Doanh thu phí bảo hiểm nhiều nơi vẫn chưa phục hồi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bức tranh kinh doanh ngành bảo hiểm nhân thọ phân hóa mạnh. Một số nơi ghi nhận lợi nhuận tăng trở lại năm 2024, một số khác tiếp tục giảm hoặc kéo dài tình trạng thua lỗ.
Điểm tích cực, ở nhiều nơi dù nguồn thu phí bảo hiểm đi xuống nhưng doanh nghiệp vẫn tăng chi phí tiền lương và chi phí khác cho nhân viên.
Hầu hết các công ty đều giảm nhân sự sau 1 năm - Dữ liệu: BCTC
Lỗ lớn, chi cho nhân viên vẫn tăng hai chữ số
Báo cáo tài chính năm 2024 vừa công bố nối dài chuỗi thua lỗ của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam.
Theo báo cáo, doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 của Sun Life Việt Nam hơn 3.399 tỉ đồng, giảm gần 19% so với 2023. Chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm ở mức 483 tỉ đồng, cũng giảm hơn 31%.
Tuy nhiên khoản dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc lại tăng từ mức 590 tỉ đồng năm 2023 lên tới 1.218 tỉ đồng năm ngoái, tương đương mức tăng gấp đôi.
Trong khi nguồn thu giảm, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm không giảm theo, còn leo lên mức 1.999 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Sun Life Việt Nam vì vậy giảm 40%, còn 1.295 tỉ đồng.
Chưa kể chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ này cũng có xu hướng tăng lên. Điểm bù lại, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp này tốt hơn, đi kèm chi phí bán hàng lại giảm mạnh.
Trong cơ cấu chi phí bán hàng, khoản “ngốn” tiền nhất của doanh nghiệp bảo hiểm này là tiền khen thưởng hỗ trợ đại lý với 943 tỉ đồng, giảm 44% so với năm trước.
Còn ở mục chi phí quản lý doanh nghiệp, khoản “nặng” nhất là lương và các chi phí khác cho nhân viên với 421 tỉ đồng, tăng 18%.
Dữ liệu: BCTC
Tại thời điểm cuối năm 2024, Sun Life Việt Nam có 590 người, tăng 27 người sau một năm. Như vậy, ước tính tương đối năm qua công ty chi trả lương và các chi phí khác bình quân cho mỗi nhân viên gần 60 triệu đồng/người/tháng.
Cuối cùng, lỗ sau thuế của Sun Life Việt Nam ở mức 868 tỉ đồng, trong khi năm 2023 còn lỗ 921 tỉ đồng. Dù đây là mức lỗ thấp nhất 4 năm, nhưng việc lợi nhuận âm ròng nhiều năm liên tiếp khiến Sun Life Việt Nam ghi nhận tổng lỗ lũy kế lên tới 6.364 tỉ đồng.
Dù lỗ triền miên, nhưng năng lực tài chính của công ty này thể hiện ở trên báo cáo vẫn ở mức đảm bảo, khi nợ ngắn hạn giảm mạnh, còn 1.125 tỉ đồng cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với gần 3.960 tỉ đồng tài sản ngắn hạn.
Lợi nhuận lao dốc, thu nhập bình quân nhân viên vẫn tăng lên
Không tới mức thua lỗ, nhưng 2024 là một năm cũng không mấy “vui vẻ” với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam) khi lợi nhuận giảm mạnh.
Năm ngoái, AIA Việt Nam ghi nhận doanh thu bảo hiểm đạt 14.778 tỉ đồng, giảm hơn 6% so với năm 2023. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 12.700 tỉ đồng, tăng gần 5%.
Đáng lưu ý, lợi nhuận gộp của AIA Việt Nam cả năm ngoái chỉ đạt 1.485 tỉ đồng, giảm tới 50%. Bởi vậy, dù ghi nhận điểm sáng khi chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn chỉ còn hơn 70 tỉ đồng, “bốc hơi” 95% so với năm 2023.
Cùng với sự đi xuống trong kết quả kinh doanh, công ty bảo hiểm nhân thọ này cũng giảm gần 130 nhân viên sau một năm, còn lại 790 người ở thời điểm 31-12-2024.
Dù số lượng nhân sự giảm đáng kể, nhưng năm ngoái AIA Việt Nam vẫn chi hơn 957 tỉ đồng chi phí nhân viên, tương ứng giảm gần 3% so với năm 2023.
Ước tính, AIA Việt Nam đã chi trả thu nhập và chi phí khác bình quân cho mỗi nhân viên lên tới 1,21 tỉ đồng/năm, tương ứng gần 101 triệu đồng/tháng. Trước đó năm 2023, con số này vào khoảng 89 triệu đồng.
Lưu ý gì về cách tính lương và chi phí bình quân cho mỗi nhân viên?
Manulife Việt Nam nằm trong số ít doanh nghiệp báo lãi sau thuế 2024 đạt 3.334 tỉ đồng, tăng 2% so với 2023. Dù vậy, báo cáo cho thấy số nhân viên của công ty này vẫn giảm 156 người sau một năm, còn 997 người ở thời điểm cuối năm 2024.
Năm ngoái, Manulife Việt Nam ghi nhận chi phí lương, thưởng và các phúc lợi khác cho nhân viên là hơn 1.314 tỉ đồng, giảm 42 tỉ đồng so với năm 2023. Như vậy, nếu ước tính tương đối bình quân chi phí cho mỗi nhân viên một tháng tại Manulife hơn 109 triệu đồng/tháng.
Cần lưu ý, cách tính mức chi lương và chi phí khác bình quân nêu trên chỉ mang tính chất tương đối, dựa trên số lượng nhân viên và chi phí nêu trên báo cáo tài chính.
Chi phí lương thưởng và các khoản phúc lợi khác tại mỗi công ty bảo hiểm thực tế có thể bao gồm đội ngũ nhân viên chính thức lẫn nhân viên thời vụ hoặc thuê ngoài…
Ngoài lương cơ bản, chi phí này còn bao gồm kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình gắn kết nhân viên và các khoản hỗ trợ khác mà ở mỗi công ty sẽ có thể khác nhau.
Mức thu nhập thực tế ở mỗi công ty bảo hiểm sẽ còn tùy từng vị trí công việc đảm nhận, thâm niên, năng suất lao động… của từng nhân viên, không "cào bằng".
Với đặc thù của ngành bảo hiểm, mức chênh lệch sẽ rất đáng kể ở mỗi nhân sự khi hiệu suất công việc, doanh thu… mang về khác nhau. Con số trung bình để đánh giá xu hướng chi trả đãi ngộ nói chung, không cho từng cá nhân.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-ty-bao-hiem-nao-chi-cho-nhan-vien-binh-quan-ca-tram-trieu-moi-nguoi-thang-20250418193310988.htm
Bình luận (0)