Ở phường Ngọc Hà (TP Hà Nội), hễ ở đâu có việc khó hay có người cần giúp, người ta lại nghĩ ngay đến ông Dương Quốc Việt. Người ta thấy ông đi vận động từng cân gạo cho những hoàn cảnh khó khăn, thấy ông có mặt đầu tiên mỗi khi có sự cố, và người ta còn thấy chính người Bí thư chi bộ 71 tuổi ấy, không một chút ngần ngại, tự xắn tay áo dọn dẹp, tắm rửa cho một người đàn ông cô độc sau cơn tai biến.

Khi được hỏi về việc làm mà có lẽ người thân cũng phải ngần ngại, người thương binh 41% ấy chỉ xua tay, giọng bình thản: “Thấy người ta khổ thế, mình còn sức thì mình giúp thôi. Cùng là con người với nhau cả, bỏ sao đành”.

Chiếc áo lính có thể đã bạc màu, tiếng súng đã lùi xa vào quá khứ, nhưng trong tâm hồn người cựu chiến binh ấy, vẫn chỉ có một mệnh lệnh duy nhất không hề phai nhạt theo năm tháng: Mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc ông sống trọn vẹn vì nhân dân.

Dù đã ở tuổi 71, người thương binh, cựu chiến binh Dương Quốc Việt vẫn miệt mài với công việc của một Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận phường Ngọc Hà. 

“Xếp bút nghiên” theo tiếng gọi non sông

Năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go nhất, không khí sục sôi của phong trào “Xếp bút nghiên lên đường” đã lan tỏa đến từng lớp học của Trường Phổ thông cấp 3 Quốc Oai (xã Quốc Oai, TP Hà Nội). Trong những buổi nói chuyện về chiến tranh, về trách nhiệm với Tổ quốc, ngọn lửa yêu nước đã được thắp lên trong trái tim những người học trò còn ngồi trên ghế nhà trường. Với chàng trai 18 tuổi Dương Quốc Việt, khi đó đang học lớp 8, tiếng gọi ấy còn mãnh liệt hơn cả tiếng trống trường. Không một chút do dự, ông cùng ba người bạn khác trong lớp tự tay viết những lá đơn tình nguyện, xin được ra trận.

Vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình, nhưng với lý lẽ của riêng mình, ông quả quyết: “Việc học hành thì sau này học cũng được. Trong lúc đất nước như thế này, mình nên có trách nhiệm”. Cứ thế, tháng 5-1972, chàng thanh niên chỉ nặng 38kg ngày ấy đã hăm hở lên đường, gia nhập Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, tham gia nhiều trận đánh lịch sử.

Với ông, ký ức in sâu nhất trong tâm trí là những trận đánh ác liệt ở điểm cao 1062 Thượng Đức (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - nay là xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng), nơi mà cả hai bên đều dồn toàn lực, biến quả đồi thành một “cái cối xay thịt” đúng nghĩa. Chính tại đây, ông đã chứng kiến anh Thắng, người đồng đội thân thiết từ thuở thiếu thời ở xã Sài Sơn (nay là xã Quốc Oai, TP Hà Nội), ngã xuống ngay trước mắt mình.

“Lúc đó đang ác liệt, không thể nào ra cứu bạn được. Khi ngưng tiếng súng rồi mới bò ra kéo xác bạn vào” ông nghẹn ngào. Nỗi đau mất mát chưa nguôi, ông lại phải trải qua một đêm dài nằm trong hang cùng thi thể của ba đồng đội khác đã hy sinh, chờ đơn vị vận tải đến đưa các anh về. Những ký ức đó đã tạc vào tâm trí người lính trẻ những vết sẹo không bao giờ lành, ghi lại sự ác liệt và khắc nghiệt của chiến tranh để đổi lấy độc lập, tự do của đất nước.

 

Bản thân ông cũng đã hai lần bị định mệnh thử thách bằng lằn ranh sinh tử. Lần đầu cũng chính tại Thượng Đức năm 1973 khi bị mảnh cối pháo găm vào tay và chân. Vết thương khiến ông phải rời xa mặt trận suốt hai tháng trời.

Lần thứ hai, cũng là lần để lại nỗi tiếc nuối lớn nhất, là vào ngày 26-4-1975, khi cánh quân của ông chỉ còn cách Sài Gòn chừng 40-50 cây số. Một viên đạn oan nghiệt đã khiến ông lỡ hẹn với ngày toàn thắng, để lại một nỗi tiếc nuối khôn nguôi và tấm thẻ thương binh 41%.

Giã từ chiến trường, ông trở về với những ngã rẽ của đời thường. Ước mơ trở thành bác sĩ dang dở vì thiếu đúng 1 điểm thi, năm 1981, ông chuyển sang công tác ngành tài chính tại Phòng Tài chính của thị xã Hà Đông (nay là phường Hà Đông, TP Hà Nội) và lặng lẽ cống hiến cho đến ngày nghỉ hưu (năm 2015).

“Tất cả vì nhân dân” – Lời thề không bao giờ cũ

Những tưởng sau hàng chục năm cống hiến cho quân đội và nhà nước, người thương binh, cựu chiến binh ấy sẽ an hưởng tuổi già. Thế nhưng, với ông Dương Quốc Việt, nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi.

Chỉ 6 tháng sau khi nhận sổ hưu, năm 2016, nghe theo sự tín nhiệm và động viên của bà con, ông lại “tái ngũ”, bước vào một mặt trận mới – mặt trận của công tác xã hội, nơi không có tiếng súng nhưng lại đầy những lo toan cuộc sống đời thường.

