Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bàn giao 1 máy laser Quang Đông; một máy đo khúc xạ và độ cong giác mạc tự động cầm tay cho Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam. (Nguồn: ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam) |
Tham dự buổi lễ có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki, Tùy viên nghiên cứu Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Saito Masafumi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam Phan Anh Phong và Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện Lê Thị Định.
Phát biểu tại lễ bàn giao, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho rằng đây là một cột mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực của Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam.
“Tôi hy vọng rằng thiết bị y tế được cung cấp thông qua dự án này sẽ không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng đối với những bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam mà còn giúp các bác sĩ của bệnh viện tiến hành khám sức khỏe định kỳ hiệu quả, phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ em, tạo điều kiện cho các em tập trung vào việc học tập", Đại sứ Ito Naoki chia sẻ.
Nhấn mạnh rằng Hà Nam là vùng đất có nhiều người dân thân thiện với Nhật Bản, bao gồm cả những người đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh, Đại sứ Ito Naoki mong rằng dự án này sẽ góp phần củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời là bước khởi đầu mới cho hợp tác giữa hai nước hướng tới tương lai.
Bác sĩ khám mắt cho học sinh trường THCS Liêm Chính, thành phố Phủ Lý bằng thiết bị do Nhật Bản tài trợ. (Nguồn: ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam) |
Dự án “Nâng cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam” cung cấp 1 thiết bị điều trị bệnh lý võng mạc bằng tia laser (thiết bị quang đông laser xanh) và 1 thiết bị đo khúc xạ cầm tay có thể sử dụng ngoài bệnh viện với tổng giá trị khoảng 73.600 USD (tương đương hơn 1,7 tỷ Đồng).
Các trang thiết bị được cung cấp dự kiến giúp Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam chẩn đoán và điều trị sớm cho khoảng 200 bệnh nhân mỗi năm, những người trước đây phải điều trị ở các thành phố lớn với chi phí cao, giúp ngăn ngừa tình trạng mù lòa và các biến chứng nghiêm trọng. Đồng thời, với thiết bị đo khúc xạ cầm tay, bệnh viện có thể chẩn đoán và điều trị chính xác cho khoảng 35.000 học sinh mỗi năm trong các đợt khám sàng lọc lưu động tại các trường học trong tỉnh.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki nghe giải thích về thiết bị. (Nguồn: ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam) |
Tại Việt Nam, tỷ lệ mù lòa do biến chứng võng mạc tiểu đường đã tăng gấp 8 lần trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2015, do số lượng người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng. Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam là trung tâm y tế chuyên khoa mắt khu vực, tiếp nhận khoảng 20.000 bệnh nhân mỗi năm, tập trung vào việc khám chữa bệnh lý võng mạc, đặc biệt là bệnh võng mạc tiểu đường, nguyên nhân gây mù hoặc giảm thị lực nghiêm trọng, và tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), chiếm khoảng 20% trẻ em trên toàn quốc.
Bệnh viện tiến hành khám sàng lọc cho tất cả bệnh nhân tiểu đường trong tỉnh và tiếp nhận những bệnh nhân mới có triệu chứng nặng, tuy nhiên, việc khám chữa bệnh chỉ dừng lại ở siêu âm và chụp ảnh võng mạc, những bệnh nhân nặng phải chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa ở trung tâm thành phố để điều trị, dẫn đến chi phí điều trị cao.
Đối với tật khúc xạ, đội ngũ y tế được đào tạo chuyên nghiệp của bệnh viện tiến hành khám sàng lọc hai lần mỗi năm cho 100.000 học sinh (từ 6 đến dưới 18 tuổi) trong toàn tỉnh, tuy nhiên, với hai thiết bị cầm tay hiện có, bệnh viện không thể kiểm tra chính xác cho tất cả học sinh, dẫn đến việc bỏ sót những trường hợp bất thường.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-quan-nhat-ban-ban-giao-thiet-bi-y-te-cho-benh-vien-mat-tinh-ha-nam-314352.html
Bình luận (0)