Concert Chị đẹp tại TP.HCM quy tụ nghệ sĩ từ cả hai mùa của chương trình và hàng ngàn khán giả - Ảnh: NSX
Sáng 20-4, tọa đàm "Đối thoại về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc" được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại TP.HCM.
Chủ trì tọa đàm gồm ông Trần Hoàng (cục trưởng Cục Bản quyền tác giả), ông Nguyễn Xuân Bắc (cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) và bà Trần Thị Phương Lan - vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương).
Chưa có "big data" về khán giả concert Việt
Mở đầu tọa đàm, ông Trần Hoàng nhận định âm nhạc Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng, đặc biệt là ở tiềm năng từ giới trẻ.
Ông Nguyễn Xuân An (An Zuno) - giám đốc truyền thông của Tập đoàn Yeah1, đơn vị tổ chức các chương trình và concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Chị đẹp đạp gió - cho biết lo ngại lớn nhất là tìm kiếm địa điểm phù hợp để tổ chức những sự kiện tầm 40.000 - 50.000 người.
Nhà sản xuất kiêm ca sĩ APJ, nổi tiếng với ca khúc Ai mang cô đơn đi - Ảnh: MI LY
Thường ở TP.HCM địa điểm này sẽ rơi vào các khu đô thị lớn có bãi đất trống lớn, nhưng như vậy thì cần phải dựng lên sân khấu mới hoàn toàn.
Ông An cho rằng các sự kiện từ 10.000 người trở đi thì ở TP.HCM là bài toán khó.
Ông Châu Lê - CEO Bamboo Artists Agency, đơn vị tổ chức chương trình Huế Symphony tại Huế - kể khi một đối tác muốn tổ chức đại nhạc hội của nghệ sĩ Hàn Quốc ở Việt Nam và hỏi về địa điểm, ông trả lời: "Ở TP.HCM thì đội ngũ rất chuyên nghiệp vì làm quá nhiều rồi, nhưng ở Hà Nội thì địa điểm xịn vì có ngay sân vận động Mỹ Đình".
Ông Châu Lê nêu vấn đề các hệ thống bán vé ở Việt Nam chưa liên kết với nhau nên chưa có "big data" về số lượng khán giả sẵn sàng bỏ tiền cho âm nhạc. Ông nói: "Thực ra con số 78.000 vé, 53.000 vé thông báo trên truyền thông là không có kiểm chứng, nên chúng ta thiếu "big data".
Thiếu big data thì không thể nào phát triển được công nghiệp văn hóa. Chúng ta cần có dữ liệu ngầm, tốt nhất là hệ thống bán vé hoặc tất cả các đơn vị tham gia bán vé đăng ký. Mỗi code vé bán được sẽ liên kết về hệ thống nhà nước hoặc một đơn vị kiểm tra".
Chẳng hạn show này diễn 40 bài, bán được bao nhiêu vé... thì tính ra được tiền tác quyền. Và như vậy, chúng ta sẽ tính được số lượng vé bán ra cả nước trong một năm. Khi có được dữ liệu này thì sẽ có cơ chế hỗ trợ tốt hơn.
Chẳng hạn nếu thống kê được ở Việt Nam có 10 triệu người có thói quen đi xem concert, đêm nhạc thì dữ liệu này sẽ rất có ý nghĩa với các đơn vị tổ chức.
Các địa phương đang sôi sục
Không chỉ Hà Nội hay TP.HCM, nhiều địa phương cũng mong muốn mang những concert, đêm nhạc lớn về nhưng còn nhiều rào cản.
Chẳng hạn chương trình Huế Symphony sản xuất tại địa phương nên chi phí phát sinh quá lớn khi ca sĩ, ê kíp sản xuất đều phải bay ra bay vào nhưng sức mua ở thị trường lại không có.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc cho biết: "Thời gian vừa qua có rất nhiều địa phương mong muốn tổ chức show to, show lớn. Các đơn vị tổ chức cứ yên tâm là bằng cách nào đó tỉnh sẽ hỗ trợ: điện nước, địa điểm, quảng bá trực quan...
Có những tỉnh tôi đã biết là sẵn sàng có đối ứng. Tinh thần cũng như mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa đang rất sôi sục, các tỉnh sẵn sàng đồng hành với các đơn vị tổ chức".
Nhưng thói quen bán vé, mua vé, bỏ tiền cho trải nghiệm âm nhạc trực tiếp... ở Việt Nam cần phổ biến hơn nữa.
Ông Phạm Minh Toàn - đại diện Vietfest, đơn vị tổ chức hai mùa đầu tiên của Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô - cho biết nhiều nghệ sĩ quốc tế được mời đã bày tỏ quan điểm không thích diễn miễn phí mà phải bán vé, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhà tài trợ vì việc này rất "hên xui". Năm kinh tế tốt thì nhà tài trợ rủng rỉnh, nhưng năm không tốt thì ban tổ chức gánh hết rủi ro.
Ở Việt Nam nhiều concert dừng ở việc tổ chức một đêm, rất lãng phí và mất nhiều công sức tổ chức. Ở những sự kiện này, khán giả tới xem rồi đi về chứ chưa thu hút đông đảo du khách đến và nghỉ dưỡng dài ngày tại địa phương đó.
Trong khi đó ở Thái Lan có những lễ hội âm nhạc kéo dài cả tuần, du khách sang vừa xem concert vừa vui chơi cả tuần và chi tiêu rất nhiều cho du lịch.
Nghệ sĩ trẻ thiếu hiểu biết về bản quyền
Nhà sản xuất âm nhạc - ca sĩ APJ thuộc SpaceSpeakers Group cho biết nhiều nghệ sĩ trẻ như anh ban đầu làm nhạc không có ý thức về tác quyền, bản quyền, nên về sau mất quyền sở hữu những tác phẩm mình từng làm ra.
Anh mong rằng các cơ quan, đơn vị trong ngành đào tạo cho nghệ sĩ trẻ về khía cạnh này để các tác giả, nghệ sĩ được bảo vệ tốt hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/concert-78-000-ve-53-000-ve-sau-do-con-gi-nua-20250421091241314.htm
Bình luận (0)