Thiếu chuẩn cho sản phẩm xanh
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cù Huy Quang, Trưởng Phòng Hiệu quả năng lượng và chuyển đổi xanh (Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công – Bộ Công Thương) cho biết, xu hướng sản xuất, tiêu dùng sản phẩm xanh, sạch đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi cơ cấu thị trưởng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang thiếu nhiều tiêu chuẩn quy định cụ thể thế nào là sản phẩm sạch, sản phẩm xanh.
Theo ông Cù Huy Quang, đối với các doanh nghiệp phát triển bền vững, đã có bộ tiêu chí ESG để tham chiếu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bộ, ban, ngành nào ban hành một bộ tiêu chí thống nhất, chính thức xác định sản phẩm xanh là gì. Đây là một hạn chế lớn khiến việc phát triển, sản xuất và phổ biến các sản phẩm xanh gặp nhiều khó khăn, làm cho người tiêu dùng chưa có đủ thông tin rõ ràng để lựa chọn.
Dù vậy, trong một số lĩnh vực nhất định đã có những quy định cụ thể, đơn cử như Bộ Công Thương đã ban hành quy định về Nhãn năng lượng, một hình thức Nhãn xanh rất thành công.
“Chương trình này được triển khai từ năm 2006 và đến nay đã tạo ra bước chuyển lớn trên thị trường: những thiết bị điện hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng đã dần bị thay thế bởi các sản phẩm hiệu suất cao hơn. Người tiêu dùng hiện nay khi mua các sản phẩm điện – điện tử như tivi, tủ lạnh, điều hòa… đều đã quen thuộc với việc kiểm tra nhãn năng lượng dán trên sản phẩm, đó chính là minh chứng cho hiệu quả của Nhãn xanh”, ông Quang cho hay.
Tuy nhiên, ở nhiều nhóm sản phẩm khác, các tiêu chuẩn, quy định và nhãn nhận diện sản phẩm xanh vẫn còn rất thiếu và yếu. Với vai trò là cơ quan triển khai Mục tiêu phát triển bền vững số 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền giai đoạn 2021–2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 889/QĐ-TTg năm 2020 (Chương trình). Trong 5 năm qua, Chương trình đã tích cực lồng ghép các nội dung ESG và đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh.
“Cụ thể, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã xây dựng được 3 tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhựa tái chế. Dự kiến trong năm 2025, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng thêm 5 tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực này”, ông Quang cho hay.
Cù Huy Quang, Trưởng Phòng Hiệu quả năng lượng và chuyển đổi xanh (Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công. Ảnh: Thu Hường
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải và phát triển các nguồn nguyên vật liệu mới cho sản xuất. Các mô hình kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh áp dụng tại các cụm công nghiệp và khu vực có tiềm năng lớn, nhằm tạo bước chuyển cả về nhận thức lẫn thực tiễn sản xuất.
Trong giai đoạn 2026–2030, Bộ Công Thương đặt trọng tâm triển khai Chương trình thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây sẽ là chương trình quy mô lớn với kỳ vọng tạo ra nhiều sản phẩm xanh mới, củng cố tiêu chí xanh, đồng thời đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực, địa phương có tiềm năng. Mục tiêu hướng tới là giảm thiểu, tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào và nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết để nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm xanh hơn, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh, đặc biệt là ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.
Ông Cù Huy Quang thẳng thắn nhìn nhận, hiện số lượng sản phẩm xanh trong nước vẫn còn khá hạn chế, mới chủ yếu tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ ăn uống, trong khi nhiều lĩnh vực khác chưa có sự phát triển tương xứng. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tiếp cận và sản xuất nhiều sản phẩm xanh hơn.
Ông Quang cũng chia sẻ thêm, hiện nay nguồn vốn hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất xanh còn nhiều hạn chế. Với Nghị quyết 57, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ có thêm nguồn lực tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong phạm vi quản lý, Bộ hiện có một số nguồn vốn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thông qua chuyển đổi công nghệ, góp phần xanh hóa quy trình sản xuất.
Trong thời gian tới, việc tận dụng các quỹ về khoa học công nghệ, môi trường sẽ là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, sản xuất ra nhiều sản phẩm xanh hơn, bền vững hơn.
Doanh nghiệp cần thông tin minh bạch về nguồn gốc sản phẩm
Chia sẻ về khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm xanh, ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng chia sẻ, Hợp tác xã của ông là đơn vị chuyên sản xuất ống hút từ nguyên liệu chính là bột rau, củ, sản phẩm của hợp tác xã vừa sử dụng làm ống hút vừa có thể ăn trực tiếp được, sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài nhưng thị trường trong nước chưa đón nhận, rất khó tiêu thụ.
Về vấn đề này, ông Cù Huy Quang cho biết, hiện Bộ Công Thương đang cố gắng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí sản phẩm, hàng hóa xanh để người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm xanh, nhưng ngược lại đòi hỏi các doanh nghiệp phải công bố minh bạch sản phẩm của mình, nguồn gốc nguyên nhiên vật liệu, chứng nhận của sản phẩm. “Nếu người tiêu dùng không đủ thông tin rất khó để họ để lựa chọn, hành vi tiêu dùng là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tiêu dùng bền vững”, ông Quang nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm xanh để bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tài chính xây dựng gói tín dụng xanh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải có báo cáo ESG và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện báo cáo này, và doanh nghiệp hãy coi chi phí để xây dựng báo cáo đó là chi phí đầu tư cho phát triển bền vững của mình”, bà Hường nhấn mạnh.
Để Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững được lan tỏa rộng rãi hơn trong thời gian tới, trở thành một trụ cột của phát triển xanh, TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, công nghệ xanh là động lực cốt lõi, do vậy cần ưu tiên phát triển công nghệ tối ưu hóa tài nguyên, giảm ô nhiễm, và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, đề xuất nhà nước có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, cũng cần minh bạch thông tin, bởi đây là nền tảng bảo vệ người tiêu dùng, thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm xanh, kiểm soát chặt quảng cáo trên sàn thương mại điện tử; kêu gọi truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tiêu chuẩn "xanh" đến cộng đồng.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nguon-nhan-luc/cung-co-tieu-chi-xanh-day-manh-kinh-te-tuan-hoan.html
Bình luận (0)