
Nhớ lại mùa hè năm 1988, Paul Gascoigne, người được bình chọn là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa 1987/88, đã tin rằng mình sẽ rời Newcastle để gia nhập MU. Một cuộc trao đổi qua điện thoại đã diễn ra và Gascoigne gật đầu với HLV Sir Alex Ferguson. "Bố cứ yên tâm đi nghỉ, về con ký hợp đồng", anh nói.
HLV của MU không ngờ khi ông nghỉ hè, Tottenham xuất hiện và đề nghị tặng cho bố mẹ Gascoigne một căn nhà, cũng hào phóng gửi đến chị gái anh một chiếc giường tắm nắng. Họ đánh trúng tâm lý muốn lo cho gia đình của Gazza, để rồi sở hữu tài năng lớn nhất nước Anh ngay trong tầm tay MU, đội từ chối chi thêm.
Sau này Sir Alex vẫn tiếc nuối, nói rằng Gascoigne đã phạm sai lầm lớn khi từ chối MU. Bản thân Gazza cũng đồng ý với quan điểm đó. "Có lẽ chị tôi nên đi nhuộm da thay vì đòi hỏi cái giường tắm nắng, và tôi tới MU để gặt hái nhiều chiếc Cúp", cầu thủ giành duy nhất chiếc Cúp FA 1990/91 trong sự nghiệp thi đấu tại xứ sương mù than thở.

Kình địch một thời của MU, Arsenal cũng có điều khoản kỳ lạ khi ký hợp đồng với Dennis Bergkamp. Vì chứng sợ đi máy bay, tiền đạo người Hà Lan đề nghị cài vào hợp đồng điều khoản cho phép anh sẽ không lên máy bay tới các trận sân khách ở cúp châu Âu. Để đưa anh đến London từ Inter Milan, Pháo thủ đồng ý với điều kiện sẽ khấu trừ vào tiền lương sau mỗi lần không bay. "Giả sử họ đưa tôi 1 triệu, nhưng sẽ trừ đi 100 ngàn vì lý do vì cậu không bay", Bergkamp kể.
Những năm đó, các CLB Ngoại hạng Anh gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các ngôi sao, nhất là những người đang chơi tại Serie A, giải đấu hàng đầu thế giới trong thập kỷ 1980 và 1990.
Năm 1996, để thuyết phục Faustino Asprilla rời Parma, Chủ tịch Newcastle Freddy Shepherd đã nói dối không chớp mắt. Khi tiền đạo người Colombia hỏi rằng "Newcastle ở đâu ở London?", ông đáp, "ngay gần thôi". Sau này gia nhập CLB vùng Đông Bắc, Asprilla mới vỡ lẽ, nơi này cách thủ đô nước Anh tới 400 cây số.

Sang thập niên 2000, Premier League dần lớn mạnh và việc chiêu mộ các cầu thủ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh lại đến từ những CLB cùng giải đấu. Ví dụ như năm 2005, MU tin rằng họ sẽ có tài năng trẻ John Obi Mikel từ Học viện Lyn Oslo của Na Uy.
Nhằm thuyết phục Mikel, Sir Alex đã mời anh tới tập luyện ở CLB, nơi ông bố trí Paul Scholes và Nicky Butt đóng vai ác, những người chuyên chơi rắn, trong khi đội trưởng dữ dằn Roy Keane lại đảm nhiệm vai "vệ sỹ", ra sức bảo vệ cậu nhóc trẻ tuổi. Tài năng người Nigeria đã rất cảm kích Roy Keane, rồi còn xúc động hơn nữa khi nghe Sir Alex nói rằng chính Scholes cùng những ngôi sao khác cũng trầm trồ trước tài nghệ của anh, sau đó bắt ông phải ký hợp đồng ngay lập tức.
Thế nhưng vào ngày hẹn ký, tỷ phú Roman Abramovich của Chelsea đã "bắt cóc" Mikel, đưa anh tới một nơi bí mật ở London và cho anh ở chung với ba đồng hương Nigeria khác. Lập tức những người này trở nên thân thiết, để rồi gây khó cho Mikel khi phải đưa ra lựa chọn. Nếu anh đến MU, ba người kia sẽ phải ra đi. Nếu anh chọn Chelsea, họ sẽ có sự nghiệp. Vậy là Mikel gia nhập đội bóng London, gắn bó hơn 10 năm và giành 11 danh hiệu.

Theo thời gian, khi bóng đá ngày càng thương mại hóa và nhiều đội sẵn sàng chi trả hàng trăm triệu euro cho một cầu thủ, các CLB buộc phải sáng tạo hơn trong việc chìa ra những lợi ích.
Inter Miami đã có một ý tưởng khó tin cách đây hai năm khi cố gắng ký hợp đồng với Lionel Messi trong sự cạnh tranh không cân sức về mặt tài chính với các đối thủ đến từ Saudi Arabia.
Suốt nhiều tháng, dựa trên mối quan hệ gần gũi giữa đồng sở hữu David Beckham và ngôi sao người Argentina, Inter Miami đã tìm ra giải pháp để vượt qua sự chênh lệch tài chính, đó là cung cấp cho Messi quyền sở hữu tại câu lạc bộ MLS sau khi hợp đồng kết thúc. Chưa hết, thỏa thuận này cũng bao gồm khoản thu nhập bổ sung từ một số đối tác thương mại của giải Nhà nghề Mỹ, như tiền từ việc đăng ký MLS Season Pass trên Apple TV, cùng với các thỏa thuận với Adidas và Fanatics. Ngoài ra, những đồng đội cũ, cũng là bạn bè thân thiết của Messi cũng gia nhập Inter Miami, gồm Luis Suarez, Jordi Alba và Sergio Busquets.

Chuyển nhượng đã trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ và cạnh tranh hơn bao giờ hết, buộc các CLB phải xoay xở để đạt mục đích, đồng thời phía cầu thủ cũng tận dụng bối cảnh để ra yêu sách.
"Càng ngày, yêu cầu càng trở nên kỳ quặc", một đại diện của nhiều cầu thủ Ngoại hạng Anh chia sẻ với The Athletic, "Đó có thể là một đề xuất rất cụ thể, chẳng hạn như giúp đưa thú cưng của họ về nước nếu phải đi chuyển xa, hoặc bình thường như phải có một khu vực riêng dành cho gia đình và bạn bè tại sân vận động.
Sao cũng được, vấn đề chỉ là các cầu thủ nên đòi hỏi từ sớm, đặc biệt nếu điều đó quan trọng với họ. Các CLB sẽ không muốn chi thêm tiền khi các cuộc đàm phán sắp hoàn tất, và có thể dẫn tới đổ vỡ một phi vụ sắp hoàn tất".

Trọng tài rút nhầm thẻ đỏ ở trận U23 Việt Nam thắng U23 Philippines

HLV Kim Sang-sik: 'Sự tự tin sẽ giúp U23 Việt Nam chinh phục chức vô địch'

Vào chung kết giải U23 Đông Nam Á, U23 Việt Nam nhận thưởng lớn

HIGHLIGHTS U23 Việt Nam 2-1 U23 Philippines: Thẳng tiến vào chung kết
Nguồn: https://tienphong.vn/chuyen-nhuong-bong-da-va-nhung-chieu-tro-ky-quai-nham-thuyet-phuc-cau-thu-post1763702.tpo
Bình luận (0)