Phần nghiên cứu và dịch thuật tác phẩm văn chương bằng chữ Hán của tác giả Việt Nam, ông dịch toàn bộ tập thơ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia Định thành thông chí, cuốn sách gối đầu giường khi tìm hiểu về Nam Bộ giai đoạn Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược và các triều đại Gia Long, Minh Mạng.
Trong Cấn Trai thi tập có 30 bài thơ vịnh cảnh của Trịnh Hoài Đức là Gia Định tam thập cảnh. Bài Tân Triều đãi độ (Đợi đò ở bến Tân Triều) mà các tuyển tập văn thơ Đồng Nai thường tuyển chọn là một trong 30 bài này.
Trong Gia Định tam thập cảnh có bài Quất Xã sào ty (trong Gia Định tam gia dịch là “táo ty”) ca ngợi người ươm tơ tằm ở Xã Quýt. Hiện nay, quýt và quất/tắc khác nhau nhưng trong Hán ngữ là một. Sách Gia Định thành thông chí, bản dịch của nhà Hán học Lý Việt Dũng do Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai (1698-1998) chú thích quất: quýt. Xin thêm là bản dịch này có phần phụ lục giải thích tên sản vật viết bằng chữ Hán ở Gia Định thành, lúc Trịnh Hoài Đức thực hiện công trình này.
Nguyên văn bài thơ bằng chữ Hán như sau:
Quất xã nhân gia sự chức nhâm,
Sào ty phụ nữ các gia tâm.
Tam bồn xuất tự phiên hương kiển,
Song trợ tần yêm chấn lũ câm.
Niểu niểu yên hà xuy hỏa sắc,
Tào tào phong vũ chuyển xa âm.
Hậu phi hóa bị tàm tang phụ,
Tảo hội hoàng nghi hiến dã thầm.
Bản dịch thơ của Nguyễn Khuê:
Xã Quýt nghề chuyên dệt lụa tằm
Ươm tơ phụ nữ thảy đều chăm
Chậu bày mối kén thơm tho lật
Đũa rủ tơ vàng óng ánh ngâm.
Lửa bốc yên hà màu uốn khúc,
Xe quay mưa gió tiếng rì rầm
Tằm dâu dệt tấm chăn Phi Tử
Rực rỡ dâng lên tỏ thực tâm.
Trong sách của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê và sách Gia Định tam gia của Hoài Anh (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2006) đều chú thích Quất Xã ở huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (cũ), trang 175. Chú thích thêm hậu phi là vợ vua Văn Vương nhà Chu, có đức hóa tốt, dạy dân việc tằm tơ. Sách Chu Lễ chép: vua đi khuyên bảo nhân dân công việc làm ruộng, vợ vua đi dạy bảo phụ nữ cách trồng dâu nuôi tằm. Hai câu cuối được sách Gia Định tam gia dịch nghĩa là: “Bà hậu phi chăm lo việc tàm tang, dân đã thấm nhuần đức hóa/ Chính tay những người đàn bà dệt lụa ấy sẽ thêm những bức tranh ca tụng để tỏ lòng thành dâng bậc chí tôn”.
Diễn đạt hiện đại thì cách nay hơn 330 năm, Trịnh Hoài Đức đã ca ngợi công việc của người lao động (trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ) vậy.
Gia Định tam thập cảnh ca ngợi các cảnh đẹp của Gia Định thành thời ấy, ngoài phủ Phước Long có cả Bến Nghé, Hố Nai, Nhà Bè, Bình Thủy, Long Hồ, Long Xuyên, Chiêu Thái (Châu Thới)…
Trần Chiêm Thành
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/co-bai-tho-trinh-hoai-duc-viet-ve-mot-dia-danh-o-phuoc-long-59e07cc/
Bình luận (0)