Xì ón là tiếng dân tộc, chỉ một chiếc bánh mềm dẻo, tròn trịa, đầy đặn. Cái tên như nói thay dáng hình chiếc bánh nhỏ nhắn, tròn đầy, mang theo tinh thần gắn bó và mong ước viên mãn trong đời sống người Tày, Nùng. Theo lời kể của người dân, bánh “xì ón” không biết có từ bao giờ, chỉ biết đây là món bánh đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, vất vả, người dân đã sáng tạo ra món bánh này để “đãi” khách vào những dịp như cưới hỏi, lễ, tết. Giờ đây, khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều người đã làm bánh này để bán hằng ngày, phục vụ nhu cầu của nhiều khách hàng.
Khác với các loại bánh khác như: bánh gai, bánh rợm…, bánh xì ón mang nét riêng từ nguyên liệu đến cách gói. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp, đỗ xanh, đỗ trắng hoặc muối lạc. Đặc biệt, bánh được gói trong lá chuối, đây cũng là bí quyết để bánh luôn thơm và giữ được độ dẻo của bánh lâu nhất.
Để tìm hiểu rõ hơn về cách làm bánh xì ón, chúng tôi có dịp đến nhà bà Hoàng Thị Đồng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm bánh xì ón chia sẻ: Từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ và bà dạy cho cách làm các loại bánh truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng, cho đến giờ, tôi vẫn gìn giữ và mưu sinh bằng nghề làm bánh. Khác với các loại bánh khác, để làm được chiếc bánh xì ón thơm ngon, đậm vị, người làm bánh phải tỉ mỉ từ chọn gạo nếp cho đến gói bánh. Gạo nếp thường được tôi chọn là loại nếp cái hoa vàng Tràng Định, hạt tròn, to đều thì khi hoàn thành, bánh mới dẻo, thơm.
Bà Đồng kể thêm, công đoạn làm bánh đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn thận. “Đầu tiên, gạo nếp phải vo sạch, ngâm khoảng 8 tiếng, sau đó, để ráo nước và đem lên đồ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Khi gạo đã chín, thì đổ ra và giã luôn, nếu để nguội giã sẽ không thành bánh. Trước kia, tôi thường giã bánh thủ công bằng tay, mỗi lần giã mất khoảng nửa tiếng rất mất nhiều sức. Khoảng 5 năm trở lại đây, tôi đầu tư máy giã, rút ngắn được thời gian xuống còn 15 phút. Công đoạn làm nhân bánh cũng cần rất cẩn thận. Đỗ xanh, đỗ trắng phải ngâm 4 tiếng, đãi sạch vỏ, hấp chín rồi giã nhuyễn và đảo mỡ hành mới thơm. Ngoài ra, theo nhu cầu của khách, tôi làm thêm cả nhân lạc vừng để chấm. Lá chuối cũng phải rửa sạch, lau khô từng chiếc một. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 100 đến 120 chiếc bánh, với giá từ 4 đến 5 nghìn đồng/chiếc, đem lại cho gia đình thu nhập khoảng 400 nghìn đồng/ngày.”
Sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn, người làm bánh sử dụng bột để nặn thành hình vỏ sò rồi cho nhân vào giữa và vo tròn lại. Những chiếc bánh xì ón trắng trong màu của gạo, kết hợp vị ngọt thơm, đậm đà của nhân bánh là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu tạo nên một món bánh độc đáo, mang hương vị riêng.
Bà Hoàng Thị Chi, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Có dịp được ăn thử món bánh xì ón vào đầu tháng 1/2025 do bà Hoàng Thị Đồng làm, tôi cảm thấy đây là món bánh rất ngon và thân thuộc, không bị ngấy sau khi ăn như những món bánh khác. Cả người lớn và trẻ nhỏ trong gia đình ai cũng tấm tắc khen ngon. Sau khi thưởng thức món bánh xì ón, cứ mỗi dịp gia đình có cỗ, giỗ chạp tôi lại đặt từ 30 đến 50 chiếc bánh để gia đình và khách cùng thưởng thức.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có khoảng 10 hộ làm bánh xì ón. Không chỉ là món ăn truyền thống, hiện nay, bánh xì ón cũng được nhiều khách hàng ngoài tỉnh ưa chuộng và tìm mua. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, du khách đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ cảm nhận sau khi được thưởng thức bánh: Năm 2025, tôi có dịp lên Lạng Sơn công tác, sau khi được thưởng thức nhiều món đặc sản, tôi đặc biệt ấn tượng với món bánh xì ón. Với tên gọi độc đáo cùng mùi vị dẻo thơm, không bị ngấy, quan trọng hơn là cảm giác ấm lòng, như đang được chia sẻ một phần văn hóa của người dân tộc Tày, Nùng. Kể từ đó, cứ thỉnh thoảng ,tôi lại nhờ người nhà trên Lạng Sơn đặt mua mấy chục chiếc bánh về ăn và làm quà biếu.
Trong dòng chảy của hiện đại, khi nhiều nét văn hóa đang dần mai một, thì nhiều người dân vẫn đang duy trì, gìn giữ món bánh truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Không chỉ góp mặt trong mâm cỗ mà còn hiện diện trong các hội thi ẩm thực, các sự kiện văn hóa như một cách để người Tày, Nùng kể câu chuyện của mình một cách thân quen nhất. Đôi tay khéo léo, sự tỉ mẩn trong từng khâu chọn nguyên liệu của người dân đã tạo ra món bánh độc đáo, mang đậm hương vị quê nhà. Và có lẽ, chính cái dư vị thơm nồng, dân dã, đậm chất quê ấy đã để lại ấn tượng khó quên cho những ai đã từng được thưởng thức món bánh xì ón này.
Nguồn: https://baolangson.vn/dan-da-banh-xi-on-xu-lang-5047489.html
Bình luận (0)