Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La đạt nhiều kết quả tích cực

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch08/07/2025

Giai đoạn 2021 - 2025, 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc. Nhờ đó, việc tổ chức thực hiện các chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả toàn diện. Với phương châm "Diện mạo mới – Cuộc sống mới", đến nay, Sơn La có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 82 bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 28 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố Sơn La duy trì đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Quỳnh Nhai đã công nhận và công bố 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ bản hoàn thành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải thiện rõ nét; an sinh xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố.

Công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La đạt nhiều kết quả tích cực  - Ảnh 1.

Một trong những điểm nhấn nổi bật góp phần vào kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh là việc hoàn thành Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2020–2025

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được những thành quả ấn tượng. Các mô hình sinh kế, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, tín dụng chính sách… được triển khai linh hoạt, góp phần tạo việc làm bền vững và cải thiện thu nhập cho người dân. Một trong những điểm nhấn nổi bật góp phần vào kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh là việc hoàn thành Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2020 - 2025 với kết quả vượt kế hoạch. Tính đến nay, Sơn La đã hoàn thành xây dựng 3.058 căn nhà cho các hộ nghèo, nhiều hơn 221 căn so với chỉ tiêu đề ra. Thành tựu này không chỉ cải thiện điều kiện sống, mà còn góp phần nâng cao tinh thần, ý chí vươn lên của người dân khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng chú trọng hỗ trợ sinh kế và tạo sinh lực cho người nghèo thông qua nhiều giải pháp đồng bộ. Giai đoạn vừa qua, hơn 9.300 lao động được hỗ trợ kết nối việc làm, hơn 13.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, mở ra cơ hội chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập một cách bền vững. Các chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh, học tập cho học sinh, người dân nghèo cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời.

Qua đó, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 10%, với mức giảm bình quân trên 3% mỗi năm, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Như vậy, qua những kết quả tích cực, có thể thấy, đời sống của hàng nghìn hộ gia đình, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang ngày càng được cải thiện.

Cùng với đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, người dân tộc thiểu số nói riêng và người dân vùng nông thôn nói chung. Nhân dân đã tiếp cận thuận tiện hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước; mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác lập đề án và tổ chức thực hiện tại một số địa phương còn lúng túng; việc duy trì và nâng cao chất lượng nông thôn mới sau đạt chuẩn chưa bền vững; tiến độ giải ngân vốn còn chậm; liên kết sản xuất còn manh mún, thiếu bền vững; năng lực cán bộ cấp cơ sở chưa đồng đều; công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chưa thường xuyên; phong trào thi đua còn rời rạc giữa các chương trình. Đặc biệt, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã khiến một số xã mới sáp nhập chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới như tại huyện Sốp Cộp.

Qua đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Sơn La xác định rõ mục tiêu và giải pháp khắc phục những khó khăn trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và người dân; nhân rộng mô hình hiệu quả, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào thực hiện chương trình. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với quy định mới và thực tiễn khi tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời, tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn và đối tượng yếu thế. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình, nhất là cấp xã, thôn bản; đổi mới tập huấn theo hướng thực tiễn, dễ tiếp cận, phù hợp từng nhóm đối tượng../.


Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-tai-tinh-son-la-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-20250708102004434.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm