"Như nông dân lao động phải có cuốc xẻng, tôi nghĩ mình phải tự tạo nên phương tiện, vũ khí đánh giặc. Thanh niên mà, ai cũng căm thù giặc, khao khát được đóng góp điều gì đó cho quê hương, xóm làng", anh hùng Út Đực, nay 83 tuổi, hồi tưởng về ký ức thời chiến.
Trong căn nhà rộng rãi, yên bình tại ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, ông Út Đực (tên thật Tô Văn Đực, SN 1942) niềm nở dẫn phóng viên Dân trí tới chiếc tủ kính đặc biệt - nơi lưu giữ những chiếc mìn gạt, đèn pin, túi xách, bi đông đựng nước… như những kỷ vật vô giá. Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng những hình ảnh năm xưa vẫn sống động trong ký ức của người anh hùng đất thép Củ Chi.
Nhà nghèo, ít học, Út Đực khi ấy mang hành trang là kiến thức sửa xe đạp và kỹ thuật cơ giới học được từ những năm bươn chải kiếm sống để gia nhập vào đội ngũ dân quân du kích xã Nhuận Đức, phụ trách công xưởng sửa chữa vũ khí hỏng hóc.
Thời điểm đó, Mỹ và chính quyền chế độ cũ tiến hành chiến lược chiến tranh đặc biệt, thí điểm lập ấp chiến lược tại nhiều vùng nông thôn ở miền Nam. Tại xã Nhuận Đức huyện Củ Chi, quân chủ lực của chế độ cũ càn quét liên tục, hòng khống chế, dập tắt các cuộc đấu tranh cách mạng. Lòng căm thù giặc sục sôi cùng ý chí tự lực cánh sinh, anh thanh niên Út Đực tự nhủ phải chế tạo bằng được các loại vũ khí đánh địch.
"Đầu thập niên 1960, du kích, dân quân các vùng Củ Chi thiếu thốn đủ thứ. Thời đó chỉ có bộ đội chủ lực mới có súng đạn còn vũ khí của du kích, dân quân chủ yếu là mã tấu, tầm vông, lựu đạn. Vào xưởng năm 1962, tôi đau đáu làm sao để tìm bằng được nguyên liệu, sắt thép, tạo nên cây súng từ đống sắt vụn, bổ sung thêm vũ khí cho người dân đánh giặc", ông Đực nhớ lại.
Nhờ trí thông minh cùng đôi bàn tay tháo vát, ông Đực biến những vật liệu thô sơ thành súng ngựa trời, súng trường, súng ngắn K54… Tuy nhiên, với một người chỉ học đến lớp 4, chàng thanh niên năm đó trải qua không ít khó khăn khi phác thảo, chế tạo, lắp ráp vũ khí.
"Có lần, tôi năn nỉ mượn một người anh khẩu súng 12 ly của Mỹ. Mang về xưởng, tôi tháo hết các bộ phận súng ra đặt trên bản vẽ. Trình độ vẽ kỹ thuật không có, tôi đành để cây súng trên nền giấy trắng. Bộ phận nào giống chữ A thì tôi vẽ chữ a, giống như B thì tôi vẽ chữ b, ghi nhớ nằm lòng từng chi tiết trong đầu.
Làm được cây súng mô phỏng loại súng này không đơn giản bởi bộ phận cò nổ của súng Mỹ là tự động, bắn một viên là lên luôn viên khác. Tôi ít học, ban đầu mày mò thực tế rất khó, cả tháng trời mới ráp xong được một chiếc súng", ông chia sẻ.
Trong vòng 2 năm, ông Đực tạo được 21 khẩu súng trường, 19 khẩu súng ngắn và 1 khẩu tiểu liên. Ông vừa nghiên cứu tình hình bên ngoài, vừa cải tiến vũ khí, vừa hướng dẫn cho anh em trong xưởng sản xuất nhiều khẩu súng chất lượng tốt, góp phần bẻ gãy các trận càn của địch, buộc giặc phải ngừng bắn phá một thời gian.
Vị chiến sĩ cơ giới Út Đực cũng từng có chiến công đánh chìm một tàu tiếp tế hậu cần lớn của Mỹ trên sông Sài Gòn, đậu gần ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức.
Lần thử nghiệm đầu tiên, ông dùng một quả bom 50kg từ thời kháng chiến chống Pháp, đưa ra sông, nhưng sóng đánh dàn bom trôi mất. Không nản chí, ông nghiên cứu mìn thủy lôi của bộ đội, mua 20 chiếc thùng đựng dầu từ đồng nát, hàn kín lại, chế thành phao rồi gắn khối thuốc nổ lên trên. Lần thứ hai, tàu trúng mìn, chìm xuống nước. Ông rút lui vào bụi rậm thoát thân, tránh đạn của lính Mỹ.
Sau thất bại với chiến lược "chiến tranh đặc biệt", đông - xuân 1965-1966, Mỹ tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ", mục tiêu đánh bại quân chủ lực Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Một ngày tháng 1/1966, đất trời Củ Chi rung chuyển trong không khí nồng nặc mùi thuốc súng, bom đạn. Cuộc hành quân Crimp (Cái bẫy) mà bộ binh Mỹ kết hợp không quân, xe tăng, pháo binh đổ bộ vào xã Nhuận Đức đã liên tục dội bom, rải chất độc hóa học, càn quét, biến vùng Bắc Củ Chi thành chiến trường khổng lồ.
Là vùng đệm nằm giữa những cánh rừng bạt ngàn của miền Đông và Sài Gòn, Củ Chi trở thành cái gai cần nhổ bỏ trong mắt quân địch.
Tối đó, cách 2km nơi địch đóng quân, ông Đực cùng một người bạn nấp sau rặng cây, bí mật theo dõi động thái giặc. Tình hình nguy cấp, người đội trưởng xưởng sản xuất vũ khí nhận thấy khó khăn trăm bề. Địch càn quét với đội quân hùng hậu, vũ khí hiện đại, làm sao để du kích, người dân đủ lực chiến đấu?
"Tôi vắt óc nghĩ làm sao để đánh xe tăng của địch. Thời ấy chúng tôi làm gì có B40 để đánh tăng? Mình làm phải làm gì đó! Tôi không sợ, thanh niên mà, chỉ mong có cơ hội đánh giặc", ông Tô Văn Đực nhớ lại.
Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau, ông Đực đi nhặt bom bi - loại mà địch thả xuống nhưng không nổ - mang về mở ra tìm hiểu tính năng, rồi chế thuốc nổ vào tạo thành trái mìn cán.
Lần thử nghiệm đầu tiên, ông đoán hướng đi của xe tăng, đặt mìn cán cách chiếc xe khoảng 20m. Kết quả, xe của địch từ từ đi tới, cán ngang, đứt xích. Trận đầu xem như thành công. Vừa làm, ông vừa trực tiếp mang đi đánh địch để nghiên cứu bổ sung. Sau đó, ông tiếp tục suy nghĩ, cải tiến mìn cán thành mìn gạt để tăng tính năng đánh tăng, làm sao để những chiếc xe tăng M113, M118, M41 "đụng đâu nổ đó". Ba tháng sau, trái mìn gạt ra đời.
"Mìn gạt khác mìn cán ở cái cần gạt. Tôi cải tiến vài thao tác, sau đó đem mìn dàn hàng ngang ở những nơi xe tăng địch nhất định đi qua. Trước đây, bánh xe tăng cán trực tiếp lên mìn mới nổ còn bây giờ xe tăng chạy qua, đụng vào chỗ nào của cần gạt cũng đều bị tiêu diệt", ông Đực nói.
Sáng chế mìn gạt của Tô Văn Đực được phổ biến rộng rãi trên chiến trường, góp phần quan trọng vào phong trào du kích, chiến đấu để nhận danh hiệu "dũng sĩ diệt Mỹ", "dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ" thời bấy giờ. Có lúc, xưởng không đủ nhân lực, người già, phụ nữ, trẻ nhỏ lại xắn tay vào sản xuất mìn. Mỗi xã ở Củ Chi, người dân gài sẵn mìn ở các vùng đất "bãi tử địa", bởi chỉ cần băng qua đó, xe tăng sẽ phát nổ, cháy rụi.
Tháng 1/1967, Mỹ càn quét Củ Chi trong cuộc hành quân Cedar Falls (Bóc vỏ Trái Đất). Những quả mìn gạt do anh hùng Tô Văn Đực sáng chế được sử dụng khắp các trận địa, góp phần tiêu diệt hàng trăm xe cơ giới và nhiều trực thăng, đẩy lùi bước chân tội ác của quân thù. Trong đó, phải kể đến anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cội, người từng dùng bom mìn do Út Đực sáng chế để chiến đấu, giết gần 90 tên giặc trong một trận đấu và được phong "kiện tướng diệt Mỹ".
Vì sao những nông dân lam lũ với ruộng nương, lúc đối mặt với quân thù lại có thể trở thành những người dũng mãnh, gan góc, không sợ đối mặt với cái chết?
Khi chúng tôi đặt câu hỏi này cho anh hùng Tô Văn Đực, ông trầm ngâm hồi lâu rồi nói: "Đất Củ Chi không lúc nào thiếu bom đạn hay ngớt tiếng súng. Cái chết và sự sống kề nhau. Cha mẹ tôi mất sớm. Năm 1945, quân Pháp thả bom, nhà chưa có hầm trú ẩn, tôi trốn dưới giàn. Chú Sáu của tôi là liệt sĩ, hy sinh năm 1951. Khi chú mất, tôi mới 9 tuổi.
Khi tôi lớn lên, người người đều tham gia cách mạng, nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn. Du kích trực tiếp chiến đấu rất cam go, ác liệt. Là xưởng trưởng, tôi cũng trang bị vũ khí cho mình để bảo vệ căn cứ. Những năm chiến tranh, một mình tôi tiêu diệt 13 xe tăng, 53 tên lính Mỹ. Không ai yêu cầu, tôi cũng tự đi đánh giặc để chia lửa với lực lượng cách mạng".
Anh hùng Tô Văn Đực thủng thẳng nói, thời chiến tranh, việc đứng trước lằn ranh sinh tử trở thành chuyện bình thường. Ông tự nhận mình là người may mắn: "Bom đạn tránh tôi, cho tôi sống, nguy hiểm nào cũng qua, nếu không, tôi đã chết lâu rồi".
Năm 1963, máy bay quần trên cao, ông Tô Văn Đực chuẩn bị 10 trái lựu đạn ném về phía địch để bảo vệ căn cứ. Đến trái thứ 9, lựu đạn nổ trên tay ông, máu chảy xối xả, người cháu đứng phía sau cõng vội đến trạm xá. "May mà trái lựu đạn chỉ nổ một nửa nên tôi không bị thương quá nặng. Hơn 60 năm, mảnh đạn vẫn còn trong người tôi", ông kể lại.
Lần khác, năm 1966, Mỹ thả nhiều quả bom xuống ấp Bàu Trăn, cách ấp Xóm Bưng vài trăm mét. Sáu quả bom hạng nặng, trọng lượng khoảng 250kg, nằm ngổn ngang làng mạc, nếu phát nổ có thể làm tiêu hủy cả vùng rộng lớn. Người dân bỏ chạy vì sợ bom nổ. Đảng ủy xã Nhuận Đức gặp ông Tô Văn Đực, hỏi ông có cách nào di dời 6 trái bom này không.
"Tôi sợ chứ. Nhưng tôi phải thử xem sao", ông kể lại.
Ngày hôm ấy, ông cùng 2 đồng chí trong xưởng cùng một số cô du kích dùng cuốc, xẻng, khoét từng nắm đất. Đến khoảng cách nguy hiểm, ông nói mọi người tránh xa, một mình quan sát quả bom khổng lồ như cá voi nằm phơi bụng. Nhiều cô gái khóc, nghĩ rằng ông Đực sẽ bỏ mạng vì gỡ bom, họ chép miệng tội nghiệp ông "đẹp trai mà chết trẻ".
"Người ta nghĩ tôi liều mạng, nhưng tôi nghiên cứu kỹ chứ. Tôi nhận thấy quân Mỹ thả bom thấp, có khả năng mở chốt an toàn không kịp. Đúng như dự đoán, khi mở ngòi nổ ra, tôi thấy hai đầu nổ không hoạt động nên tôi liền vặn các đầu nổ lại an toàn. Đây chỉ là quả bom lép", ông Đực nói.
Nhờ kinh nghiệm và sự hướng dẫn của ông Đực, 5 quả bom còn lại đều được gỡ an toàn. Những chiến tích về việc chế mìn, gỡ bom của ông Đực khiến nhân dân huyện Củ Chi thán phục, phóng viên thế giới cũng phải ngỡ ngàng "Mỹ mà thua cả nông dân Việt Nam".
Ngày 17/9/1967, ông Tô Văn Đực được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba, trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Năm đó, ông chỉ mới 25 tuổi.
"Tôi là nông dân, quen cày ruộng, gặt lúa, không phải sáng tạo ra công nghệ gì mới. Chẳng qua tôi thích nghiên cứu thực tế, muốn làm được những điều hữu ích, cải tiến vũ khí. Tôi không đòi hỏi gì về thành tích, sự ghi nhận, chỉ cống hiến sức mình, làm những gì mình có thể cho quê hương.
