Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm nhấn mạnh, Công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Ninh Bình với nền tảng di sản văn hóa phong phú, cảnh quan đặc sắc, cần khơi dậy tiềm năng này để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch bền vững.
![]() |
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG) |
Trên tinh thần đó, hội thảo là nơi các đại biểu đánh giá thực trạng, nhận diện thách thức và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm biến công nghiệp văn hóa thành trụ cột song hành cùng du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những khuyến nghị tại diễn đàn này sẽ giúp tỉnh xây dựng chính sách phù hợp, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa vừa phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường du lịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho rằng, Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch chính là bước đi chiến lược.
"Chúng tôi ưu tiên phát triển các ngành: điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, thủ công, lễ hội... đặc biệt là khai thác kho tàng di sản Hoa Lư, Tràng An, kết hợp với công nghệ và sáng tạo, để tạo nên các sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao" ông Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh.
![]() |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đức Phương) |
Trong báo cáo đề dẫn, Ban Tổ chức khẳng định Ninh Bình đang sở hữu hệ sinh thái văn hóa, du lịch đặc biệt với hơn 1.800 di tích, trong đó có Di sản hỗn hợp Tràng An, duy nhất Đông Nam Á được UNESCO công nhận. Năm 2024, tỉnh đón 8,7 triệu lượt khách (trong đó có 1,5 triệu lượt quốc tế), doanh thu hơn 9.100 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch đã thu về hơn 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế: sản phẩm văn hóa du lịch còn thiếu tính sáng tạo; chưa có cơ chế đủ mạnh để chuyển hóa tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp văn hóa hấp dẫn; nhân lực còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp. Do vậy, tỉnh rất cần những góp ý tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ để đưa ra định hướng phát triển đúng tầm.
![]() |
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: ĐỨC PHƯƠNG) |
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, chia sẻ, Hội thảo không chỉ là hoạt động giao lưu trí tuệ, mà còn là sự cộng hưởng trách nhiệm giữa báo chí, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng. Báo Tiền Phong sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ninh Bình trong công cuộc khơi dậy giá trị di sản, đưa công nghiệp văn hóa trở thành động lực mới cho phát triển.
Khép lại hội thảo, nhiều giải pháp đột phá đã được đề xuất: đầu tư vào không gian sáng tạo, phát triển làng nghề thành điểm đến du lịch; ứng dụng công nghệ trong trình diễn văn hóa; thu hút đầu tư tư nhân vào các trung tâm văn hóa đa chức năng; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa.
Hội thảo không chỉ mở ra tầm nhìn mới về chiến lược phát triển của Ninh Bình, mà còn góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Ninh Bình trở thành “Thành phố di sản thiên niên kỷ” vào năm 2035, một trung tâm văn hóa, du lịch đẳng cấp quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/cong-nghiep-van-hoa-don-bay-de-du-lich-ninh-binh-cat-canh-post878553.html
Bình luận (0)