Dịp này, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã có buổi làm việc và báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình đầu tư, xây dựng, vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Đây là dịp để doanh nghiệp chia sẻ những kết quả đạt được sau gần 20 năm hoạt động, đồng thời đề xuất tháo gỡ một số vướng mắc để tiếp tục đồng hành cùng TPHCM trong công tác bảo vệ môi trường đô thị.
Gần 20 năm làm sạch môi trường thành phố
Bà Huỳnh Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty VWS, cho biết, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do VWS đầu tư bắt đầu đi vào vận hành từ ngày 1-11-2007. Chủ đầu tư là ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions, một doanh nghiệp có kinh nghiệm, chuyên xử lý rác và tái chế rác hàng đầu tại Mỹ, đã về nước đầu tư theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam.

Dự án được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, với tổng thời gian thực hiện theo hợp đồng là 50 năm. Suốt gần 2 thập niên qua, dự án này đã tiếp nhận và xử lý khối lượng rác sinh hoạt khá lớn tại TPHCM với khoảng 5.000 tấn rác/ngày, góp phần quan trọng trong việc duy trì vệ sinh môi trường đô thị.
Theo đại diện lãnh đạo VWS, dự án được vận hành và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về môi trường, đầu tư, thuế và luôn bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của tập thể công ty cũng như sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong suốt quá trình hoạt động.
Tại buổi làm việc, bà Huỳnh Lan Phương cũng đã chia sẻ một số vấn đề còn tồn tại ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động lâu dài của dự án. Trong đó, có những nội dung liên quan đến việc thực hiện các hạng mục theo hợp đồng ký kết từ năm 2006. Cụ thể, khu vành đai cây xanh cách ly xung quanh dự án với tổng diện tích hơn 300ha đến nay vẫn chưa được thành phố triển khai như cam kết. Việc chưa có vùng đệm cây xanh không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường mà còn tác động trực tiếp đến chi phí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc cung cấp nguồn nước sạch từ hệ thống nước thủy cục cho nhà máy xử lý rác vẫn chưa được thực hiện, buộc doanh nghiệp phải tự khai thác nước ngầm để vận hành hệ thống, trong khi chủ trương chung là hạn chế việc sử dụng tài nguyên nước ngầm.
Một khó khăn khác liên quan đến 2 hệ thống phân loại phế liệu tái chế và sản xuất phân compost, đã được đầu tư hoàn chỉnh từ năm 2010 nhưng chưa thể vận hành hiệu quả do công tác phân loại rác tại nguồn ở TPHCM vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Do đó, phần lớn rác đưa về nhà máy còn lẫn nhiều tạp chất, không thể xử lý theo quy trình như thiết kế ban đầu, gây lãng phí đầu tư và tăng chi phí bảo trì.
Về công tác vận chuyển rác, VWS cho biết, các xe chở rác do thành phố quản lý còn nhiều xe đã cũ, vận hành không đồng bộ, gây rò rỉ nước rác và rơi vãi rác trên đường, đặc biệt là đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Quốc lộ 50 vào nhà máy. Mặc dù không thuộc trách nhiệm trong hợp đồng, công ty đã chủ động đầu tư hệ thống rửa xe tự động để làm sạch toàn bộ hơn 1.000 lượt xe ra vào mỗi ngày.
Công ty cũng mong muốn các cơ quan chức năng địa phương quan tâm hơn đến việc quét dọn, rửa đường thường xuyên để giảm thiểu mùi hôi, bụi bẩn, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh gây hiểu lầm cho người dân về nguồn phát sinh mùi từ nhà máy.
Chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện hiện đại
Nhằm thực hiện chủ trương giảm tỷ lệ chôn lấp rác của TPHCM, VWS đang triển khai dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thành công nghệ đốt rác phát điện với công suất 3.000 tấn/ngày. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho dự án này lên đến 395 triệu USD, sử dụng công nghệ tiên tiến từ các quốc gia G7 nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải, an toàn môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, VWS cũng kiến nghị có cơ chế điều chỉnh mức giá xử lý rác phù hợp với mức đầu tư và biến động tỷ giá ngoại tệ, bởi giá trần hiện tại không còn tương ứng với chi phí thực tế. Nếu mức giá xử lý không đủ bù đắp, doanh nghiệp rất khó duy trì công nghệ cao, phải cân nhắc lựa chọn giải pháp công nghệ khác, kém hiệu quả hơn.
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan Trung ương và địa phương tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định để tiếp tục đồng hành cùng Nhà nước trong các chương trình bảo vệ môi trường dài hạn. Trong thời gian hoàn tất quy trình thẩm định và phê duyệt Dự án “Chuyển đổi Công nghệ Đốt rác phát điện” này, Công ty VWS tiếp tục duy trì và bảo đảm khả năng vận hành của doanh nghiệp trong công tác tiếp nhận và xử lý chất thải an toàn, đạt chất lượng như đã cam kết với thành phố”, bà Huỳnh Lan Phương nhấn mạnh. Công ty cũng đề nghị thành phố và các bộ ngành quan tâm, hỗ trợ về vấn đề pháp lý đối với nhà máy điện khí gas công suất 12MW, một hạng mục đã hoàn thành để sớm được đưa vào hệ thống lưới điện quốc gia.

Ngoài dự án tại TPHCM, VWS cũng là chủ đầu tư Dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh tại tỉnh Tây Ninh, thuộc quy hoạch quốc gia về xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn do quá trình thẩm định kéo dài, chính sách chưa rõ ràng, gây chậm tiến độ triển khai gần 6 năm. “Với những khó khăn, vướng mắc về chính sách dành cho các dự án FDI, chúng tôi mong muốn Đoàn giám sát Quốc hội xem xét, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để dự án được vận hành, triển khai hiệu quả hơn”, bà Huỳnh Lan Phương bộc bạch.
Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Công ty VWS, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát, cho biết, đoàn đã lắng nghe và sẽ có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cong-ty-vws-kien-nghi-thao-go-mot-so-vuong-mac-trong-bao-ve-moi-truong-do-thi-post805519.html
Bình luận (0)