Bảo đảm điều kiện để khởi công dự án cụm số 2
Cụm Đắk Nông 2 là 1 trong 4 cụm được quy hoạch khai thác, chế biến bô xít tại Đắk Nông theo quy hoạch tỉnh.
Phát biểu tại buổi thực địa cụm Đắk Nông 2 vào ngày 27/2/2025, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh chỉ đạo, từ tỉnh đến huyện, xã phải vào cuộc với tinh thần quyết tâm, quyết liệt để cấp chủ trương khởi công nhà máy trước ngày 30/4/2025. Đây sẽ là tiền đề, cơ sở để cấp chủ trương cho những cụm tiếp theo.
Mỏ nguyên liệu phục vụ dự án cụm 2 gồm 4 khu: Quảng Sơn; Đông Bắc 1/5; trung tâm 1/5; Tây Nam 1/5. Vị trí của nhà máy nằm trong quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg.
Căn cứ theo quy định, chỉ tiêu sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản tại đây đã được tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện Đắk Glong.
Cụm 2 đã được khoanh định vị trí định hướng thực hiện Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 thuộc tổ hợp Dự án khai thác và chế biến bô xít - alumin Đắk Nông 2 trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Trên cơ sở hồ sơ đề xuất thực hiện dự án của nhà đầu tư, vị trí đề xuất thực hiện dự án (gồm khu vực nhà máy tuyển quặng và nhà máy alumin) hoàn toàn phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của Đắk Glong.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần thông tin, hiện tại, nguồn gốc sử dụng đất của khu vực vị trí đề xuất thực hiện dự án hoàn toàn đúng quy định. Trong đó, một phần diện tích đã được UBND tỉnh Đắk Lắk trước đây thu hồi giao về địa phương từ năm 2002.
Một phần diện tích đã được UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi của Lâm trường Quảng Sơn (cũ) nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn bàn giao cho UBND huyện Đắk Glong quản lý và bố trí sử dụng từ năm 2022.
Khu vực đề xuất thực hiện dự án có hiện trạng chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp. Phần lớn là đất trồng cây với khoảng 108ha và một số diện tích đất trồng cây hàng năm với khoảng 22ha.
Diện tích nêu trên đã được người dân canh tác ổn định từ lâu và có khoảng hơn 60 căn nhà do các hộ dân đã xây dựng để sinh sống và canh tác, với số lượng khoảng 250 nhân khẩu, có thể bị ảnh hưởng phải di dời khi triển khai thực hiện dự án.
Hiện tại, UBND xã Quảng Sơn cũng đã bố trí và cập nhật Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 vào quy hoạch chung xây dựng xã Quảng Sơn.
“Huyện quy hoạch sẵn 2 khu tái định cư, với khoảng 45ha, để phục vụ thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn”, ông Thuần cho biết.
Cụm Đắk Nông 2 hiện có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và 1 nhà đầu tư đề nghị thực hiện khảo sát. Vị trí dự án tại xã Quảng Sơn, với tổng diện tích 436,8ha (giai đoạn đến năm 2030). Trong đó, khu vực nhà máy 137ha; các hạng mục hồ nước, hồ thải quặng đuôi, hồ thải bùn đỏ 299,8ha.
Khẩn trương cấp chủ trương đầu tư
Theo Quyết định số 866 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông được quy hoạch 5 cụm mỏ khoáng sản bô xít.
Đó là, cụm Nhân Cơ (đã đầu tư và đang vận hành) và các cụm mỏ số 2, 3, 4, 5. Trong đó, đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến bô xít cho các cụm mỏ số 2, 3, 4, 5 (1 nhà máy/cụm mỏ).
Tại quy hoạch chung tỉnh Đắk Nông đã tích hợp quy hoạch xây dựng 4 dự án nhà máy alumin để chế biến quặng bô xít tại các cụm mỏ số 2, 3, 4, 5.
Cụ thể: Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 2 (Đắk Glong); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 3 (Đắk Song); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 4 (Tuy Đức); Dự án Nhà máy Alumin Đắk Nông 5 (Đắk Glong).
Đắk Nông hiện đã thống nhất cho chủ trương đầu tư các dự án tổ hợp nhà máy chế biến quặng bô xít thuộc các cụm mỏ 2, 3, 4, 5 bảo đảm phù hợp với Quyết định 866, đúng quy định pháp luật.
Riêng cụm mỏ 1 (tổ hợp alumin Nhân Cơ hiện hữu), Đắk Nông đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai các thủ tục, hồ sơ, quy trình để đầu tư nâng công suất của tổ hợp alumin Nhân Cơ từ 0,65 triệu tấn alumin/năm lên thành 2 triệu tấn alumin/năm.
Tại cụm mỏ số 3, đến nay cũng có 2 doanh nghiệp đề xuất tại 2 vị trí khác nhau. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Vị trí xây dựng nhà máy tại xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (Đắk Song), với tổng diện tích 465 ha.
Giai đoạn đến năm 2030 là 272ha, giai đoạn sau năm 2030 là 193 ha. Vị trí nằm ngoài quy hoạch khoáng sản bô xít theo Quyết định số 866/QĐ-TTg.
Tại đây, Tổng Công ty Đông Bắc cũng đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Vị trí xây dựng nhà máy tại xã Đắk N’Drung và Nâm N’Jang (Đắk Song), với tổng diện tích 1.315ha.
Giai đoạn đến năm 2030 là 820ha, giai đoạn sau năm 2030 là 495ha. Vị trí nằm trong quy hoạch khoáng sản bô xít theo Quyết định số 866/QĐ-TTg.
Tương tự, tại cụm số 4 thuộc địa bàn huyện Tuy Đức, theo Quyết định số 1757/QĐ-TTg, ngày 31/12/2023 sẽ được đầu tư xây dựng 1 nhà máy để khai thác, chế biến bô xít.
Hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã đề xuất xây dựng nhà máy tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức), với tổng diện tích khoảng 96 ha.
Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 khoảng 96ha. Vị trí nằm trong quy hoạch khoáng sản bô xít theo Quyết định số 866/QĐ-TTg…
Tại các cụm mỏ bô xít của Đắk Nông hiện đã có 6 doanh nghiệp được tỉnh thống nhất chủ trương cho khảo sát, đánh giá đề xuất đầu tư khai thác, chế biến.
Đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương; Công ty TNHH Khai khoáng Việt Nam; Liên danh Thiên Đức – Khánh An – Gang thép Tuyên Quang; Công ty Cổ phần Tập đoàn TH; Tổng Công ty Đông Bắc; Công ty Cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang.
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ tháng 3/2025, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh yêu cầu, trên cơ sở quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đã được Chính phủ phê duyệt, Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai các vấn đề liên quan trong việc cấp chủ trương đầu tư dự án bô xít trong thời gian sớm nhất. Các dự án phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế của địa phương.
Theo Quyết định số 866 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích quy hoạch khai thác khoáng sản bô xít ở Đắk Nông đến năm 2030 là hơn 173.000ha; chiếm gần 28% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.
Bình đẳng giữa các nhà đầu tư
UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên thông tin, tất cả nhà đầu tư triển khai dự án bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ được ứng xử bình đẳng như nhau.
Quá trình lựa chọn nhà đầu tư luôn được khách quan, gắn với công nghệ, hiệu quả, năng lực tài chính. Các dự án bô xít cũng sẽ được thực hiện theo một số luật về doanh nghiệp, đấu giá, đầu tư, đấu thầu, đất đai, khoáng sản, môi trường...
Nếu các dự án nằm trong quy hoạch thì ứng xử theo Luật Đất đai. Còn ngoài quy hoạch thì muốn xây dựng được các nhà máy thì quota phải xác định đến năm 2025.
“Chủ trương đầu tư phải bảo đảm 3 điều kiện, đó là: Quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng. Các quy hoạch cấp dưới để cập nhật, điều chỉnh cho đồng bộ các quy hoạch này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên khẳng định.
Để bảo đảm tiến độ triển khai, Đắk Nông báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm rà soát khoanh định khu vực không đấu giá các mỏ bô xít được nêu tại Quyết định số 866.
Tỉnh đẩy nhanh việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ bô xít thuộc khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là điều kiện để thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ bô xít theo quy định.
Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc điều tra cơ bản về địa chất; hồ sơ phê duyệt, đánh giá về trữ lượng bô xít trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, hướng dẫn các vấn đề liên quan như: đấu giá hay không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, việc cấp phép khai thác mỏ và việc hoàn trả tiền sử dụng thông tin về khoáng sản bô xít.
Đắk Nông báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin – nhôm.
Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực tập trung hỗ trợ, đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng; phát triển các tổ hợp bô xít - alumin - nhôm theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Tại Hội nghị công bố quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông vào đầu tháng 3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh tới nội dung triển khai các dự án bô xít tại Đắk Nông.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, bô xít được coi là "hoa hậu" nhưng chọn nhà đầu tư không đúng thì lại đắp chăn, đắp chiếu. Do đó, Đắk Nông cần chọn nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm, tổ chức quản lý thực hiện chuyên nghiệp…
Được biết, tại các cụm mỏ của Đắk Nông hiện có 5 doanh nghiệp đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Các dự án đang xin chủ trương đầu tư đều tập trung vào chế biến sâu khoáng sản bô xít và tối thiểu phải cho ra sản phẩm alumin.
Công nghệ chế biến alumin, luyện nhôm và các sản phẩm sau nhôm của các dự án đều tiên tiến, trang thiết bị hiện đại. Trong đó, công nghệ xử lý bùn đỏ sẽ được áp dụng phương pháp thải khô.
Đắk Nông đang khẩn trương thực hiện các trình tự, thủ tục để cấp phép chủ trương đầu tư cho các dự án khai thác bô xít, chế biến alumin trên địa bàn trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-san-sang-chap-thuan-dau-tu-cum-bo-xit-2-248364.html
Bình luận (0)