Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Miệt mài gieo chữ, trồng người

Đã 23 năm trôi qua, thầy Phan Trí vẫn gắn bó với vùng đất biên giới Việt - Lào, nơi có con sông Sê Băng Hiêng, để lặng lẽ gieo chữ, trồng người

Người Lao ĐộngNgười Lao Động26/05/2025

Một buổi sớm tháng 5, khi những giọt sương còn lấp lánh trên mái tôn điểm trường Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), tiếng cười nói ríu rít của học trò đã vang vọng giữa núi rừng biên giới như đánh thức cả bản làng. Trong lớp, thầy giáo Phan Trí vẫn đều đặn với những nét phấn trắng, tỉ mỉ ghi lên bảng từng dòng chữ đầu tiên của bài học.

Đưa chữ về bản xa

Thầy Phan Trí sinh năm 1978; quê ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; hiện là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lập.

Năm 2002, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn ở lại thành phố nhưng thầy Phan Trí quyết định trở về quê hương Quảng Trị - vùng đất từng chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh, để bắt đầu sự nghiệp trong ngành giáo dục. "Khi chọn nghề giáo, tôi nghĩ rằng nơi nào càng khó khăn thì người thầy càng cần thiết. Tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình để những đứa trẻ ở vùng cao không phải thua thiệt chỉ vì điều kiện sống" - ông bày tỏ.

Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Miệt mài gieo chữ, trồng người - Ảnh 1.

Thầy Phan Trí miệt mài gieo chữ ở vùng biên

Lúc mới học xong đại học, thầy Trí được phân công dạy ở điểm trường Trỉa, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Ngày đầu tiên trên hành trình gieo chữ, trồng người, thầy Trí cho biết ông phải đi xe ôm 12 km đường rừng núi, mất thêm 2 giờ đi bộ mới đến được trường.

"Tới nơi, chưa kịp đặt ba lô xuống, tôi đã phải vội vàng xách lên đi tiếp khi biết nơi mình dạy còn cách điểm trường chính rất xa" - thầy Trí nhớ lại. Thêm 4 giờ đi bộ đường rừng, trải qua hơn 10 lần lội suối, thầy mới đến được điểm trường mình sẽ giảng dạy.

Nhiều điểm trường ở huyện Hướng Hóa nằm sát biên giới Việt - Lào; 85% học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Cô. Lớp của thầy Trí nhiều em đã 13-14 tuổi nhưng cũng có em chỉ mới 6-7 tuổi. Đường đến các điểm trường quanh co, hiểm trở, có nơi nằm sâu trong rừng; mùa mưa lũ có khi bị chia cắt hoàn toàn, cô lập với bên ngoài.

Những ngày đầu thầy Trí mới vào nghề, điều kiện dạy học ở các điểm trường biên giới rất thiếu thốn. Điểm trường không có điện, nước thì phải gánh từ suối về. Bàn ghế trong lớp xiêu vẹo, sách vở thì học sinh dùng chung. Thầy trò nhiều khi phải dạy và học dưới ánh đèn dầu leo lét. Vào mùa mưa, đường sá sạt lở, có hôm thầy phải đi bộ đến điểm trường cách nơi ở gần 10 km.

Thế nhưng, chưa bao giờ thầy Trí có suy nghĩ bỏ nghề. Mỗi ngày, thầy dậy rất sớm rồi băng rừng, lội suối đến lớp. Với những học sinh chưa biết tiếng Kinh, thầy kiên nhẫn dạy từng từ, từng câu.

Ngoài giờ dạy, thầy Trí còn đến tận nhà học trò, vận động phụ huynh cho con em đến trường thường xuyên hơn. Thầy giải thích cho họ hiểu giá trị của chữ nghĩa, kiến thức vì phần lớn đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chỉ suy nghĩ đơn giản "học 10 điểm cũng làm rẫy mà 1 điểm cũng làm rẫy!".

Thầy Trí và nhiều giáo viên phải thường xuyên cắm bản để tuyên truyền, vận động người dân, quyết tâm thay đổi những quan niệm lạc hậu của họ. Nhờ vậy, sĩ số lớp học ngày càng ổn định, học sinh không còn bỏ học giữa chừng như trước.

