Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế được xác định sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trong hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên với việc đi sau nhiều trung tâm tài chính đã định vị trên thế giới, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức cần hóa giải. Để làm rõ nội dung này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Trường đại học Đại Nam.
Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có ý nghĩa thế nào với Việt Nam? Và với vị thế đi sau, nhiều yếu tố cấu thành trung tâm tài chính quốc tế của chúng ta vẫn chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, thách thức nào cần hóa giải, thưa ông?
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức: Có thể nói rằng trung tâm tài chính quốc tế là “đỉnh cao của nền kinh tế thị trường”. Nó rất có ý nghĩa khi Việt Nam vẫn đang trong lộ trình để được công nhận là một nền kinh tế thị trường thực sự. Và cũng vì vậy, tôi cho rằng quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng của Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, ba khó khăn thách thức lớn nhất bao gồm:
Thứ nhất là khó khăn về sự phát triển của cơ sở hạ tầng tài chính và thể chế. Xét về bản chất, trung tâm tài chính quốc tế là thị trường tài chính chính thức/tập trung, hay là “hạt nhân” của thị trường tài chính. Như vậy, để thị trường hoạt động một cách hiệu quả thì 5 thành tố cơ bản của thị trường phải được đảm bảo, bao gồm: hàng hóa giao dịch; các chủ thể/khách hàng tham gia; cơ sở hạ tầng tài chính; cơ quan quản lý giám sát; hệ thống các quy định điều tiết.
Mặc dù đã có những đổi mới sâu rộng nhưng Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống công cụ và phương thức kiểm soát hoạt động đối với các trung tâm tài chính quốc tế. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh thu hút dòng vốn, nhất là dòng vốn quốc tế, và giảm hiệu quả hoạt động của các trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ hai là khó khăn về nguồn nhân lực có chuyên môn cao và chuyên nghiệp. Để vận hành các trung tâm tài chính quốc tế, đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp và có chuyên môn cao về tài chính, công nghệ và quản lý là điều kiện mang tính quyết định. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn nhân lực trong lĩnh vực Tài chính -Ngân hàng tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, nhất là kỹ năng và tính chuyên nghiệp, và điều này là một thách thức vì không thể dễ dàng giải quyết được trong một sớm, một chiều.
Thứ ba, trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam dù được thành lập nhanh nhất theo định hướng và quyết tâm thực hiện theo kế hoạch đã đề ra thì cũng sẽ phải trải qua một lộ trình nhất định mới có thể đạt được sự ổn định và phát triển, trong khi các trung tâm tài chính quốc tế của các nước trong khu vực như Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) đã có vị thế vững chắc với cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường pháp lý ổn định và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do vậy, cạnh tranh với các trung tâm tài chính quốc tế nêu trên rõ ràng là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Muốn trở thành các trung tâm tài chính quốc tế thực sự thì Việt Nam cần phải nỗ lực rất cao mới có thể hy vọng theo kịp và cạch tranh “song phẳng” với những trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư và doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh bất ổn về địa chính trị và thương mại quốc tế hiện nay.
Chúng ta có lợi thế và nền tảng nào để có thể phát huy khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế? Và ông có khuyến nghị gì về “khoảng trống cần lấp đầy”?
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức: Một cách công bằng và khách quan thì trung tâm tài chính quốc tế được thành lập ở Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định, từ sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, từ quy mô dân số, thị trường đầu tư chưa bão hòa (thông qua các chỉ số ICOR, MEI,…), nền tảng thu hút vốn đầu tư (FDI) từ các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… Để trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tận dụng được các cơ hội trên và có thể cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài, theo quan điểm cá nhân tôi thì Việt Nam cần tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên như sau:
Trước hết là phải hoàn thiện hệ thống luật pháp để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và ổn định, bởi các nhà đầu tư của bất kỳ quốc gia nào cũng đều đặt ưu tiên hàng đầu cho những nơi có hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định và dễ dự đoán.
Song song với các chính sách ưu đãi thuế và tài chính, các vấn đề về quyền sở hữu và sự kiểm soát chu chuyển dòng vốn cần phải được đổi mới, hướng tới các chuẩn mực quốc tế để tạo sự hấp dẫn và an tâm cho nhà đầu tư. Mục tiêu của tất cả các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tham gia thị trường là lợi nhuận, thực hiện được lợi nhuận và chuyển lợi nhuận về nước. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới hệ thống tài chính hướng đến tự do hóa tài chính (tự do hóa tài khoản vãng lai và tài khoản vốn) đảm bảo cho các giao dịch vốn diễn ra một cách trôi chảy theo đúng các quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường.
