Thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) trở thành thôn thông minh đầu tiên theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của tỉnh Đắk Nông.
Mô hình thôn thông minh mang lại nhiều tiện ích thiết thực, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, được người dân ghi nhận với tỷ lệ hài lòng đạt 99%.
.jpg)
Đến nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng số của thôn 3, xã Tâm Thắng khá đồng bộ. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng thông rộng, cáp quang, 4G đạt 160/162 hộ.
Hiện có 498/524 người dân trưởng thành của thôn sở hữu điện thoại thông minh đã được cài đặt ứng dụng DakNong-C, đạt tỷ lệ 95%.
Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, thực hiện mục tiêu xã NTM kiểu mẫu về chuyển đổi số, xã đã đạt nhiều thành quả quan trọng.
Tỷ lệ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt hơn 60%; văn bản được ký số (trừ văn bản mật) đạt 100% và trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử trên môi trường mạng.
.jpg)
Cũng theo ông Quang, tất cả các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã đều được đưa lên sàn thương mại điện tử. Trên địa bàn xã có 90% thôn, buôn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động thường xuyên.
Xã có hơn 60% hộ sản xuất, kinh doanh sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại các khu dân cư, tuyến đường trục chính của xã, thôn hoạt động hiệu quả.
Ông Quang cho biết: “Hiện đa số cán bộ thôn đều biết ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền. Xã thực hiện hiệu quả mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, an toàn giao thông...”.
Còn tại các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô… nhiều nông hộ, chủ thể, hợp tác xã (HTX) đã ứng dụng hiệu quả việc chuyển đổi số cho các sản phẩm nông sản tham gia OCOP.
.jpg)
Quá trình chuyển đổi số còn tạo cơ hội cho các HTX ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Nhiều HTX xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm của mình, tạo mã QR, tạo mã ViettelPay để khách hàng mua sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt. HTX còn thiết kế logo, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng các website bán hàng.
.jpg)
Năm 2024, Đắk Nông đã hoàn thành 100% việc thành lập tổ chuyển đổi số ở cấp xã, thôn. Cụ thể đã có 71/71 xã, phường, thị trấn thành lập tổ công nghệ cộng đồng; 713/713 tổ công nghệ số cấp thôn với 4.078 thành viên là cán bộ ban tự quản và các hội đoàn thể. Toàn tỉnh đã có 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR code...
Đến nay, Đắk Nông có 45/60 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt kế hoạch 5 năm do Trung ương giao.
Ở cấp huyện, TP. Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2020; các huyện còn lại như Đắk R’lấp, Cư Jút và Đắk Mil đã có 100% xã đạt chuẩn NTM và cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, hiện nay tỉnh mới chỉ có một thôn đạt chuẩn NTM thông minh.
Do đó, các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cần xem mình là đầu tàu trong chuyển đổi số, quản trị số và phát triển kinh tế số nông thôn.
.jpg)
Phát triển nông thôn thông minh sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh nhà. Hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Từ đó, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị dần được thu hẹp, an ninh – trật tự được bảo đảm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-huong-den-nong-thon-moi-thong-minh-252946.html
Bình luận (0)