LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Đó còn là bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học chớp thời cơ chiến lược
Tháng 4/1973, Quân ủy Trung ương đã thành lập Tổ Trung tâm thuộc Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị Kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 21 (tháng 7/1973) xác định con đường cách mạng ở miền Nam vẫn tiếp tục là con đường bạo lực. Trên cơ sở bản Kế hoạch chiến lược của Bộ Tổng tham mưu, trải qua quá trình vừa tấn công địch, vừa thăm dò tình hình thế giới, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9/1974 khẳng định quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Và đặc biệt là Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối năm 1974 đầu năm 1975, khi tình hình đã rõ hơn, có nhận định vô cùng sáng suốt: Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đưa ra quyết định lịch sử: “…gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”. Đây chính là cội nguồn, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN
Bài học nhận định, nắm bắt thời cơ chiến lược tiếp tục được vận dụng sáng tạo, góp phần quyết định giúp cho Đảng ta lãnh đạo đất nước vượt qua những thử thách sống còn, giành được những thắng lợi có tính chất lịch sử.
Quyết định phát động công cuộc Đổi mới vào năm 1986 (Đại hội Đảng lần thứ VI) là một quyết sách chiến lược đã đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên đổi mới và phát triển, vượt qua khủng hoảng trầm trọng, ngày càng vững bước tiến lên.
Nhờ đó mà sau gần 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta, của chế độ ta vững mạnh hơn bao giờ hết, sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên phát triển mới.
Giờ đây, trước thềm Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đất nước ta lại đang đứng trước thời cơ chiến lược mới với những thách thức mới. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng tăng tốc và cuộc cách mạng công nghiệp mới như vũ bão đã và đang đưa lại cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước những nguồn lực và vận hội mới. Song, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới cũng đặt ra nhiều thách thức hiểm nghèo chưa từng có.
Đặc biệt nghiêm trọng là nguy cơ tụt hậu về trình độ phát triển, trở nên lệ thuộc nước ngoài về khoa học và công nghệ. Biến đổi khí hậu toàn cầu có thể đặt một số vùng của nước ta trước nguy cơ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn khó bề khắc phục. Làn sóng xâm thực văn hóa và quá trình chuyển đổi số với AI và IoT có thể làm biến dạng lối sống và xói mòn hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bệnh dịch, như đại dịch Covid-19 chẳng hạn, có thể gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn…
Trong bối cảnh đó, bài học về sự phân tích khoa học, về tầm nhìn và bản lĩnh chớp thời cơ chiến lược của Đại thắng mùa Xuân 1975 càng có giá trị thiết thực.
Thực tế là, giống như 50 năm trước, đất nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam không có lựa chọn nào khác, không có chỗ tạm dừng hay lùi bước mà chỉ có lựa chọn duy nhất là cả quyết xông vào dòng thác lũ của thời đại, chấp nhận thách thức lịch sử. Do đó, chúng ta cần “biến nguy thành cơ”, phát huy cao độ ý chí và khát vọng của dân tộc để chiếm lấy những lợi thế, vượt qua trở ngại để tiến bước.
Đây chính là điều Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh: Chúng ta đã có đủ điều kiện cần thiết và chúng ta cũng không thể chậm trễ, phải làm ngay những việc cần làm với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trước hết là triệt để chống tham nhũng, lãng phí và tiến hành nhanh chóng, đồng bộ cuộc cách mạng tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống lãnh đạo, vận hành và quản trị quốc gia. Đó là những công việc có ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược, mở đường để toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Sáng tạo, mưu lược trong chỉ đạo chiến lược
Bài học quý báu thứ hai mà Đại thắng mùa Xuân năm 1975 để lại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay là bài học về sự sáng tạo và mưu lược trong chỉ đạo chiến lược.
Người xưa từng nói, để giành thắng lợi trong chiến tranh thì “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần đánh, người giỏi đánh thì không thua...”.
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là minh chứng tiêu biểu nhất của tài nghệ cầm quân xuất chúng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Cả nước cùng ra trận, tập trung toàn bộ các nguồn lực để tạo thành xung lực tổng hợp như Phù Đổng vươn mình.
Lần đầu tiên, sự chỉ huy tác chiến hợp đồng các binh chủng, các quân đoàn, các mặt trận được thống nhất và nhịp nhàng và vô cùng hiệu quả. Sau các đòn tấn công quân sự và ngoại giao thăm dò là đòn tấn công điểm trúng yếu huyệt của đối phương ở Buôn Mê Thuột, đẩy quân địch ra khỏi Tây Nguyên, mở ra thế trận mới. Tiếp đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng tiến tới giải phóng hoàn toàn dải đất miền Trung bằng những đòn tấn công quyết liệt, đánh bại các nỗ lực phòng ngự và làm tan rã tinh thần và ý chí của đối phương.
