Đổi mới để thích ứng
Khi Nhà máy Alumin Nhân Cơ chính thức vận hành thương mại vào năm 2017, không ít công nhân lần đầu tiếp xúc với hệ thống công nghệ hiện đại đã cảm thấy choáng ngợp. Những dây chuyền khép kín, các thiết bị tự động hóa cao đòi hỏi người lao động không chỉ có sức làm, mà còn phải hiểu sâu.

Tuy nhiên, giờ đây, nhờ quá trình đào tạo bài bản kết hợp thực tiễn, nhiều người trong số họ đã trở thành những kỹ thuật viên, quản lý ca sản xuất, vận hành chuyên nghiệp.
“Lúc mới vào làm việc, tôi còn chưa phân biệt được đâu là hệ thống lò nung, đâu là khu vực hoàn nguyên, nhưng nay thì đã thành thạo mọi công đoạn. Mỗi khi có những bất ổn, chỉ cần nghe tiếng máy là biết vấn đề nằm ở đâu”, anh Phạm Văn Trung, công nhân Phân xưởng Nguyên liệu - Hòa tách chia sẻ với nụ cười tự tin.
Bản thân anh Trung luôn tìm tòi, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để có thể nhìn nhận được những mối nguy hiểm trong lao động sản xuất hàng ngày. Qua đó, anh có những sáng kiến, giải pháp đóng góp với ban lãnh đạo nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả hơn.

Còn với chị Hoàng Thị Thủy, công nhân Phòng Quản lý chất lượng lại là một điển hình về tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Mỗi ngày bước vào nhà máy, chị luôn bảo đảm đầy đủ bảo hộ lao động, tuân thủ quy trình làm việc.
“Phương tiện bảo hộ lao động bây giờ rất hiện đại, thiết bị máy móc cũng được chăm chút, bảo trì thường xuyên nên người lao động vừa làm việc hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn hơn trước rất nhiều”, chị Thủy chia sẻ.
Sự trưởng thành của lực lượng công nhân nhà máy không chỉ đến từ kinh nghiệm, mà còn từ tinh thần học hỏi không ngừng. Hầu hết công nhân ở đây đều được đào tạo qua các chương trình nội bộ. Một số được cử đi học nâng cao tại các viện, trường kỹ thuật.
Trong bối cảnh ngành nhôm bước vào giai đoạn công nghiệp hóa sâu rộng, tự động hóa ngày càng cao, người công nhân không chỉ là người vận hành mà còn là những kỹ sư thực thụ.
Họ trực tiếp tham gia cải tiến kỹ thuật, đưa ra các giải pháp tiết kiệm nguyên – nhiên liệu và nâng cao hiệu suất thiết bị.

Trong 2 năm gần đây, Công ty Nhôm Đắk Nông đã ghi nhận hàng loạt sáng kiến từ đội ngũ công nhân. Nhiều đề tài được ứng dụng thực tế, giúp nhà máy tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Chúng tôi không chỉ học để vận hành máy móc, mà còn học để hiểu, để cùng cải tiến. Bởi nếu không đổi mới, chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau”, chị Thủy khẳng định.
Công nhân số trong kỷ nguyên số
Với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia vào năm 2030, Đắk Nông đang đi trước đón đầu những cơ hội lớn. Và chính những công nhân alumin, những người hàng ngày trực tiếp tham gia sản xuất đang là lực lượng tiên tiến giúp hiện thực hóa khát vọng này.

“Chúng tôi tự hào vì được cống hiến sức lực ngay từ những ngày đầu và càng phấn khởi hơn khi thấy mình vẫn đang ở trung tâm của hành trình chuyển mình ấy”, anh Phạm Văn Trung chia sẻ khi vừa hoàn thành ca làm.
Không chỉ vận hành nhà máy hiện tại, đội ngũ công nhân alumin còn là nhân tố then chốt cho các dự án bô xít triển khai về sau khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Đắk Nông đang xúc tiến đầu tư các dự án nhà máy bô xít, alumin, điện phân nhôm.
Khi đó, lực lượng kỹ thuật, công nhân tay nghề cao từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ là lực lượng nòng cốt dẫn dắt những mắt xích tiếp theo. Đặc biệt là trong giai đoạn chuyển sang công nghệ cao hơn như điện phân nhôm.

Hiện nay, những kế hoạch đào tạo mới của công ty đã bắt đầu. Các lớp học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên sâu về công nghệ được mở ra, kết nối với các đối tác trong ngành luyện kim, cơ điện, điều khiển tự động… Công nhân alumin hôm nay không chỉ học để làm, mà đang học để dẫn đầu.
Không chỉ đổi mới trong vận hành, đội ngũ công nhân alumin còn đang bước vào hành trình số hóa. Năm 2025, Công đoàn Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV đã ban hành kế hoạch đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.
Theo bà Bùi Thị Diễn, Chủ tịch Công đoàn công ty, phong trào thi đua học tập, ứng dụng công nghệ được triển khai sâu rộng. Đặc biệt, công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức các đợt thi đua phát huy sáng kiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, bảo đảm an toàn lao động.

Đơn vị cũng chú trọng tôn vinh các cá nhân, tập thể có đóng góp nổi bật thông qua chương trình “Vinh quang Thợ mỏ – Thợ mỏ sáng tạo”, góp phần lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong công nhân.
Đặc biệt, nhà máy đang đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào tất cả các khâu sản xuất. Điều này không chỉ nâng cao năng suất, mà còn cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.
Giai đoạn 2024 - 2025, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV bắt đầu hình thành doanh nghiệp số, với điểm trung bình mức độ chuyển đổi số 3.0. Giai đoạn 2026 - 2030, công ty đặt mục tiêu trở thành nhà máy số, nhà máy thông minh, điểm trung bình mức độ chuyển đổi số tiệm cận 4.0.
Nguồn: https://baodaknong.vn/cong-nhan-alumin-dak-nong-bat-nhip-hanh-trinh-doanh-nghiep-so-253147.html
Bình luận (0)