Thầy Trí nhớ lại năm học 2016-2017, khi ông đến dạy ở điểm trường bản Tà Păng, xã Hướng Lập thì có một em không chịu đi học. Hoàn cảnh em này rất đáng thương, mẹ mất do bệnh ung thư; bố suốt ngày say xỉn, ít quan tâm con cái. Em thấy người lạ là né tránh, hỏi chuyện không nói. Sau nhiều lần động viên, khi được gia đình đồng ý, thầy Trí đến nhà để đưa em này tới lớp. Ban đầu, em khóc la, cào cấu nhưng sau khi đến lớp và được thầy chỉ dạy vẽ tranh, tô màu, tham gia trò chơi... thì dần dần tự giác hơn, đi học rất chuyên cần.

Nhiều học trò của thầy Trí giờ đã trưởng thành, có người là cán bộ xã, giáo viên, y tá… Theo thầy, đó là "phần thưởng" quý giá nhất suốt 23 năm dạy học của mình.

Chấp nhận "ở lẻ"

Không chỉ "truyền lửa" cho học trò, thầy Phan Trí còn là tấm gương về tinh thần học tập suốt đời và sự đa năng trong công tác giáo dục. Ngoài việc giảng dạy môn toán và tiếng Việt, thầy còn đảm nhận vai trò tổng phụ trách Đội, kiêm nhiệm công việc phổ cập giáo dục và các hoạt động ngoại khóa.

Những tiết sinh hoạt Đội do thầy Trí phụ trách luôn sôi nổi, sáng tạo. Thầy dạy học trò kỹ năng sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao giúp học sinh thêm yêu trường, yêu lớp.

Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Miệt mài gieo chữ, trồng người - Ảnh 2.

Nhiều khi thầy cõng học sinh băng rừng lội suối đến lớp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thầy Nguyễn Hồ Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lập, nhận xét: "Thầy Phan Trí rất năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động của nhà trường, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thầy là một giáo viên mẫu mực, tâm huyết với nghề; được học sinh, đồng nghiệp và người dân địa phương tin yêu, quý mến".

Trong một lần trò chuyện, thầy Trí ưu tư: "Quá trình giảng dạy nơi vùng cao biên giới là chuỗi ngày "ở lẻ" của chúng tôi". Câu nói ấy khiến chúng tôi bùi ngùi, bởi nhiều giáo viên vùng sâu vùng xa phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc gia đình. Những người gieo chữ, trồng người ở thành phố, đồng bằng vốn đã vất vả thì ở nơi núi cao, rừng thẳm càng gian nan bội phần.

23 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi biên giới cũng là 23 năm thầy Trí chấp nhận xa gia đình, bạn bè, từ bỏ cuộc sống tiện nghi nơi phố thị. Nhiều khi Tết đến, vì bận bịu với học trò mà thầy không thể về quê sum họp gia đình. Đã có lúc, sức khỏe thầy giảm sút vì điều kiện khắc nghiệt. Thế nhưng, chưa bao giờ thầy than thở hay hối hận với sự lựa chọn của mình. "Chứng kiến học trò tiến bộ từng ngày, thấy các em rạng rỡ khi biết đọc, biết viết, mọi mệt nhọc trong tôi đều tan biến" - thầy bày tỏ.

Tình yêu nghề của thầy Trí không phải là những lời nói mà thể hiện qua hành động mỗi ngày. Thầy tự tay sửa từng chiếc bàn học hỏng, đi xin từng bộ quần áo cho học trò nghèo, rồi cùng các giáo viên xây dựng mô hình "Ngôi nhà xanh" để gây quỹ học bổng... Tất cả đều hướng về học sinh, hướng đến hành trình lặng lẽ mà đầy ý nghĩa của thấy Trí: Mang con chữ đến với những cô cậu học trò nhỏ bé giữa đại ngàn. 

Giáo viên tiêu biểu

Với những cống hiến và nỗ lực của mình, thầy Phan Trí đã nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp huyện; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; được UBND huyện và UBND tỉnh tặng giấy khen, bằng khen. Năm 2023, thầy được tặng bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc"...

Năm 2023, thầy Phan Trí là một trong 58 giáo viên tiêu biểu được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.


Nguồn: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-miet-mai-gieo-chu-trong-nguoi-196250525202917773.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm