Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Hải cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét việc tiếp cận đấu thầu những dự án cung cấp năng lượng sạch cho các trung tâm dữ liệu lớn đang được nhiều tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Amazon lên kế hoạch xây dựng tại hai bang Queretaro và Guanajuato. (Ảnh: NVCC) |
Là một người đang gắn bó với đất nước Bắc Mỹ xinh đẹp, từ góc độ địa bàn, Đại sứ “đo lường” như thế nào về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Mexico trong tiến trình chuyển đổi xanh?
Mexico quan tâm đến chuyển đổi xanh từ rất sớm với việc đề ra các mục tiêu giảm khí thải nhà kính vào năm 2009.
Trong nhiệm kỳ nắm quyền của mình (2018-2022), Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador (AMLO) khẳng định, cam kết của Mexico là giảm thiểu tới 30% lượng khí thải CO2 vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, nước này đã đưa ra 35 giải pháp giúp giảm thiểu tổng lượng khí thải CO2 hằng năm, ước tính giảm tới 88,9 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Về định hướng đối với doanh nghiệp, quốc gia Bắc Mỹ đã tiến hành sửa đổi Luật chung về biến đổi khí hậu (LGCC) vào năm 2018, mở đường cho sự ra đời của Hệ thống giao dịch khí thải (SCE), bắt đầu giai đoạn thí điểm vào năm 2020 và dự kiến hoạt động hoàn toàn vào năm 2024, với mục tiêu chính là khuyến khích giảm thiểu lượng khí thải nhà kính (GHG) vượt ngưỡng giới hạn trong ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình này diễn ra có chậm hơn so với dự kiến. Tín chỉ carbon ở thị trường Mexico hiện nay vẫn hoạt động theo hình thức tự nguyện. Hiện nay một số tập đoàn lớn ở Mexico như Bimbo, Cemex, Natura, Tajín, Walmart Mexico và Trung Mỹ, Unilever, Modelo, IKEA Mexico, Volkswagen, Intel đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ chuyển đổi xanh.
Đại sứ Nguyễn Văn Hải cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh (thứ 4, từ phải sang) thăm và làm việc tại bang San Luis Potosí từ ngày 20-21/3/2025. Thống đốc bang Jose Ricardo Gallardo Cardona (giữa) tiếp đoàn. (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh những cơ hội hợp tác, Mexico cũng đang đối mặt với không ít vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình chuyển đổi xanh như cân bằng lợi ích giữa các ngành công nghiệp truyền thống và lĩnh vực năng lượng tái tạo. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể rút kinh nghiệm và học hỏi gì từ phía bạn, thưa Đại sứ?
Có thể nói, 2025 là năm bản lề đối với đất nước Bắc Mỹ, khi thông qua các kế hoạch chiến lược, đặt nền móng cho việc triển khai những mục tiêu phát triển của giai đoạn 2 trong công cuộc chuyển đổi lần thứ tư, trong đó có Kế hoạch Mexico đầy tham vọng.
Tin liên quan |
Dư luận sở tại đánh giá cao những mục tiêu mà nữ Tổng thống Claudia Sheinbaum đặt ra nhằm đưa Mexico trở thành một trong 10 quốc gia phát triển nhất trong OECD, đảm bảo các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên, nước này phải vượt qua không ít thách thức như: Cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo sự bền vững về môi trường, nhất là tại các vùng cộng đồng người bản địa; chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhưng cần cân bằng lợi ích cho các công ty khai thác, kinh doanh năng lượng truyền thống…
Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi, cải cách mạnh mẽ về nhiều mặt để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi cho rằng các doanh nghiệp của chúng ta có thể học hỏi từ công cuộc chuyển đổi lần thứ 4 của Mexico những điều sau:
Thứ nhất, cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn với năng lực cạnh tranh về công nghệ và tiêu chuẩn xanh, bền vững trong trung hạn và dài hạn.
Thứ hai, cần ý chí và quyết tâm cao trong nghiên cứu, phát triển để tiến tới làm chủ công nghệ tiên tiến, nhất là những công nghệ về các loại pin năng lượng thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn....
Thứ ba, tập trung đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động xanh, kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao về năng lượng tái tạo, phát triển xanh.
Thứ tư, sớm áp dụng tiêu chuẩn ngưỡng phát thải CO2 và tham gia phát triển thị trường tín chỉ các bon để sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.
Đại sứ Nguyễn Văn Hải thăm và làm việc tại bang Zacatecas. Thống đốc David Monreal Ávila (giữa) tiếp đoàn. (Ảnh: NVCC) |
Nói rộng hơn, trong lộ trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đều là quốc gia thành viên P4G, Đại sứ cho rằng Việt Nam và Mexico có thể hợp tác “win-win” trong những lĩnh vực tiềm năng nào?
Mexico đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hướng đến sự phát triển xanh. Do đó, một trong những lĩnh vực mà chính quyền Tổng thống Claudia Sheinbaum ưu tiên triển khai là phát triển công nghiệp xe điện. Các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực về lĩnh vực này có thể xem xét hợp tác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xem xét việc tiếp cận đấu thầu những dự án cung cấp năng lượng sạch cho các trung tâm dữ liệu lớn đang được nhiều tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Amazon lên kế hoạch xây dựng tại hai bang Queretaro và Guanajuato.
Việc tìm kiếm cơ hội cũng như giới thiệu thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam phục vụ phát triển chuyển đổi xanh đã và sẽ là một trong những nội dung quan trọng của Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, đặc biệt là bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán, khi làm việc với cơ quan quản lý trung ương và địa phương cũng như với các doanh nghiệp Mexico.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Diễn đàn cấp cao Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Đến nay, Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Hỗ trợ của P4G cho các nước đối tác chủ yếu thông qua hình thức đối tác công - tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-van-hai-2025-la-nam-ban-le-doi-voi-mexico-309829.html
Bình luận (0)