
Vẫn còn khoảng trống
Ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng, các trạm xử lý nước thải đô thị tập trung như Hòa Xuân, Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu có tổng công suất thiết kế 364.650m3/ngày cùng hệ thống thu gom nước thải đã được đầu tư cơ bản đồng bộ, đáp ứng khoảng 89,9% trữ lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Bên cạnh đó, các trạm xử lý nước thải loại nhỏ tại các khu đô thị, khu tái định cư phân tán (Khu đô thị công nghệ FPT, Khu tái định cư Hòa Phú, Khu tái định cư Hòa Khương...); 2 trạm xử lý nước rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn...
Ngoài ra, tất cả trữ lượng nước thải phát sinh tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Khu dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã được thu gom, xử lý.
Tuy vậy, còn nhiều khu dân cư phân tán chưa được đầu tư các trạm xử lý nước thải, nhiều khu vực, đoạn đường chưa được đầu tư hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tại các đô thị Tam Kỳ, Hội An, phía nam Ái Nghĩa có 5 trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 17.154m3/ngày, mới đáp ứng khoảng 10,09% trữ lượng nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Còn 3 dự án xử lý thải sinh hoạt đang trong giai đoạn nghiệm thu, hoàn thành công trình với tổng công suất thiết kế 10.400m3/ngày (Trạm xử lý nước thải ở Khu đô thị Tam Hiệp có công suất 5.000m3/ngày, Trạm xử lý nước thải khu đô thị Núi Thành có công suất 5.000m3/ngày, Trạm xử lý nước thải ở Khu dân cư dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi 400m3/ngày); có khoảng 15 đô thị loại 5 và 1 đô thị loại 4 chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt...
Đối với các khu, cụm công nghiệp, Khu công nghiệp Thuận Yên đang hoạt động nhưng chưa bảo đảm hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhiều cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, không đáp ứng điều kiện về môi trường, hạn chế giới hạn về ngành nghề để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn khi có phát sinh nước thải công nghiệp.
Hầu hết cụm công nghiệp này do UBND cấp huyện trước đây làm chủ đầu tư, chưa bảo đảm nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường theo quy định bắt buộc của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (phải có hạ tầng tách riêng nước mưa, nước thải), dẫn đến khó khăn trong công tác cấp giấy phép môi trường về xả nước thải đối với các dự án thứ cấp và cơ sở trong cụm công nghiệp. Với điều kiện hạ tầng cụm công nghiệp chưa bảo đảm này, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi phải chủ động xây dựng tuyến ống xả thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận.
Đầu tư các đô thị, đầu nguồn nước
Trên cơ sở kết quả rà soát bước đầu, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố giao Sở Xây dựng rà soát quy hoạch, kiểm tra, khảo sát và đề xuất lộ trình mạng lưới thu gom nước thải tại các đô thị của thành phố, các đô thị quy hoạch loại 5 trở lên và các dự án đang triển khai để bảo đảm thu gom và xử lý nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng mới.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất UBND thành phố giao đơn vị chức năng lập điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Thuận Yên để tiếp tục giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và lập hồ sơ mời thầu xây dựng trạm xử lý nước thải. Đồng thời đề xuất UBND thành phố giao Sở Công Thương tham mưu, xây dựng nghị quyết hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để trình HĐND thành phố thông qua nhằm sớm có nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp.
Theo Sở Xây dựng, trong quá trình điều chỉnh các quy hoạch cũng như sau khi các quy hoạch được duyệt, sở sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư hệ thống thu gom nước thải trên toàn thành phố, bảo đảm từng bước thu gom, hạn chế nước thải chưa qua xử lý xả ra môi trường...
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hà Nam cho biết, sở đề xuất thành phố ưu tiên nguồn lực để đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung cho các đô thị như: Đại Lộc, Nam Phước, Hà Lam, Hương An, Đông Phú, Điện Bàn, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
“Quan điểm của ngành xây dựng là cần ưu tiên đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom nước thải ở khu vực Ái Nghĩa do ở đầu nguồn nước của khu vực tập trung đô dân cư của thành phố để bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước sinh hoạt”, ông Nguyễn Hà Nam nói.
Cùng với đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, ngành chức năng đề xuất đầu tư mở rộng mạng lưới, tăng đấu nối thoát nước thải từ hộ gia đình cho trạm xử lý nước thải Tam Kỳ.
Cùng với đó, tham mưu UBND thành phố quy định quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố mới; tạm thời tiếp tục duy trì thu giá dịch vụ thoát nước, phí bảo vệ môi trường theo địa bàn và từng bước rà soát, điều chỉnh để bảo đảm thống nhất toàn thành phố.
Nguồn: https://baodanang.vn/da-nang-dau-tu-thu-gom-xu-ly-nuoc-thai-bao-ve-moi-truong-3296843.html
Bình luận (0)