Vì sao nên uống trà trong tiết Cốc Vũ?
Tiết Cốc Vũ là tiết khí thứ 6 trong 24 tiết khí của năm, báo hiệu mùa mưa bắt đầu và thời tiết ẩm ướt hơn. Đây là thời điểm dễ sinh ra ‘thấp nhiệt’ – biểu hiện là người mệt mỏi, da dễ nổi mẩn, mất ngủ, dễ sinh bệnh vì sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, tiết Cốc Vũ nên uống các loại trà thanh mát, lợi tiểu như trà xanh hay các loại trà atiso, trà hoa cúc, trà lá sen… có thể giúp điều hòa khí huyết và hỗ trợ đào thải độc tố.
Thời điểm tiết Cốc Vũ, trà thu hoạch cũng là ngon nhất. Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ: "Thanh Minh nhìn mầm, Cốc Vũ nhìn trà". Nghĩa là, cây trà khi ở giai đoạn đầu Xuân của tiết Thanh Minh mới chỉ mọc búp non. Lá trà hái vào khoảng thời gian này, búp trà còn nhỏ, sản lượng thấp. Vào thời điểm tiết khí Cốc Vũ, búp non đã mọc thành lá xanh tươi, tiện cho hái và chế biến, loại trà này được gọi là "Vũ Tiền Trà".
Ảnh minh họa
Uống trà đúng cách trong tiết Cốc Vũ không chỉ thanh nhiệt, làm sáng mắt mà còn giúp trừ tà. Nếu uống một cách có chừng mực, trà sẽ kích thích duy trì sự tỉnh táo, nâng cao hiệu quả học tập và năng suất làm việc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, trong trà có chứa chất oxi hóa – nhóm hỗ trợ đắc lực hoạt động ngăn chặn tác nhân gây lão hóa, tham gia bảo vệ tim mạch.
Theo BSCKI. Dương Ngọc Vân (BVĐK Medlatec), việc uống trà đều đặn sẽ giúp cơ thể kiểm soát cân nặng, giảm tình trạng tích lũy mỡ thừa. Ngày nay, trong nhiều sản phẩm trà giảm cân, phía nhà sản xuất đều bổ sung thêm trà xanh hoặc các loại trà khác.
Tuy vậy, dù trà tốt nhưng không nên dùng trà thay nước. Thay vào đó, bạn hãy trung bình 2 - 3 ly trà hàng ngày, liều lượng không quá 710ml. Khi bụng đang đói không nên uống nhiều trà vì dễ khiến cho cơ thể nôn nao, cồn cào, chóng mặt.
Lưu ý khi pha trà để thơm ngon
Không chỉ là thức uống truyền thống, trà khi pha đúng cách còn giữ được toàn bộ dưỡng chất quý giá. Dưới đây là một số nguyên tắc quan trọng khi pha trà:
+ Nguồn nước quyết định và ảnh hưởng đến 70% hương vị trà nên để đảm bảo tốt nhất hương vị của trà, bạn chỉ nên sử dụng nước tinh khiết đun sôi. Cần tránh dùng các loại nước không tinh khiết, chưa được xử lý hoặc nhiễm phèn, nhiễm mặn, clo khi pha trà.
+ Không phải tất cả các loại trà đều phải được pha với nước sôi 100 độ C vì có thể làm mất vị và chất chống oxy hóa trong trà xanh. Dùng nhiệt độ nước nóng từ 80 – 90°C là nhiệt độ thích hợp để trà có hương vị tinh tế và không bị đắng chát.
+ Tráng ấm và tráng trà trước khi pha để làm sạch và đánh thức hương thơm trà. Ngâm trà trong 1 – 3 phút tùy loại, tránh ngâm quá lâu gây đắng chát và giảm dược tính. Dùng ấm thủy tinh, sứ hoặc đất nung để giữ được vị nguyên bản của trà.
Đối với các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà lá sen, trà gừng... có thể đun trực tiếp với nước sôi 5–7 phút để chiết xuất tối đa hoạt chất.
Thời gian hãm trà được tính bằng giây và nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào loại trà được pha. Trong đó, trà ô long, trà đen cần được hãm trong thời gian lâu, trà xanh sẽ hãm nhanh hơn.
Những thực phẩm cần tránh khi uống trà
Mặc dù trà tốt cho sức khỏe, nhưng khi kết hợp sai thực phẩm, có thể gây tác dụng ngược. Dưới đây là những thực phẩm không nên dùng chung với trà:
+ Sắt và canxi: Trà làm giảm hấp thu hai khoáng chất này, vì vậy không nên uống trà ngay sau khi ăn thịt đỏ, hải sản hay uống sữa.
+ Trứng: Trà chứa tanin có thể phản ứng với protein trong trứng gây khó tiêu.
+ Đồ ngọt, bánh kẹo nhiều đường: kết hợp với trà làm tăng chỉ số đường huyết và ảnh hưởng đến khả năng chống oxy hóa.
+ Thuốc: Trà có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc tây, nên uống cách xa thuốc ít nhất là 1 giờ.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dang-trong-tiet-coc-vu-uong-ngay-loai-nuoc-nay-giup-tru-ta-thanh-nhiet-lam-sang-mat-172250423112745139.htm
Bình luận (0)