Ông lần lượt đảm nhiệm các vai trò từ Chi hội trưởng Cựu chiến binh (2016), Tổ trưởng Tổ Đảng (2017). Bước ngoặt đến vào năm 2020 khi ông được bầu làm Bí thư Chi bộ phường Liễu Giai (nay là phường Ngọc Hà, TP Hà Nội). Kể từ nhiệm kỳ thứ hai (2022-2025) cho đến nay, ông bắt đầu gánh vác trọng trách kép khi kiêm nhiệm thêm vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố 7 (nay là Tổ dân phố 25).

Công việc “làm dâu trăm họ” này lấy đi của ông gần như toàn bộ thời gian. Ông thừa nhận: “Đến bây giờ thì rất áp lực”. Áp lực từ những cuộc họp triền miên, từ việc phải mày mò học cách sử dụng máy vi tính để xử lý văn bản theo yêu cầu của thời đại 4.0. Áp lực cả từ những cuộc gọi xen vào bữa cơm, những lần phải ra ngoài giải quyết việc chung lúc nửa đêm khiến người nhà không khỏi xót xa, ngăn cản.

“Nhiều lúc mệt mỏi, căng thẳng lắm, cũng nghĩ đến việc muốn nghỉ nhưng mình đã xác định làm là vì tập thể, nên lại tiếp tục”, ông Việt thật thà chia sẻ.

Nhờ sự vận động không mệt mỏi của ông Việt và các nhà hảo tâm, những phần gạo nghĩa tình thường xuyên đến với các gia đình khó khăn, đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh do NVCC 

Ông Bùi Văn Lâm, Phó bí thư Chi bộ phường Ngọc Hà, Tổ trưởng tổ dân phố 25, nhận xét: “Mọi việc, từ nhỏ đến lớn, đồng chí Việt đều lên kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, đã nói là làm, rất dứt khoát và kỷ luật. Đồng chí cũng rất tình cảm, luôn lắng nghe anh em, quan tâm đến từng hoàn cảnh. Có đồng chí làm đầu tàu, chúng tôi như được truyền thêm ngọn lửa nhiệt huyết”.

Ông Lâm vẫn nhớ như in giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19, khi cả khu phố còn đang hoang mang, chính ông Việt đã cùng ông xắn tay vào việc. Họ đã cùng nhau đi tuần tra từng con ngõ, vừa giám sát, vừa tự tay mang từng túi gạo hỗ trợ đến những gia đình khó khăn nhất... “Ông ấy có một sự quyết liệt rất đặc biệt. Có những việc khó, việc dễ mất lòng, nhưng vì cái chung, ông vẫn thẳng thắn đứng ra giải quyết. Chính cái “chất lính” nói là làm, vì lẽ phải đó đã tạo nên niềm tin tuyệt đối cho chúng tôi và cả người dân”, ông Lâm chia sẻ.

Sự quyết liệt trong công việc ấy được dẫn dắt bởi một triết lý giản dị mà ông luôn tâm niệm: “Mình vẫn phải giữ được phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ. Tất cả là vì nhân dân”. Chính sự quyết liệt trong công việc và tình cảm trong đối nhân xử thế ấy đã biến ông thành một điểm tựa tin cậy của cả khu phố. Người dân cảm nhận được sự tận tụy của ông rõ hơn ai hết.

Nhắc tới người bí thư của mình, ông Trương Ngọc Tố, một công dân 87 tuổi trong khu dân phố 25, chia sẻ đầy trân trọng: “Từ khi chú Việt về đảm nhận, địa bàn dân cư này là một trong những nơi đạt tiêu chuẩn tiên tiến nhất của phường. Chú ấy rất chu đáo và có trách nhiệm. Sáng nào cũng đi một vòng giám sát từ cổng ngõ đến chợ. Người như thế bây giờ hiếm lắm. Phải có cái tâm thực sự với dân thì mới làm được như vậy”.

 

Khi được hỏi về những thành tích của mình, từ tấm Huân chương hạng ba thời chiến đến những bằng khen thời bình, ông chỉ cười hiền. Với người cựu chiến binh, những tấm huân, huy chương ấy đều là sự ghi nhận quý báu, nhưng chúng không thể sánh bằng phần thưởng mà ông nhận được mỗi ngày trong ánh mắt, trong lời chào của bà con lối xóm. Bởi lẽ, ông tâm niệm: “Phần thưởng quý giá nhất chính là tình yêu thương của bà con”.

Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, người cựu chiến binh, người bí thư chi bộ Dương Quốc Việt lại đi một vòng quanh khu phố. Nhìn dáng ông bước đi vững chãi, thật khó để hình dung người đàn ông ấy vẫn đang mang trong mình những mảnh đạn từ thời chiến. Trong mắt người dân, đó là dáng hình thân thuộc của "ông bí thư nhà mình". Trong mắt đồng đội, đó là tác phong mẫu mực của người lính năm xưa.

Cuộc đời ông là một cuộc hành quân không bao giờ kết thúc. Từ những chiến hào đỏ lửa ở Quảng Trị đến những con ngõ nhỏ của Thủ đô, kẻ thù đã lùi xa, tiếng súng đã tắt, nhưng người lính vẫn còn đó, lặng lẽ phụng sự, lặng lẽ giữ trọn lời thề với đất nước, với nhân dân.

Bài và ảnh: YẾN NHI

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/cuu-chien-binh-duong-quoc-viet-nguoi-song-mai-voi-loi-the-phung-su-838787