1946 đến 1975.
Bà kể về những ký ức từ lúc nhỏ, khi nghe bố mẹ, bà con hàng xóm kể về Bác, về phong trào lập bàn thờ Bác của bà con Việt kiều Thái Lan khi đó.
Giờ thì mỗi dịp kỷ niệm Sinh nhật Bác hay Quốc khánh là thêm một lần bà Nương và bà con Việt kiều tại Lào bồi hồi nghĩ về đất nước, về vị lãnh tụ kính yêu và lòng tự dặn lòng phải sống cho xứng đáng với tình thương yêu và sự hy sinh mà Bác đã dành trọn đời mình dâng hiến.
'Mình là người Việt Nam, phải nhớ đến công lao của Bác Hồ'
Cũng như bà Nương, ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Đức Sáu đã thấy bố mẹ treo ảnh Bác Hồ trong nhà. Năm 1977, ông và gia đình từ Nongkhai, Thái Lan trở về Vientiane, Lào sinh sống. Khi làm nhà ở bản Champa, quận Sikhottabong, thủ đô Vientiane, ông Sáu đã lập lại ban thờ Bác Hồ và luôn hương khói đều đặn cho Bác.
Ông luôn kể cho con cháu nghe về tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ, về sự hy sinh của Bác cho đất nước, cho dân tộc và dặn con cháu: “Mình là người Việt Nam, phải nhớ đến công lao của Bác Hồ. Dù cuộc sống thế nào, bàn thờ Bác Hồ cũng phải đặt ở nơi trang trọng nhất".
Mỗi khi có dịp về Việt Nam, ông Sáu lại tìm mua ảnh và đồ lưu niệm có in hình Bác Hồ mang về trưng trong nhà
Mỗi khi có dịp về Việt Nam, ông Sáu lại tìm mua ảnh và đồ lưu niệm có in hình Bác Hồ mang về trưng trong nhà. Ông bộc bạch: “Bác đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân. Mình có được cuộc sống hôm nay, dù là ở Lào, cũng là nhờ Bác Hồ đã cùng với các nhà lãnh đạo cách mạng Lào gây dựng nên. Bác là người có công rất lớn trong việc xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào bền chặt. Nhớ Bác, chúng ta phải làm theo Bác, sống thật tốt”.
Không chỉ lập ban thờ Bác Hồ tại nhà, cộng đồng người Việt tại Lào còn hiến đất, góp sức cùng Chính phủ hai nước Việt - Lào xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng-vang, huyện Noong Bok, tỉnh Khammouane - nơi Người từng hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để bà con Việt kiều và du khách viếng thăm, tỏ lòng ngưỡng vọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng-vang, huyện Noong Bok, tỉnh Khammouane
Từ nhiều năm nay, cứ đến Sinh nhật Bác 19/5 là cộng đồng người Việt Nam tại Lào lại về đây dâng hương hoa, kỷ niệm sinh nhật của Người, tự hứa với lòng mình phải sống và làm nhiều việc tốt, luôn hướng về quê hương đất nước, gìn giữ và trao truyền văn hoá truyền thống của dân tộc cho thế hệ mai sau, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/chuyen-kieu-bao-tho-bac-ho-khi-nguoi-con-song-2402414.html
Bình luận (0)