Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước đưa chính sách BHYT đến gần hơn với người dân, đặc biệt là chính sách đặc thù được ban hành chủ động và đồng bộ, đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân theo hướng bền vững.
Quảng Ninh đang khẳng định vị thế là địa phương phát triển năng động, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt không chỉ là những con số tăng trưởng, mà tỉnh còn đặt phúc lợi xã hội, đặc biệt là chính sách BHYT vào nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững.
Tỉnh đã chủ động ban hành hàng loạt chính sách đặc thù từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng, ngoài các chế độ do Nhà nước quy định. Một số chính sách tiêu biểu có thể kể đến như: Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND hỗ trợ 100% kinh phí BHYT cho người từ 70 đến dưới 80 tuổi; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thẻ BHYT cho đồng bào DTTS, cư dân miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 131/NQ-HĐND đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ bao phủ BHYT đến năm 2025; Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND nâng mức hỗ trợ cho người thuộc hộ cận nghèo từ 70% lên 100%, và từ 30% lên 80% cho hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Các chính sách thiết thực này không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của tỉnh trong công tác an sinh xã hội, mà còn trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.
6 tháng đầu năm 2025, số người tham gia BHYT trên toàn tỉnh đã đạt hơn 1,3 triệu người, tăng hơn 7.000 người so với cuối năm 2024. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,71%, cao hơn 2,36% so với bình quân chung cả nước. Đó là con số ấn tượng thể hiện hiệu quả các chính sách đồng bộ của chính quyền và sự đồng thuận của người dân trong toàn tỉnh.
Để duy trì và nâng cao hơn nữa tỷ lệ bao phủ BHYT, cơ quan BHXH khu vực VIII đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và lợi ích của việc tham gia BHYT, đặc biệt với nhóm đối tượng chưa tham gia.
Hằng năm, BHXH khu vực VIII phối hợp với các sở, ngành và đoàn thể địa phương tổ chức các lễ ra quân, phát hành hàng trăm nghìn tờ rơi, tài liệu hướng dẫn. Cùng với đó, hàng trăm hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách đã được tổ chức tại các xã, phường, giúp người dân tiếp cận thông tin một cách chính xác, rõ ràng.
Bên cạnh hoạt động truyền thông, ngành BHXH còn tập trung cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Việc triển khai hiệu quả ứng dụng BHXH số (VssID) giúp người dân tra cứu thông tin BHYT, đóng phí, theo dõi quá trình khám chữa bệnh ngay trên điện thoại. Việc sử dụng căn cước thay thế thẻ BHYT khi khám chữa bệnh cũng giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho người dân.
Đặc biệt, BHXH khu vực VIII đã chủ động rà soát các đối tượng đang được hỗ trợ theo chính sách, nhất là nhóm người mới thoát nghèo, cận nghèo. Đây là nhóm có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu thẻ BHYT nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời. Ngành BHXH đã báo cáo UBND tỉnh để tiếp tục duy trì mức hỗ trợ 100% chi phí BHYT, đồng thời phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách mới thay thế sau khi các nghị quyết hiện hành hết hiệu lực vào cuối năm 2025.
Việc sớm đề xuất, đánh giá và trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới trong quý IV/2025 là nhằm bảo đảm sự liên tục trong chính sách, tránh gián đoạn quyền lợi BHYT của người dân.
Theo Phó Giám đốc BHXH khu vực VIII Nguyễn Huy Thông, những chính sách đặc thù mà Quảng Ninh ban hành trong những năm qua đã giúp người dân, đặc biệt là người nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đây chính là biểu hiện rõ nét của tính nhân văn, ưu việt trong đường lối của Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh, tạo tiền đề vững chắc để tiến tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
BHYT đã thực sự trở thành "phao cứu sinh" cho nhiều gia đình khi gặp rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là người có thu nhập thấp, người mắc bệnh mãn tính, người già và đồng bào DTTS. Không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính khi ốm đau, BHYT còn góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người dân.
Năm 2025, là năm cuối thực hiện nhiều nghị quyết hỗ trợ BHYT của tỉnh, đồng thời là thời điểm then chốt để đánh giá, điều chỉnh chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của chính quyền tỉnh và ngành BHXH, Quảng Ninh đang từng bước tiến gần hơn tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
BHYT không chỉ là chính sách y tế đơn thuần mà là chiếc cầu nối giữa trách nhiệm cộng đồng và quyền lợi cá nhân, là nền tảng của một xã hội nhân văn, phát triển bền vững. Những bước đi chủ động, quyết liệt và đầy tính nhân văn của Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục là mô hình tiêu biểu về phát triển chính sách an sinh xã hội hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/don-bay-tu-nhung-chinh-sach-dac-thu-3366625.html
Bình luận (0)