Ba địa danh đó là Đền Lảnh Giang, xã Mộc Hoàn, thị xã Duy Tiên; chùa Long Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên và Khu tưởng niệm nhà văn-liệt sĩ Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Đây là những điểm di tích nổi tiếng của tỉnh Hà Nam có tiềm năng phát triển du lịch.
Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Với giải pháp công nghệ kết nối không dây, dự án "Yêu lắm Việt Nam" được triển khai ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Mục tiêu lâu dài của dự án nhằm tạo ra những trải nghiệm mới, độc đáo cho người dân và du khách như: Trò chơi thử thách để người dân và du khách check-in, hướng dẫn, hỗ trợ phân luồng khách, thông báo đến du khách những sự kiện quan trọng ở địa phương. Qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người, các địa danh lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng của tất cả các địa phương.
Ở tất cả các địa điểm có bảng gắn chíp, người dân, du khách chỉ cần chạm điện thoại thông minh có sóng internet sát với bảng gắn chip NFC theo hướng chỉ dẫn trên màn hình sẽ tự động hiển thị đường link liên kết với trang web "Yêu lắm Việt Nam".
Việc check-in ở các địa điểm này sẽ cho người dân, du khách biết được mình là người thứ bao nhiêu đã check-in tại địa điểm đó; đồng thời cũng có thể xem lại được những nơi mình đã đi qua và thông tin ở các điểm đến đó.
Sau khi check-in và có được các thông tin như trên, người dân và du khách có thể đăng tải hình ảnh của bản thân cùng lời nhắn cho chương trình "Yêu lắm Việt Nam". Tất cả các hình ảnh và lời nhắn này sẽ được tập hợp và ghép lại thành một bản đồ Việt Nam với đầy đủ hình ảnh nhân dân ở mọi miền đất nước.
Để trải nghiệm, người dân và du khách phải đến trực tiếp địa điểm gắn chip để thao tác, nhờ vậy bảo đảm được bảo mật. Các nội dung trên website "Yêu lắm Việt Nam" cũng được kiểm duyệt chặt chẽ trước khi đăng tải, bảo đảm văn minh, văn hóa du lịch trên không gian mạng.
Tỉnh Hà Nam, đã lựa chọn lắp đặt bảng gắn chip NFC (Near-Field Communications-công nghệ kết nối không dây) tại 3 địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh để phục vụ du khách và nhân dân check-in tại địa danh, tìm hiểu thông tin hữu ích về địa danh: gồm Đền Lảnh Giang, xã Mộc Hoàn, thị xã Duy Tiên; Chùa Long Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên và Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân. Đây là những điểm di tích nổi tiếng của tỉnh, có tiềm năng phát triển du lịch.
![]() |
Bảng gắn chíp được lắp đặt tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Long Đọi Sơn. |
Chùa Long Đọi Sơn - Biểu tượng văn hóa trấn Sơn Nam xưa
Chùa Long Đọi Sơn là ngôi cổ tự gắn với tháp Sùng Thiện Diên Linh nổi danh từ thời Lý. Đây là di tích có giá trị quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa, khảo cổ học và là biểu tượng văn hóa của trấn Sơn Nam xưa cũng như Hà Nam hiện nay. Theo sử sách ghi lại, giữa địa hình đồng bằng của xã Đọi Sơn, có một ngọn núi nhìn từ xa trông giống một con rồng lớn hướng về phía kinh thành Thăng Long nên được gọi là Long Đọi Sơn (núi Long Đọi). Chùa nằm ở vị trí sơn thủy hữu tình, yên tĩnh càng làm cảnh chùa thêm tịch mịch và huyền bí.
Chùa do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054. Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua tiếp tục mở rộng và xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh (từ năm 1118 đến năm 1121). Qua nhiều thời đại và nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa nhiều lần được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và những kiến trúc tiêu biểu của thời Lý.
Ngôi chùa hiện chùa còn giữ được nhiều di vật quý như: Tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện; 6 pho tượng Kim Cương bằng đá, cao 1,60m; bia đá Diên Linh (dựng năm 1121), cao 2,88m, rộng 1,40m và dày 0,29cm, đặt trên đế đá chạm rồng, hình chạm khắc và hoa văn trang trí trên bia mang đậm phong cách thời Lý; 4 pho tượng hình người có cánh cao 40cm, bề ngang 30cm. Quanh chân núi có 9 giếng nước tự nhiên mà dân gian gọi là 9 mắt rồng. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra 4 phía, khung cảnh khoáng đãng, nên thơ, có cánh đồng lúa, bãi ngô, ruộng khoai, chân núi có dòng Châu Giang quanh co lượn khúc như dải lụa đào uốn quanh chân núi.