Tiếp theo là phát triển cơ sở hạ tầng tài chính theo hướng hiện đại/công nghệ hóa trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech) để tối ưu hóa các dịch vụ thanh toán và các giao dịch. Điều này sẽ giúp tăng cường hiệu quả và giảm chi phí cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Đồng thời, cần chuẩn bị và trang bị cho TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (các khu vực được xác định là nơi tọa lạc của trung tâm tài chính quốc tế) cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu hoạt động và được giám sát một cách hiệu quả, linh hoạt theo chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba là tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính bằng cách kết hợp giữa đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài; kết hợp giữa đào tạo và thu hút nhân tài làm việc tại các trung tâm tài chính quốc tế. Thực tế cho thấy nhiều người Việt Nam rất có năng lực, kinh nghiệm và được xếp hạng chuyên môn rất cao, đang làm việc ở nước ngoài đã trở về nước hoặc đang có nguyện vọng và sẵn sàng trở về nước (nhất là các chuyên gia công nghệ). Do vậy, cần phải kiến tạo môi trường làm việc thuận lợi hơn là chỉ với chính sách đãi ngộ phù hợp trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, có thể đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế và cải thiện môi trường làm việc trong nước để bổ sung thêm nguồn nhân lực, thu hút các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, từ đó giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Thứ tư, cần quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu để ngày càng nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài biết đến Việt Nam. Theo đó, khuyến khích đẩy mạnh chiến lược quảng bá để giới thiệu tiềm năng và lợi thế của trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng bằng các kênh khác nhau: tổ chức các hội thảo khoa học và sự kiện tài chính quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như IMF, WB, ADB và các tổ chức quốc tế khác để nâng cao uy tín và danh tiếng của Việt Nam.
Thứ năm, cần tận dụng lợi thế về vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều nền kinh tế năng động và xu hướng “xoay trục phát triển” sang Khu vực của Hoa Kỳ, Châu Âu và các quốc gia khác. Việc tận dụng vị trí này để kết nối với các thị trường tài chính lớn và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo động lực thúc đẩy đầu tư và thu hút dòng vốn quốc tế.
Việt Nam là thành viên và có quan hệ rất tốt đối với các định chế tài chính phát triển đa phương. Vai trò của các định chế này đối với sự phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam như thế nào? Chúng ta cần làm gì để tận dụng được những sự hỗ trợ đó?
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức: Các định chế tài chính phát triển đa phương như IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), WB (Ngân hàng Thế giới), và ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Những định chế này không chỉ cung cấp nguồn lực mà còn đóng vai trò là đối tác chiến lược, giúp Việt Nam xây dựng nền tảng vững chắc cho trung tâm tài chính quốc tế.
Theo tôi, để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, tăng cường sự hợp tác và tận dụng những hỗ trợ của các định chế này cần phải được xác định như một giải pháp mang tính chiến lược.
Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, một trong những hoạt động thường xuyên của IMF, WB và ADB là cung cấp hỗ trợ tài chính khi cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện hệ thống tài chính. Việt Nam đang cần cả 3 nội dung hỗ trợ này cho việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm nguồn lực tài chính, sự ổn định vĩ mô, cải thiện hệ thống tài chính hướng đến tự do hóa như nêu trên. Đặc biệt hơn, WB và ADB còn cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật để phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ và quản lý.
Về tư vấn chính sách và cải cách, trong khi IMF có các “nhóm trợ giúp kỹ thuật” hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện chính sách tiền tệ và tài khóa hiệu quả, giúp cải thiện môi trường đầu tư và quản lý rủi ro tài chính, thì WB và ADB có vai trò tư vấn về cải cách thể chế và chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính.
Về thúc đẩy phát triển bền vững, ADB tập trung vào việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững, bao gồm cả việc phát triển các công nghệ tài chính và ngân hàng xanh; WB hỗ trợ các dự án phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng tài chính bền vững, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính.
Ngoài ra, các định chế này còn có vai trò rất quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài.