Thế trận thuận lợi đã mở ra cho chiến dịch cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh với phương châm: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến! Toàn thắng!”.
Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay cũng đặt ra yêu cầu rất cao về tính sáng tạo và mưu lược đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng và nước ta.
Đương nhiên, sự sáng tạo và mưu lược đó không có sẵn trong sách vở nào, cũng không chỉ dựa được vào sự già dặn của tích lũy kinh nghiệm và óc thông minh hay tài trí cá nhân. Đó phải là thành tựu của sự lãnh đạo tập thể, trước hết là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng. Nhưng cũng cần phải phát huy trí tuệ, tham mưu của đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và của toàn thể nhân dân.
Sự sáng tạo và mưu lược trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và văn minh trí tuệ lại càng phải dựa vào những kết quả nghiên cứu, phân tích thực sự khách quan, khoa học của các cơ quan và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp cũng như những sáng kiến phong phú của nhân dân.
Hiện nay và trong tương lai, sự cạnh tranh phát triển khốc liệt nhất giữa các quốc gia, các nền kinh tế, các tập đoàn và các công ty chính là cạnh tranh về tốc độ đổi mới tri thức, tốc độ rút ngắn vòng đời công nghệ. Và tựu trung lại, đó là mức độ tích hợp văn hóa và hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm kinh tế và văn hóa.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã kịp thời ban hành các kết luận số 91 và số 57 của Bộ Chính trị, xác định rất chính xác và mạnh mẽ: khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu; phát triển văn hóa, nhất là công nghiệp văn hóa phải tạo bước đột phá để văn hóa trở thành một nguồn lực phát triển trực tiếp; gắn phát triển văn hóa với phát triển con người để văn hóa thực sự đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội.
Khơi dậy hào khí dân tộc nghìn năm
Bài học vô giá thứ ba là bài học về phát huy cao độ hào khí dân tộc trên nguyên tắc đặt đại nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia lên trên hết.
Lịch sử đã cho thấy, trước những khúc quanh, trong những thời khắc quyết định, nếu hào khí dân tộc được phát huy, đại nghĩa dân tộc được giương cao thì nhất định dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách và lập được những kỳ công hiển hách.
"Trong bối cảnh mới, hào khí dân tộc càng đang rất cần được khơi dậy và phát huy". Ảnh minh họa: Bùi Quang Thụy
Những trang sử vàng của dân tộc đã từng ghi đậm nét những thời khắc như vậy. Đó là lúc bài thơ “Nam quốc sơn hà” vang lên khi cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075 đến hồi quyết liệt. Đó là khi các bô lão cùng thét vang một từ “Đánh” tại Hội nghị Diên Hồng năm 1284 - “muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng” - để đáp lại lời vua Trần Nhân Tông hỏi về việc ứng phó với giặc Nguyên Mông. Đó cũng là lúc toàn dân ta đồng loạt vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” theo lời hiệu triệu của Đảng và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mùa Thu năm 1945.
Mùa Xuân năm 1975, cả nước ta đã nhất tề vào trận với khí thế hào hùng và với quyết tâm như ý chí dân tộc nghìn năm hội tụ.
Trong bối cảnh mới, khi toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, sẵn sàng chấp nhận những thách thức sống còn của thời đại, hào khí dân tộc càng rất cần được khơi dậy và phát huy. Điều này là để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, phát triển bền vững.
Nói đến hào khí dân tộc, người ta rất dễ cho rằng đó chỉ đơn thuần là sự bột phát của tình cảm dân tộc. Lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng ta cho thấy thực tế không chỉ là như vậy.
Hào khí dân tộc là tình cảm nhưng còn là niềm tin duy lý. Khi được khơi dậy và phát huy, nó mới có đủ sức bền, đủ sức mạnh để trở thành lý tưởng và ý chí của toàn dân. Cốt lõi của niềm tin duy lý đó chính là sự kiểm chứng thực tế nguyên tắc chính trị của Đảng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác” .
50 năm đã trôi qua. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Võ công hiển hách đó không chỉ mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc mà còn luôn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên những chặng đường cách mạng mới.
GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển)
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/dai-thang-mua-xuan-1975-va-bai-hoc-khoi-day-hao-khi-dan-toc-trong-ky-nguyen-moi-2379532.html
Bình luận (0)