Sân khấu diễn ra chương trình Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025. Ảnh: BTC Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 |
Lan tỏa thương hiệu
Ngay từ đầu năm, ngành du lịch địa phương phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các nội dung về kịch bản, sân khấu, các khâu chuẩn bị và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá Năm DLQG - Huế 2025.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Năm DLQG 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” sẽ có hơn 160 hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan trung ương, TP. Huế và các tỉnh, thành trong nước tổ chức. Đáng chú ý, lễ khai mạc Năm DLQG 2025 được tổ chức vào tối 25/3 tại sân khấu ven bờ sông Hương (khu vực Bia Quốc Học). Hình thức sân khấu bán thực cảnh trên mặt nước và trên bờ. Hình thức thể hiện chương trình biểu diễn bán thực cảnh, kết hợp với màn hình nước, visual mapping, led sàn, hiệu ứng hỏa thuật, kinh khí cầu, dù lượn, khói nặng, sắp đặt âm thanh, ánh sáng.
Tại buổi làm việc với địa phương để nghe báo cáo chương trình khai mạc và các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Năm DLQG - Huế 2025 (ngày 3/3), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đã định hướng, gợi mở về mục tiêu đạt được từ chuỗi các sự kiện, chương trình lớn này. Đó là Huế phải xác định mục tiêu cho Năm DLQG, phải thành công trong việc tạo dựng và lan tỏa thương hiệu du lịch Huế; đột phá về số lượng khách đến Huế; đặc biệt, phải có sản phẩm mới, đường bay mới, liên kết mới...
Quay ngược lại quá khứ, nhờ sớm nhận diện được ưu thế của việc tổ chức một sự kiện du lịch tổng thể tại từng trung tâm du lịch lớn, ngay từ năm 2002, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã có sáng kiến, ý tưởng thực hiện chương trình Năm DLQG. Ý tưởng này đã trở thành hoạt động chính trong năm thu hút khách trong nước và quốc tế đến khám phá những sản phẩm du lịch cụ thể của từng địa phương với sự liên kết, hưởng ứng của các địa phương khác. Huế cũng đã vinh dự có lần đầu đăng cai Năm DLQG vào năm 2012 và những nỗ lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng những tuyến, điểm, tour du lịch mới; tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch trong quá trình thực hiện Năm DLQG đã mang đến hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch gặp nhiều biến động sau đại dịch COVID-19, tính cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt, tốc độ phát triển du lịch của Huế hiện được đánh giá vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, Huế cần phải tận dụng cơ hội quý giá từ lần thứ hai đăng cai Năm DLQG để khẳng định được vị thế du lịch của mình.
Nhiều góp ý cho Huế
Còn nhớ tại hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả tổ chức Năm DLQG giai đoạn 2012 - 2017” được tổ chức tại Huế cách đây 14 năm, lãnh đạo Tổng cục Du lịch thời điểm ấy đã nhấn mạnh, trước khi xác định mục tiêu để hình thành chủ đề, nội dung cho từng Năm DLQG, có 3 vấn đề quan trọng cần làm rõ: Đầu tiên, phải xác định thông qua tổ chức Năm DLQG để quảng bá, xúc tiến du lịch trong, ngoài nước, nâng cao nhận thức về du lịch. Thứ hai, cần phân biệt đây là hoạt động lớn nhằm thu hút khách du lịch hay là hoạt động để đánh thức tiềm năng du lịch tại một địa phương, vùng lãnh thổ. Thứ ba là hoạt động này nhằm phục vụ khách du lịch hay người dân địa phương. Chỉ khi 3 vấn đề này được xác định rõ, chủ đề, nội dung và các tiêu chí đánh giá thành công của việc tổ chức Năm DLQG mới thật sự phản ánh đầy đủ mục tiêu sự kiện, đồng thời, công tác chuẩn bị và thực hiện sẽ hạn chế được những thiếu sót.
Theo NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Huế nên nghiên cứu để nhiều đặc sản của địa phương về ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật... xuất hiện tại các chương trình. Đó cũng có thể là những đặc sản quà tặng gắn với các chương trình, sự kiện mà đại biểu tham dự mang về có thể nhớ đến Huế. Đối với các chương trình nghệ thuật, cần bố trí các tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước một cách phù hợp, tạo sự đan xen giao lưu văn hóa nhưng vẫn làm nổi bật được giá trị di sản văn hóa Huế. Cũng theo NSND Xuân Bắc, hiện nay tinh thần “đu idol” của giới trẻ rất cao. Huế nên nghiên cứu để có các chương trình mời các thần tượng giới trẻ về Huế, qua đó tạo các sự kiện có sức hút và tính lan tỏa, hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, công tác truyền thông, quảng bá rất quan trọng, cần đi trước một bước. Thông qua logo và sologan của Năm DLQG 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”, từ đây cần đẩy mạnh truyền thông, xuất hiện nhiều hơn trên các ấn phẩm, nền tảng... Các nội dung, hoạt động, sự kiện gắn với Năm DLQG đều phải được thông tin liên tục với các đơn vị lữ hành, các đối tác bán tour gắn liền với sự kiện.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, mọi công tác chuẩn bị cho các sự kiện Năm DLQG phải tiến hành kỹ lưỡng, chu đáo; cần có sự chỉnh sửa bộ nhận diện thương hiệu thành các sản phẩm truyền thông. Bên cạnh đó, ngay trong các chương trình nghệ thuật phải chú ý không chỉ là tập hợp các tiết mục văn nghệ mà phải thông qua nghệ thuật kể về câu chuyện của một vùng đất đậm chất văn hóa, để du khách hiểu về Huế và ấn tượng sâu đậm với mảnh đất này.
Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/co-hoi-de-du-lich-hue-but-pha-151985.html
Bình luận (0)