Để tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ IMF, WB và ADB trong việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, theo quan điểm cá nhân tôi, Việt Nam cần thực hiện các bước sau: Một là, xây dựng chiến lược hợp tác rõ ràng thông qua việc xác định các mục tiêu cụ thể trong việc phát triển trung tâm tài chính và phối hợp chặt chẽ với các định chế tài chính này để đạt được các mục tiêu đó. Hai là, tận dụng sự hỗ trợ của IMF, WB và ADB để hoàn thiện thể chế và chính sách, nhất là cải thiện môi trường pháp lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính. Ba là hướng sự giúp đỡ về vốn và kỹ thuật đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, bao gồm hệ thống thanh toán, công nghệ tài chính và các dịch vụ tài chính quốc tế. Bốn là cần tận dụng các chương trình đào tạo của IMF, WB và ADB để phát triển đội ngũ chuyên gia tài chính, công nghệ và quản lý. Năm là tận dụng mạng lưới toàn cầu của các định chế này để kết nối với các đối tác quốc tế, thu hút đầu tư và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác.
Nói đến hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế không thể không đề cập đến vai trò của các NHTM. Vậy, các NHTM Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho những hoạt động đó như thế nào?
PGS.TS. Đặng Ngọc Đức:Trên thực tế, các trung tâm tài chính trên thế giới đều được hình thành hoặc là trên cơ cơ sở hệ thống ngân hàng phát triển (như các trung tâm tài chính ở Châu Âu), hoặc là trên cơ sở các định chế tài chính trung gian phi ngân hàng (như các trung tâm tài chính ở Hoa Kỳ, Nhật Bản,…).
Với Việt Nam, hệ thống ngân hàng hiện đang chiếm vị trí và vai trò trung tâm của toàn bộ hệ thống tài chính trên cả giác độ quy mô/tỷ trọng chuyển giao, cung cấp vốn cho nền kinh tế. Do vậy, các NHTM sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam.
Có thể khái quát một số hoạt động cơ bản của NHTM tại trung tâm tài chính và qua đó đề xuất một số ý kiến với các NHTM Việt Nam, cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời và hoạt động trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ nhất, cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế, bao gồm các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, quản lý tài sản, tín dụng quốc tế và tài trợ ngoại thương, hỗ trợ các hoạt động đầu tư quốc tế.
Thứ hai, huy động và phân bổ vốn quốc tế, với vai trò là cầu nối giữa các nhà đầu tư quốc tế và các doanh nghiệp và dự án trong nước, giúp huy động vốn và phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Thứ ba, phát triển các sản phẩm tài chính hiện đại như phái sinh, bảo hiểm rủi ro, và các dịch vụ ngân hàng hiện đại ứng dụng công nghệ (fintech) để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp quốc tế.
Thứ tư là quản lý rủi ro tài chính để đảm bảo an toàn cho các giao dịch và đầu tư.
Thứ năm là phản ứng phù hợp với sự quản lý và điều tiết của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần vào sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Để các NHTM Việt Nam triển khai các hoạt động và phát huy đầy đủ vai trò đối với hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế, có một số đề xuất đối với các NHTM Việt Nam: Cần đầu tư nâng cao năng lực và ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển cơ sở dữ liệu và cơ chế kết nối dữ liệu trong mỗi NHTM cũng như giữa các NHTM với nhau (open banking) để có thể triển khai dịch vụ ngân hàng số, ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, AI, IoT, Blockchain,… nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh và bảo mật.
Để tận dụng được ưu thế của đầu tư phát triển công nghệ thì đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ mang lại ý nghĩa. Do đó, cần tập trung vào việc đào tạo đội ngũ nhân viên có chuyên môn sâu về tài chính và đầu tư quốc tế, quản lý rủi ro trong môi trường toàn cầu hóa và công nghệ tài chính hiện đại.
Đồng thời, cần cải thiện hoạt động kinh doanh và quản trị hoạt động kinh doanh hướng tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, trước hết là đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu và trụ cột của Basel II, sau đó tiếp tục triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel III và các chuẩn mực và thông lệ quốc tế theo các cam kết song phương và đa phương khác để nâng cao khả năng quản lý rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính trong nước cũng như toàn cầu.
Các ngân hàng cũng cần tăng cường hợp tác với các NHTM và tổ chức tài chính quốc tế để mở rộng mạng lưới kinh doanh, tăng cường số lượng đối tác và các ngân hàng đại lý, mở rộng thị trường chiến lược tại các nước trong khu vực và trên thế giới để vừa đáp ứng nhu cầu hoạt động ngân hàng quốc tế đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận với chuyển giao công nghệ.
Mỗi NHTM cũng cần xây dựng cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế và thu hút khách hàng là nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực hiện: Thái Hà | Ảnh: Hoàng Giáp | Trình bày: Lâm.TV
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-nhung-thach-thuc-can-hoa-giai-163029-163029.html
Bình luận (0)