Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ chế thuận lợi bảo tồn di sản

(VHQN) - Làm gì để huy động các nguồn lực “phi nhà nước” hỗ trợ cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới tại Quảng Nam? Nhìn từ Quỹ Bảo tồn di sản Huế có thể tham khảo những kinh nghiệm quý giá.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam05/04/2025

quy-btds-10.jpg
Xương Thọ Lăng, lăng mộ Hoàng thái hậu Từ Dụ ở Cố đô Huế, công trình được trùng tu bởi nguồn vốn tư nhân đóng góp cho Quỹ bảo tồn di sản Huế. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Hoạt động của Quỹ Bảo tồn Di sản Huế

Thành phố Huế có 6 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (công nhận năm 1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc triều Nguyễn (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) và Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (2024).

Trong những năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới ở Huế đạt nhiều thành tựu, được UNESCO đánh giá là “mẫu mực” và khuyến nghị các địa phương, những nơi đang quản lý và bảo tồn những di sản thế giới khác ở Việt Nam, tham khảo, học tập.

Huế đã sử dụng nhiều nguồn lực từ sự đầu tư của Trung ương và chính quyền địa phương; từ tài trợ của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài; sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… vào hoạt động trùng tu, bảo tồn nhiều di sản văn hóa.

Đặc biệt, ngày 20/10/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Theo đó, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP.Huế) trực tiếp quản lý. Mục đích nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.

Nguồn tài chính của Quỹ là nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không bao gồm ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế; nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm tự nguyện hoặc tài trợ có mục đích; nguồn lãi từ tài khoản tiền gửi; nguồn tồn dư quỹ hàng năm và các nguồn hợp pháp khác.

Quỹ bảo tồn di sản Huế hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Hội đồng quản lý Quỹ gồm có 5 thành viên, gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Quỹ bảo tồn di sản Huế là một cơ chế đặc biệt dành riêng cho di sản Huế. Cơ chế này giúp cho Huế chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn di sản, đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích đang nguy cấp.

Sau hơn 2 năm thành lập và hoạt động, Quỹ bảo tồn di sản Huế đã nhận được các khoản đóng góp lên đến 7,664 tỷ đồng từ nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Cần đơn vị quản lý phù hợp

Các dự án trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới ở Huế thuận lợi nhận được sự tài trợ, hỗ trợ từ các chính phủ, tổ chức nước ngoài, như Japan Foundation, Rhône-Poulenc, America Express, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Bangkok...

quy-btds-04.jpg
Du khách thăm Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Đại diện các tổ chức này chia sẻ, thường họ sẽ dễ dàng đóng góp tài chính cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu các di tích… do các cơ quan chuyên môn quản lý và tổ chức thực hiện hơn, bởi các thủ tục pháp lý đơn giản hơn.

Những di sản thế giới ở Huế được quản lý bởi Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, không phải cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Nhưng cơ quan này lại có đủ quyền hạn và chức năng trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, nên thuận tiện cho các đối tác hợp tác và tài trợ.

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vào ngày 8/2/2025, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt các Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Đề án xã hội hóa công tác quản lý, khai thác Khu đền tháp Mỹ Sơn; Đề án thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam và cơ chế sử dụng phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Quảng Nam chú trọng 2 vấn đề: xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Khu đền tháp Mỹ Sơn và thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam (như Chính phủ đã cho phép thành lập tại Huế), nhằm huy động các nguồn lực “phi nhà nước” hỗ trợ cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới tại tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, các di sản thế giới của Quảng Nam được quản lý bởi chính quyền địa phương ở Hội An và Duy Xuyên, trong khi Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam là đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL. Do vậy, việc quản lý, bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị các di sản này đang bị phân tán, gây trở ngại trong việc huy động các nguồn lực “phi nhà nước”, nguồn lực xã hội hóa.

Có lẽ đã đến lúc Quảng Nam cần một cơ chế mới cho vấn đề này, từ sự chuyển đổi ở địa phương lẫn sự ủng hộ của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ở trung ương.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/co-che-thuan-loi-bao-ton-di-san-3152163.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm