Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Có một mùa tri ân không lời

Tháng Bảy đến mà chẳng cần báo trước, chỉ cần một cơn mưa chiều bất chợt, chỉ cần mùi đất ẩm phả lên từ lối mòn quanh nghĩa trang đầu làng, chỉ cần một bó hoa cúc trắng cắm nghiêng bên bia mộ. Thế là đủ để người ta hiểu: Mùa tri ân đã về!

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang23/07/2025



Tôi sinh ra ở một miền quê có nghĩa trang liệt sĩ nằm trên đồi cát. Mỗi lần gió Lào thổi qua, cát bay mịt mù, phủ trắng cả những tấm bia đá đã bạc màu. Ngày bé, tôi từng chẳng hiểu tại sao mỗi chiều cuối tháng Bảy, bà ngoại lại dắt tôi đi bộ gần hai cây số, leo lên đồi cát, tay ôm bó nhang và một ít hoa huệ hái vội ngoài vườn.

Bà bảo: “Đi thăm ông mày”. Nhưng tôi chẳng bao giờ thấy ông. Thứ tôi thấy chỉ là một tấm bia đá khắc tên, một nắm cỏ xanh rì và gió. Gió thổi mùi nhang trầm quyện vào tóc tôi, dai dẳng đến tận khi về nhà vẫn còn vương trên áo.

Lớn lên, đi học, tôi được nghe nhiều hơn về chiến tranh, về những người lính đi mãi không về. Tôi mới hiểu, tấm bia lạnh lùng kia chính là điểm hẹn duy nhất của người ở lại với người đã khuất. Là nơi để bà tôi mỗi năm được trò chuyện, được thủ thỉ những điều bà chẳng thể viết thành thư. Là nơi đám cháu con như tôi tập tễnh học cách cúi đầu, học cách nói hai tiếng “cảm ơn” dù chẳng biết nói với ai, vì người nằm dưới cỏ đã đi xa từ khi mẹ tôi còn đỏ hỏn trên tay bà.

Ngày 27-7, với nhiều người trẻ, có thể chỉ là một dòng chữ nhỏ trong cuốn lịch treo tường. Nhưng với làng quê tôi, đó là một ngày đặc biệt. Cả xã lặng đi. Con đường đất dẫn lên nghĩa trang như chật hơn, vì người ta đi đông lắm.

Người mang nhang, mang hoa, có người mang cả ấm nước chè xanh, nắm xôi, quả chuối, chai rượu nếp. Không có tiếng kèn trống ồn ào, cũng chẳng ai hô khẩu hiệu. Chỉ có tiếng bước chân xao xác, tiếng đất lạo xạo dưới dép, tiếng giấy vàng mã cháy lép bép trong gió chiều.

Hồi còn bé, tôi hỏi bà ngoại: “Sao mình cứ phải thắp nhang mãi thế hở bà? Ông mất rồi mà”. Bà tôi ngồi xếp lại chân nhang, giọng chậm rãi: “Còn thắp nhang là còn nhớ. Còn nhớ là ông mày còn ở đây với bà, với mẹ con, với mày”. Tôi ngơ ngác nhìn bà, chẳng hiểu. Giờ thì tôi đã hiểu, khi mỗi lần đi xa về, đứng trước ngôi mộ nằm im lìm dưới gốc phi lao, tôi vẫn thấy hơi ấm của máu thịt mình ở đó.

Tháng Bảy, không ồn ào như mùa lễ hội xuân. Tháng Bảy không có tiếng pháo hoa, không có cờ hoa giăng rợp. Tháng Bảy chỉ có mùi nhang, mùi đất ẩm, mùi cỏ mới cắt, có tiếng bước chân, tiếng mưa rơi rả rích những đêm dài. Nhưng chính cái lặng lẽ ấy lại thấm vào lòng người sâu hơn bất cứ lời hoa mỹ nào. Những người nằm dưới kia đã yên nghỉ. Nhưng những điều họ để lại thì không ngủ yên.