Thậm chí hôm tham gia Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua ngày 17/9/1967, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng, tôi mới biết mình được nhận danh hiệu quý giá này", ông tâm sự.
Từ mảnh đất năm xưa bom đạn cày xới, Củ Chi nay đã "thay da đổi thịt". Không còn ruộng đồng dày đặc hố bom, cây cối trơ trụi, làng mạc bị phá hủy, Củ Chi khoác lên mình tấm áo mới, nơi có những vườn cây nông nghiệp công nghệ cao, những khu du lịch sinh thái, khu dân cư ngày một phát triển.
Ở đó, cựu chiến sĩ cơ giới Tô Văn Đực tận hưởng sống bình yên tuổi xế chiều bên con cháu. Khi chúng tôi đến thăm, ông cùng con dâu, con rể đang dùng bữa trưa sum vầy. Ông Đực khoe hũ xoài ngâm ông tự làm từ cây xoài mình trồng.
"Tôi xuất thân nông dân, từ nhỏ sáng sớm đã lùa trâu ra đồng đến trưa. Cực nhọc nên tôi từng nghĩ sau này không làm nông dân nữa. Nhưng rời quân ngũ nghỉ hưu, tôi lại bám vào nghề nông, phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tôi cùng vợ khai phá mảnh đất còn nguyên sơ sình lầy, về Bến Tre mua giống rồi trồng cây quả, nuôi heo, nuôi thú", ông Đực chia sẻ.
Vợ ông Đực đã mất vài năm, anh em trong nhà cũng chỉ còn người chị gái 85 tuổi sống ở ấp Xóm Bưng. Mỗi cuối tuần, ông lái xe từ quận 12 về Củ Chi thăm trang trại, vườn cây, thăm chị gái, rồi hôm sau lại đánh xe ngược về thành phố.
Tiếng súng ngưng, hòa bình lập lại đã nửa thế kỷ, ông Đực vẫn thường hoài niệm về những tháng ngày chiến đấu cùng nhân dân, du kích Củ Chi. Thi thoảng, ông lái chiếc xe máy cà tàng loanh quanh xã Nhuận Đức, thăm những chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ. Xưởng sản xuất vũ khí ngày ấy, căn cứ ngày ấy nay nhường chỗ cho những căn nhà khang trang, vườn cây trĩu quả.
Ông nói, Củ Chi thay áo mới, nhưng nỗi đau thì vẫn còn.
Xưởng vũ khí xã Nhuận Đức nơi ông Đực từng gắn bó có một số đồng chí đã hy sinh. Thế hệ tuổi già ở Củ Chi sống đến ngày hôm nay cũng nhiều người cụt tay, cụt chân, mất một phần cơ thể sau những năm bom đạn. Là thương binh 1/4, lâu lâu vết thương trên người ông Đực tê nhức mỗi lần trái gió trở trời.
Gần đây, ông Đực vô cùng xúc động khi được ra rạp xem phim Địa đạo - tác phẩm ông từng tham gia cố vấn cho đoàn phim trong công tác sản xuất, xây dựng bối cảnh, nhân vật. Ông gửi lời cảm ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tái hiện được một phần của "đất thép thành đồng" lên màn ảnh.
"Không có từ ngữ nào tả được sự gian khổ, mất mát của vùng đất này. Năm xưa, chúng tôi trốn trong địa đạo, mỗi lần lên nắp hầm là tranh thủ uống trà, được 5 phút rồi lại chui xuống. Những lần bom B52 thả ác liệt, dân quân trong vùng hy sinh rất đau xót. Tôi từng chứng kiến vợ của anh Ba Ánh - tổ trưởng của tôi - mất vì trúng bom. Lúc đó chị mới 23 tuổi, đang mang bầu. Tôi cùng anh Ba Ánh khiêng thi thể chị, ám ảnh mãi hình ảnh da chị nứt toác, tay co quắp.
Tôi không muốn gì hơn, chỉ mong thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống cách mạng, biết được ông cha đã đổ bao nhiêu xương máu, bao nhiêu thời gian để giữ từng tấc đất quê hương, đất nước", ông nói.
Nội dung: Bích Phương
Ảnh: Hữu Khoa
Thiết kế: Tuấn Huy
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/co-may-pha-tang-to-van-duc-va-bi-mat-trong-xuong-vu-khi-20250415164326693.htm
Bình luận (0)