Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại học Bách khoa Hà Nội đưa công thức quy đổi điểm tuyển sinh năm 2025

TPO - Là một trong những cơ sở giáo dục đại học tổ chức kì thi riêng được nhiều trường đại học công nhận kết quả, trước quy định mới của Bộ GD&ĐT, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra công thức quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong30/03/2025

Điểm mới đáng lưu ý của Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 là Bộ GD&ĐT yêu cầu quy đổi các phương thức xét tuyển về thang điểm tương đương trong cùng một trường đại học.

 Đại học Bách khoa Hà Nội đưa công thức quy đổi điểm tuyển sinh năm 2025 ảnh 1

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại hội nghị tổng kết đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025 khối đại học, cao đẳng sư phạm sáng 29/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định những điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học nhằm tăng cường tính minh bạch, công bằng, đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh và nâng cao chất lượng tuyển sinh. Với các cơ sở đào tạo tổ chức các kì thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...), Bộ GD&ĐT yêu cầu công bố phổ điểm và xây dựng phương án quy đổi kết quả kì thi của mình với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trước mắt có thể công bố quy tắc quy đổi với kết quả điểm của năm 2024 để các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi này tham khảo, xây dựng quy tắc; công bố quy tắc quy đổi kết quả các kỳ thi riêng. Khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường cùng với Bộ GD&ĐT công bố quy tắc quy đổi chuẩn.

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong số các đại học tổ chức kì thi riêng (thi đánh giá tư duy) có số lượng thí sinh tham gia và số trường đại học lấy kết quả lớn nhất cả nước.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc quy đổi tương đương điểm giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển không đến nỗi quá rắc rối, khó hiểu. Thực chất, việc đưa ra công thức quy đổi tương đương điểm xét giữa các phương thức tuyển sinh sẽ giảm áp lực cho trường khi tránh phải cân nhắc phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức như trước đây.

Ông Điền cho biết, cần phân biệt hai khái niệm điểm xét tuyển và điểm thi thí sinh đạt được. Cùng một thí sinh nhưng mỗi phương thức lại có số điểm xét tuyển khác nhau dù điểm thi không thay đổi. Ví dụ, một thí sinh A thi tốt nghiệp THPT đạt 28 điểm (tổ hợp Toán điểm, Lí 9 điểm, Hóa 9 điểm), nhưng điểm xét tuyển của thí sinh này ở phương thức thi tốt nghiệp THPT của Đại học Bách khoa là (10 x 2 + 9 + 9) x 3/4 = 28,5 điểm, vì nhà trường yêu cầu môn Toán nhân hệ số 2 và đưa về thang điểm 30/30. Như vậy, rõ ràng điểm thi và điểm xét tuyển của thí sinh không giống nhau. Điểm xét tuyển ngoài điểm thi còn có điểm cộng ưu tiên, điểm khuyến khích, điểm thưởng. Một số trường sử dụng nhiều đầu điểm (thi đánh giá năng lực, học bạ, thi THPT, …) cho một phương thức thì công thức tính điểm xét sẽ phức tạp hơn.

Theo ông Điền, công thức quy đổi tương đương chỉ áp dụng cho điểm xét tuyển. Hệ quy chiếu trong việc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức mà đại học này sử dụng tuyển sinh năm 2025 là điểm thi tốt nghiệp THPT. Công thức tính toán là một phương trình bậc nhất y = ax + b. Trong đó, y là điểm quy đổi tương đương từ điểm xét của kết quả thi đánh giá tư duy (thang 100); x là điểm xét theo điểm thi THPT (thang 30); a, b là các hệ số quy đổi.

Điểm lưu ý ở đây là các hệ số a, b có giá trị hằng số trong một khoảng điểm xét do các trường quy định (nếu các trường áp dụng cách này). Thí sinh có điểm xét nằm trong khoảng nào thì sẽ tra cứu được hệ số a, b cụ thể để tính quy đổi. Giá trị hệ số a, b và số khoảng điểm trong một dải điểm được các trường tính toán và công bố (dạng bảng số) và thường dao động từ 3 - 4 khoảng nếu căn cứ theo phổ điểm thi các năm trước.

Theo ông Điền, việc xác định giá trị các hệ số quy đổi và chia khoảng phải căn cứ vào một số yếu tố: Thứ nhất, phổ điểm kết quả thi của thí sinh (thí dụ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 theo các tổ hợp xét tuyển); thứ hai, phương thức ưu tiên của trường (nguồn tuyển đầu dồi dào) và thứ ba, chất lượng tuyển của phương thức áp dụng (kết quả học tập đại học của sinh viên đã tuyển một số năm).

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ chia thành 4 khoảng điểm tính từ 20 điểm (ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của đại học này) đến 30 điểm đối với điểm thi tốt nghiệp THPT. Đối với điểm thi đánh giá tư duy, đại học này cũng chia tương tự bắt đầu từ điểm sàn đến điểm tuyệt đối. Hệ số a, b sẽ được xác định khi chính thức có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Với công thức này, ông Điền lưu ý các trường khi sử dụng cần xác định các hệ số quy đổi theo hướng công bằng nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT có thể giảm cơ hội trúng tuyển khi trường quá ưu tiên hệ số quy đổi cao cho các phương thức khác (thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế ,…).

Ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội, các cơ sở giáo dục đại học đang tổ chức các kì thi để xét tuyển đại học (Đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia) đều sẽ công bố quy tắc quy đổi tương đương sang hệ thống điểm xét dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT để các trường tham khảo, áp dụng.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý với Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trong hướng dẫn tuyển sinh 2025 cần bổ sung nguyên tắc quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh để tránh tình trạng mỗi trường một kiểu như hiện nay.

Nguồn: https://tienphong.vn/dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-dua-cong-thuc-quy-doi-diem-tuyen-sinh-nam-2025-post1729526.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm