Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia phát biểu khai mạc Phiên họp thứ nhất. (Ảnh: DUY LINH) |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan. Đây là phiên họp đầu tiên, để định hướng toàn diện, xuyên suốt cho công tác tổ chức cuộc bầu cử thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác bầu cử có phạm vi cả nước, khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, do đó phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt; bên cạnh đó, phải thiết lập cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Hội đồng Bầu cử quốc gia với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, Chính quyền địa phương các cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm đối với công tác bầu cử thực chất, hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền trước, trong và sau bầu cử, “nhất là tuyên truyền nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử, tuyên truyền cả trong nước và nước ngoài”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần chủ động đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc, xuyên tạc về cuộc bầu cử, bảo vệ môi trường thông tin trong sạch nhất là thông tin trên mạng xã hội. Công tác nhân sự chặt triển khai chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ đại diện hợp lý…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập triển khai từ năm 2015, đến nay đã trải qua 10 năm và 2 kỳ bầu cử.
Hội đồng Bầu cử quốc gia biểu quyết thông qua về nguyên tắc các dự thảo. (Ảnh: DUY LINH) |
“Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Được biết, trên cơ sở Chỉ thị số 46 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, so với khóa trước, lần này Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị sớm hơn 1 tháng.
Đây là cơ sở cần thiết, quan trọng để Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; đồng thời bầu Chủ tịch, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, các ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Quốc hội thông qua các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền 2 cấp đã đi vào hoạt động từ 1/7…
Tại phiên họp thứ nhất, để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 diễn ra vào ngày 15/3/2026, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ thảo luận, cho ý kiến và thông qua một số tờ trình dự thảo.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia cho ý kiến nhằm góp phần định hình phương thức hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia, xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan hữu quan nhằm bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả trong suốt quá trình tổ chức cuộc bầu cử.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá cao các cơ quan tham mưu giúp việc của Hội đồng trong thời gian ngắn đã kịp thời chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các văn bản trình tại phiên họp thứ nhất. Thống nhất cao với nhiều nội dung trong các dự thảo, các đại biểu chỉ rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên các địa phương vận hành mô hình chính quyền 2 cấp.
Trước tình hình đó, các văn bản hướng dẫn cần được thực hiện sớm; có kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể; rà soát các thành viên tham gia để bảo đảm hiệu quả; đồng bộ các địa bàn giám sát; làm rõ vai của cá nhân trong thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia với các cơ quan chuyên môn để không bị trùng lặp với các tiểu ban; ứng dụng VneID vào công tác bầu cử; sớm công bố các mốc thời gian.
Ghi nhận và đồng tình với những ý kiến đóng góp của các thành viên, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau hội nghị này, Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ có văn bản chính thức để gửi về các cơ quan.
Chung quanh mốc thời gian thực hiện các bước, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ có điều chỉnh lịch chính thức; thống nhất các đồng chí Bộ Chính trị là thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia được phân công chỉ đạo từ nay đến Đại hội Đảng lần thứ XIV ở địa bàn được phân công gắn với nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, với kỳ bầu cử này khác với những lần trước về bộ máy chính quyền, do đó bối cảnh công tác, chỉ đạo, cũng phải cập nhật phù hợp tình hình thực tế để chỉ đạo thành công.
Quang cảnh Phiên họp thứ nhất tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH) |
Các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá cao các cơ quan tham mưu giúp việc đã kịp thời chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các văn bản trình tại phiên họp thứ nhất.
Thống nhất cao với nhiều nội dung trong các dự thảo, các đại biểu chỉ rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên các địa phương vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, do đó phải có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ về công tác chỉ đạo để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công.
Các đại biểu đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền sát dân hơn nữa, kết hợp xây và chống, kiên quyết, chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; quan tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chú ý công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại…
Chung quanh các nội dung được quan tâm, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với các ý kiến của thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia và nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác bầu cử…
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/dan-chu-ky-cuong-minh-bach-tuan-thu-phap-luat-trong-cong-tac-bau-cu-155479.html
Bình luận (0)