Chùa Đọi thời Lý xếp hạng là "Đại danh lam" kiêm hành cung, thời Pháp từng được liệt vào hạng các cổ tích danh thắng để bảo vệ. Điểm nhấn đặc biệt nhất của quần thể di tích này là chùa và tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Lý Nhân Tông xây dựng năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), khởi công vào tháng 5 đến mùa thu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thì được hoàn thành.
Bia được khắc chữ cả hai mặt. Mặt trước khắc chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao tài trí của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước, phản ánh triết lý duyên khởi của Phật giáo, tình hình Phật giáo thời Lý… Mặt sau bia ghi việc tu sửa chùa vào thời vua thứ 5 nhà Mạc, việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm ruộng đèn nhang và khắc bài thơ Đường luật của vua Lê Thánh Tông sáng tác vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp nhà vua đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa. Sau nhà bia là tòa Tam bảo, rồi đến chùa chính gồm 6 gian.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp vừa uy nghi, cổ kính, vừa thanh thoát, nhẹ nhàng, năm 1992 chùa Đọi Sơn được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Quần thể di tích danh thắng Đọi Sơn ngày càng khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch to lớn, khắc sâu thêm biểu tượng của quê hương núi Đọi, sông Châu trên bản đồ Hà Nam. Tháng 12/2017, chùa Đọi Sơn là một trong 10 di tích trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Lảnh Giang linh từ
Đền Lảnh Giang là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam, nơi hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, tâm linh từ lâu đã được nhân dân cả nước biết đến. Đền Lảnh Giang nằm bên lưu vực sông Hồng, nơi thờ 3 vị tướng thời Hùng Vương, trong đó thờ chính là vị thần Trấn An Tây Nam Tam Kỳ.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, năm 1996, đền Lảnh Giang được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia.
Cùng với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, các vị thủy thần được thờ tại đền Lảnh Giang đã được hội nhập vào hệ thống thần điện của tín ngưỡng này, đó là Quan lớn Đệ Tam. Chính điều này đã làm nên nét đặc sắc riêng có của lễ hội đền Lảnh Giang. Đền Lảnh Giang là một trong 3 trung tâm thực hành tín ngưỡng Nghi lễ Chầu văn của tỉnh Hà Nam.
Lễ hội đền Lảnh Giang là lễ hội tiêu biểu, mang bản sắc văn hóa của người Việt vùng hạ châu thổ sông Hồng. Lễ hội là sự tích hợp các lớp văn hóa trong diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Lễ hội hằng năm được địa phương tổ chức nền nếp, quy mô trong không khí linh thiêng, trang trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và là nơi bảo tồn, phát huy giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá của người dân.
![]() |
Bảng gắn chíp được lắp đặt tại Khu di tích Quốc gia-di tích Mộ và khu lưu niệm Nam Cao. |
Di tích quốc gia-di tích lịch sử Mộ và khu lưu niệm Nam Cao
Nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915 ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông hy sinh ngày 30/11/1951 tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trong khi làm nhiệm vụ.
Nhà văn Nam Cao là một nhà văn lớn của Việt Nam, đại diện xuất sắc và tiêu biểu cho nền văn học hiện thực phê phán. Nhà văn Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc của văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930-1945, đồng thời là một nhà văn chiến sĩ tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt. Ông đã để lại cho đời một di sản sáng tác khá đồ sộ với 2 tiểu thuyết, hơn 50 truyện ngắn, bút ký. Với những đóng góp đó, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) năm 1996 cho những đóng góp quan trọng đối với nền văn học nước nhà nửa đầu thế kỷ XX cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 1998, phần mộ của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao đã được đưa từ Gia Viễn-Ninh Bình về yên nghỉ tại quê hương Hòa Hậu.
Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao là nơi lưu giữ những kỷ niệm, hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của cố nhà văn. Nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao hiện nay được xây dựng trên khuôn viên đất của nhà 2 cụ Trùm San và Trùm Luông, hai nguyên mẫu là người thực của làng Đại Hoàng mà nhà văn đã xây dựng nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên.
Phần mộ nhà văn Nam Cao được đặt trong khuôn viên nhà tưởng niệm, trước mộ có di ảnh nhà văn và 2 trang sách đã khắc lời tuyên ngôn nghệ thuật, được trích trong 2 tác phẩm "Đời thừa" và "Nhật ký ở rừng".
Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao được hoàn thành năm 2004, là nơi lưu giữ những kỷ niệm, hiện vật, những tác phẩm gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn cũng như những hoạt động tri ân, tưởng niệm của chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong nước đối với ông.
Nguồn: https://nhandan.vn/cung-yeu-lam-viet-nam-ket-noi-cac-dia-danh-lich-su-van-hoa-ha-nam-post869074.html
Bình luận (0)