Trước đó, báo cáo thẩm tra dự thảo luật, cơ quan thẩm tra cho hay, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như: cơ quan pháp quy hạt nhân, cơ quan đầu mối quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân, cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở ứng dụng năng lượng nguyên tử (như y học, nông nghiệp, điều tra cơ bản…).

Bày tỏ quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc thành lập cơ quan pháp quy hạt nhân là cần thiết, nhưng đây là cơ quan chưa có tiền lệ nên cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cân nhắc việc xây dựng chỉ 1 cơ quan pháp quy hạt nhân để thống nhất thực hiện. ĐB Phạm Văn Hòa cũng đồng tình với dự thảo khi áp dụng xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đây là nội dung quan trọng, nhưng theo ĐB cần "bó gọn" vào những nội dung cụ thể nào đó.
ĐB Phạm Văn Hòa nêu, xã hội hóa năng lượng nguyên tử như lò phản ứng hạt nhân, cái nào của nhà nước, cái nào xã hội hóa, nếu không rạch ròi sẽ có tác dụng ngược và quá trình thực hiện xã hội hóa cần minh bạch. ĐB cũng nhấn mạnh, nói đến năng lượng nguyên tử, nếu để sự cố xảy ra sẽ rất nghiêm trọng, nên các quy định bảo đảm an toàn các cơ sở làm giàu uranium cần đặc biệt quan tâm.

"Chúng ta có đủ khả năng thiết kế, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân, nếu không cũng có thể nhờ nước ngoài xây dựng cho an toàn. Vì vấn đề này chưa có tiền lệ, nên cần xem xét, tính toán kỹ", ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm và cho hay các địa điểm xây dựng cũng cần tính toán để xa khu dân cư, đảm bảo tính mạng an toàn cho người dân. Cùng với đó, ĐB Phạm Văn Hòa còn cho rằng, quá trình xây dựng dự thảo luật cần tương đồng, thống nhất với Luật Khoáng sản để tránh chồng chéo, đảm bảo sự phù hợp.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng chính sách của Nhà nước trong luật chưa xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, việc này có thể dẫn đến đầu tư dàn trải. ĐB đề nghị cần xác định lại các lĩnh vực ưu tiên trong lĩnh vực này, cùng với đó, có cơ chế kiểm tra chất phóng xạ và bổ sung điều khoản công bố, cập nhật ưu tiên đầu tư cho từng giai đoạn để làm căn cứ phân bổ ngân sách, ưu đãi thuế, khuyến khích xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Chia sẻ tại hội trường, ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cân nhắc bổ sung nguyên tắc "tổ chức, cá nhân làm phát sinh chất phóng xạ", để chủ thể có trách nhiệm tới cùng mà chất thải mình tạo ra, kể cả khi chuyển giao cho bên thứ ba cũng phải có trách nhiệm đối với chất thải phóng xạ.

"Để tránh thoái thác trách nhiệm, để nhà nước tránh lo hậu quả, tôi cũng đề nghị quy định rõ nội dung trước khi được cấp phép, tổ chức, cá nhân phải đưa ra được giải pháp xử lý chất thải đi kèm, buộc chủ thể sử dụng nguồn phóng xạ có trách nhiệm với việc làm của mình", ĐB Nguyễn Tâm Hùng đề nghị và cho rằng, trong dự thảo luật cũng quy định rõ tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải phóng xạ để tránh gây nguy cơ mất an ninh trật tự địa phương.
Giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết, điện hạt nhân hiện trở thành chiến lược quốc gia, được coi là điểm xanh, điểm nền. Theo xu hướng chung của quốc tế, điện hạt nhân chiếm 10-35% tổng điện quốc gia.
Sau thời kỳ thoái trào, điện hạt nhân trở lại như một chiến lược quốc gia, vì các nước đều muốn tự chủ năng lượng, trung hòa carbon, tái định vị công nghệ quốc gia… Công nghệ điện hạt nhân hiện nay ở thế hệ thứ 4 tương đối an toàn. Điện hạt nhân là đối tượng quan trọng nhất trong dự thảo luật, cả về phương diện phát triển, ứng dụng và an toàn, an ninh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc bảo đảm an toàn trong phát triển điện năng lượng hạt nhân và an toàn hạt nhân nói riêng sẽ do 1 cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hiện nay, Bộ KH-CN đã cử 1 đoàn để tham vấn IAEA, cơ bản IAEA đã kết luận các quy định về an toàn bức xạ, an toàn an ninh và kiểm soát hạt nhân của dự thảo luật đã đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn theo IAEA.
Bộ trưởng Bộ KH-CN cũng cho biết, việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, dự thảo luật đã thiết kế có chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; 1 chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy hạt nhân. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được ban soạn thảo tiếp thu tối đa để hoàn thiện luật.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dai-bieu-de-nghi-co-che-trach-nhiem-de-quan-ly-chat-thai-hat-nhan-post795319.html
Bình luận (0)