Tỉnh Đắk Lắk, trong diễn biến chung ấy, lại càng cần đặt ra những câu hỏi về định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thế nào, vừa cân đối những hoạch định đã có kết hợp hiệu quả với những cơ hội mở rộng mới để vươn lên bứt phá...
Theo một cựu lãnh đạo ngành kế hoạch đầu tư tỉnh, dư luận đang chú ý hướng sáp nhập địa phương sẽ diễn ra như thế nào, địa hạt hành chính mới tổ chức lại sẽ ra sao?
Song vấn đề cốt lõi phải thấy là việc tinh giản bộ máy hành chính, sáp nhập các địa giới tỉnh thành không nên xem là chủ trương cơ cấu lại việc phân cấp quản lý, thay đổi tổ chức đơn thuần.
Mục tiêu lớn đặt ra là cả nước chuyển đổi mô hình quản lý hành chính sang quản trị xã hội, đặt lại những vấn đề thiết thực tác động đến đời sống người dân theo góc nhìn mới: phục vụ nhu cầu người dân tốt hơn.
Hiệu quả chuyển đổi số trong thời đại hôm nay với những kết quả ứng dụng số hóa toàn diện đã cho phép công tác quản trị xã hội thoát khỏi phạm vi địa lý, địa hình, thực hiện được những yêu cầu giám sát tầm xa, trực tuyến… hiệu quả, bảo đảm việc theo dõi, hỗ trợ hoạt động xã hội đến tận từng “tế bào” là con người.
Cơ hội vươn lên bứt phá cùng tầm nhìn kinh tế vùng đang thực sự mở ra cho Đắk Lắk. Trong ảnh: Một góc trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Do đó, khuôn khổ một vùng, khu vực dân cư để dễ kiểm soát, hỗ trợ đã không còn bị bó hẹp trong phạm vi nhất định nữa. Thay vào đó, các cấp quản trị xã hội có thể ngồi một vị trí kiểm soát được toàn vùng lãnh thổ, giám sát đến cá nhân từng người qua định danh đã nhập liệu số hóa.
Việc sáp nhập các tỉnh thành, bỏ qua cấp quản lý quận, huyện, mở rộng biên độ các khu vực giám sát hỗ trợ và phân quyền trách nhiệm đến tận các đơn vị cơ sở (phường, xã) là những bước đi cần thiết để thay đổi dần cấu trúc quản lý lâu nay, thay đổi luôn tư duy, quan niệm quản lý cũ của bộ máy hành chính, hướng người dân và các cấp quản trị xã hội đến tính tích cực chủ động, tự chịu trách nhiệm, tự đề xuất yêu cầu đáng có…
Cho nên, với địa bàn sẽ sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk được mở rộng không gian quản trị xã hội, có thể không còn tự bó hẹp ở địa giới cao nguyên mà phải vươn tầm nhìn, trách nhiệm ra xa hơn, hội tụ cùng các địa giới hành chính khác tạo nên liên kết vùng, tầm nhìn kinh tế vùng, trách nhiệm quản trị nhu cầu phát triển cả vùng miền. Vai trò các tổ chức kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, rồi cá thể từng người dân, sẽ tự động xác định quyền lợi và trách nhiệm song hành, đóng góp chung vào lợi ích cả vùng, không còn phụ thuộc sự quản lý nhà nước để được miễn trừ trách nhiệm nào nữa. Tầm nhìn chiến lược quy hoạch phát triển, quản lý các ngành nghề kinh tế, đầu tư của địa phương theo đó hoàn toàn đổi khác.
Một thực tế là tiềm năng kinh tế Đắk Lắk, Tây Nguyên lâu nay phụ thuộc vào nông nghiệp, có tính đặc thù bản địa. Những chiến lược, dự án đầu tư đặt ra đều xoay quanh những lợi thế có sẵn này và khoanh vùng trong phạm vi địa lý nhất định. Nhưng giờ đây, địa hạt tỉnh sẽ mở rộng, có thể bao gồm nhiều khu vực địa hình địa lý và phát triển đa dạng ngành kinh tế hơn.
Ưu thế nông nghiệp vẫn được xác định, các kế hoạch xây dựng phát triển của Đắk Lắk vẫn sẽ bảo đảm tổ chức được nhưng không gian làm việc sẽ mở rộng thêm và thuận lợi hơn nhiều. Tư duy quản trị xã hội theo đó cũng rất cần được thay đổi, mạnh dạn và đồng bộ hơn.
Doanh nghiệp Đắk Lắk tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương TP. Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022. |
Ở đây, cần thấy rõ nhìn nhận của Trung ương là sự phát triển nông nghiệp cần xây dựng trên hai nền tảng chuyên canh và logistics. Sản lượng lớn, tốc độ vận tải phân phối nhanh sẽ mang lại giá trị bền vững cho nông nghiệp. Do đó, nhu cầu kết nối địa bàn Đắk Lắk với các nơi, như về Khánh Hóa hay khu vực Đông Nam Bộ, ngược ra phía Bắc… sẽ đặt ra rất lớn. Giao thông nội vùng càng phải được đầu tư, bổ sung hoàn thiện chất lượng hơn nữa mới bảo đảm những hoạt động vận tải, logistics tổ chức hiệu quả. Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 29 hay thúc đẩy nhanh tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đều là những yêu cầu thực sự cấp thiết, thể hiện tầm nhìn xa hơn, phù hợp tình hình mới của địa phương, trong bối cảnh kinh tế sản xuất địa phương cần tăng tốc.
Mặt khác, những nỗ lực của địa phương trong giai đoạn vừa qua về mặt tổ chức chuyển đổi số ở các cấp cơ sở, đồng bộ hóa dữ liệu các khu vực hành chính quản lý thông qua việc tách nhập xã, phường, thâu gọn bộ máy hành chính sở tại… đều cho phép Đắk Lắk đồng hành cùng cả nước thay đổi, chủ động tiếp cận những yêu cầu mới về tư duy quản trị xã hội. Khi hệ thống dữ liệu tại địa phương được cập nhật sẵn sàng, xác tín đến tận từng mã số căn cước công dân thì yêu cầu triển khai hợp nhất quản trị vùng địa giới, quản lý các ngành nghề kinh tế, các mặt hoạt động xã hội, chính trị… sẽ rất nhanh được đáp ứng. Người dân khi kiểm soát lại định vị mã số cá nhân sẽ nhận ra những tiện ích mới, chặt chẽ nhưng lợi ích đến không ngờ, giúp họ tổ chức tốt hơn các mặt sinh hoạt, lao động, phối hợp các tổ chức dân sự, bộ máy hành chính quốc gia thực hiện nghiêm các yêu cầu trách nhiệm dân sự…
Vận hội của địa phương, cơ hội vươn lên bứt phá cùng tầm nhìn kinh tế vùng đang thực sự mở ra!
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202504/co-hoi-but-pha-cung-kinh-te-vung-f8f1b2e/
Bình luận (0)