Nó sống trong dòng máu của con cháu, trong từng nếp nhà, mảnh ruộng, con đường, góc chợ. Nó sống trong cách mà người Việt gìn giữ ký ức - chẳng ồn ào, chẳng phô trương, mà bền bỉ như nhựa cây thấm trong đất.

Tôi đã đi qua nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở khắp ba miền. Nghĩa trang Trường Sơn mênh mông như một cánh rừng bất tận của những bia mộ trắng. Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên

Nơi nào cũng có cùng một không khí: Thiêng liêng và gần gũi đến lạ. Ở đó, tôi thấy những bà mẹ gánh hoa, thấy những cậu học trò cặm cụi quét lá, thấy cả những cựu chiến binh đã già, tóc bạc phơ vẫn ngồi lặng hàng giờ trước mộ đồng đội. Không ai gọi tên họ nữa, nhưng vẫn còn người lau bụi trên bia, thay bông hoa tàn, nhổ cụm cỏ dại. Thế là đủ để quá khứ vẫn còn ở lại.

Ngày nay, người ta nói nhiều về trách nhiệm tri ân. Tôi thấy có người bi quan, bảo rằng lớp trẻ bây giờ chỉ biết TikTok, Facebook... chẳng mấy ai còn nhớ đến ngày 27-7. Nhưng tôi không tin điều đó. Tôi đã từng thấy những đoàn viên, thanh niên, những em bé mặc áo trắng tinh cẩn thận quỳ gối cắm từng nén nhang, chắp tay trước những tấm bia khuyết tên.

Tôi đã nghe những câu chuyện kể trong đêm “thắp nến tri ân”, ánh lửa chập chờn trong gió nhưng không tắt, như một mạch ký ức thầm lặng truyền đi. Hạt giống tri ân ấy vẫn được gieo mỗi năm, lớn lên cùng đứa trẻ trong những bài học đầu đời.

Có một năm, tôi về quê đúng dịp 27-7. Trời mưa suốt từ sáng sớm, mưa dai dẳng như thể đất trời cũng muốn khóc cùng người. Thế mà buổi tối, cả làng vẫn rủ nhau đi thắp nhang. Những bó đuốc tự chế từ thân tre, tẩm dầu, cháy bập bùng trong màn mưa lất phất.

Người ta cắm nhang vội, che cho ngọn lửa khỏi tắt, rồi chắp tay lặng lẽ. Không có tiếng hô hào, chỉ có gió, có khói nhang, có mưa đọng ướt vai áo. Tôi đứng giữa đồi cát, nhìn bà tôi khấn nguyện điều gì đó, rồi bà vuốt nhẹ lên bia mộ, như dỗ dành đứa con xa nhà vẫn chưa một lần kịp trở về.

Tháng Bảy - mùa tri ân không lời, không bắt buộc ai phải khóc, cũng không buộc ai phải hô vang những câu khẩu hiệu, mà chỉ nhẹ nhàng gõ lên ký ức, nhắc ta biết mình đang đứng trên một phần máu thịt đã hóa thành đất đai. Để từ đó, ta biết trân quý một bữa cơm ấm, một tiếng cười, một mái nhà bình yên không còn bom đạn. Và cũng từ đó, ta học cách sống sao cho xứng đáng với người đã nằm xuống.

Nhiều năm nữa, tôi sẽ già như bà tôi đã từng già. Tôi sẽ lại dắt tay con cháu tôi đi trên con đường đất dẫn lên đồi cát nghĩa trang. Tôi sẽ kể cho chúng nghe về một người ông chưa kịp trở về, về những mùa 27-7 lặng lẽ mưa rơi, gió thổi, nhang cháy lập lòe. Tôi tin, chúng cũng sẽ hiểu, như tôi đã hiểu khi lớn lên: Còn nhớ, còn tri ân, nghĩa là còn có nhau, dù cách nhau một khoảng trời.

Ở đâu đó trên mảnh đất này, tháng Bảy vẫn về. Và có những nén nhang, những bó hoa cúc trắng vẫn đang âm thầm nói thay lời biết ơn của triệu triệu người.

ĐỨC ANH 

 

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202507/co-mot-mua-tri-an-khong-loi-1047164/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm