Lãng Nhân "hao phí" công sức, thời gian với sách vở
Ham Đọc sách, trí nhớ tốt giúp ích đắc lực cho Lãng Nhân Phùng Tất Đắc trong công việc làm báo, viết sách. Tấm lòng thiết tha với sách vở, được ông thể hiện với sự trân trọng khi phát biểu trong tác phẩm Trước đèn: "Đọc sách đối với nhà nho, không những chỉ là thú tiêu nhàn tao nhã, mà còn là một tác động thiêng liêng: tìm cách cảm thông với người thiên cổ".
Cha đẻ tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký - Tô Hoài thuở nhỏ mê mẩn truyện Vô gia đình
ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Khi viết về Lãng Nhân trong Mười khuôn mặt văn nghệ, Tạ Tỵ đặc biệt lưu ý Lãng Nhân ở tấm lòng chăm bẵm sách vở: "Lãng Nhân đã hao phí rất nhiều hơi sức và thời gian với sách vở. Đọc cả một xe sách để chỉ lấy về phần mình vài suy nghĩ rồi từ suy nghĩ đó Lãng Nhân sửa soạn cho sự nghiệp văn chương của mình"; "Lãng Nhân có một trí nhớ đặc biệt, hình như những điều anh học hay đọc đã in chết vào tiềm thức, lúc cần lại hiện ra để cho chúng tôi xài và coi đó như điều mình có".
Bởi đọc nhiều, thu được túi khôn trong thiên hạ về mình nên Lãng Nhân chinh chiến qua khắp các báo từ Đông Tây tới Thời báo, Duy Tân, Hải Phòng tuần báo, Ích Hữu, Đông Dương tạp chí… Có những báo, tạp chí, mục ông quản trở thành thương hiệu riêng như "Trước đèn" ở Đông Tây, "Chuyện vô lý" ở Đông Dương tạp chí… Sau này, nhiều tác phẩm đã được xuất bản từ những bài viết đó với Trước đèn, Chuyện vô lý, Giai thoại làng Nho, Chuyện cà kê, Tiểu truyện danh nhân: Tôn Thất Thuyết (bút danh Cố Nhi Tân)…
Xa sách đớn đau như mất một phần da thịt
Cảm xúc ấy là của Nguyên Hồng đấy, trước khi trở thành nhà văn của Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ, Cửa biển… Khi Nguyên Hồng cùng mẹ ra đất Hải Phòng sống, trong những ngày cơ cực chưa có việc làm để kiếm đồng ra đồng vào độ thân, hai mẹ con nợ tiền thuê phòng trọ mà không có cách gì xoay xở nổi. Thứ quý giá nhất Nguyên Hồng có lúc ấy, là hòm đựng sách báo trị giá 2 đồng với những tự vị tiếng Pháp, tác phẩm của Victor Hugo, Chateaubriand, Alphonse Daudet, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… Cái hòm sách ấy, trở thành con tin, vật gán nợ tiền thuê trọ khiến Nguyên Hồng thẫn thờ, "thật như bị xẻo thịt", Bước đường viết văn ghi nhận.
Tác phẩm Chuyện cà kê (bản in năm 1993) của Lãng Nhân
ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA
Đớn đau, mất mát một phần linh hồn bao nhiêu vì cái hòm sách yêu quý lìa xa, thì cảm giác của niềm hân hoan, vui sướng khi chuộc lại được nó, cũng tăng lên bội phần như thế. Sau khi có được một đồng từ tiền dạy thêm, Nguyên Hồng ngay lập tức đưa cho mẹ để chuộc con tin về, và sau khi lang thang mệt rã rời "như mê và chỉ muốn nằm rũ xuống một chỗ nào đấy, nhưng lúc trở về nhà thấy đèn sáng ngụt, hòm sách để giữa bàn và mẹ tôi đang nằm nhỏm dậy cuống quít gọi tôi, thì tôi lại tỉnh hẳn người. Tôi chạy rú vào vồ lấy hòm sách, mở ra, đếm đếm lục tung tóe vừa thét lên".
Trước đó nữa khi còn nhỏ, tác giả của Bỉ vỏ tuổi thiếu nhi, đã sớm tiếp xúc với văn học, đọc tiểu thuyết Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật), Tây du ký cho bà, cho cha nghe và thả hồn vào những tác phẩm ấy. Nào đã hết, trong nhà, vẫn còn những sách đông tây như Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Liêu trai chí dị, Lỗ Bình Sơn phiêu lưu ký, Tê-lê-mạc phiêu lưu ký… Bên cạnh đó, chú bé Hồng còn đi thuê sách để đọc thêm nữa, Những nhân vật ấy đã sống với tôi cho hay.
Việc sớm làm quen và ảnh hưởng từ những tác phẩm, sách văn học dường như là mẫu số chung ở nhiều văn thi sĩ. Tô Hoài cũng không phải ngoại lệ so với đồng nghiệp. Biết chữ, biết đọc, chú bé Sen (tên của Tô Hoài) tìm thấy trong rương của bố biết bao nhiêu là sách với Chinh Tây, Tam hạ Nam Đường, Lục Vân Tiên, Bà chúa Ba… để rồi "suốt ngày, tôi vùi đầu vào cái chỗ đọc sách đặc biệt ấy. Tôi dán mắt từ trang này qua trang khác". Và đây, hình ảnh của kẻ say sưa với sách, thoát ly thực tại "buông sách xuống, mặt tôi đờ đẫn", Tô Hoài nhớ lại trong Cỏ dại như thế.
Đã yêu, nghiện sách rồi, thì thực nào có dứt cho được. Đi đâu, làm gì mà gặp được sách, thực chẳng khác gì con nghiện gặp được thuốc, có khác chăng, thói nghiện sách thanh tao, nhã nhặn và chính đáng, hợp pháp hơn hẳn. Vẫn là Tô Hoài khi phải đi ở nhờ nhà người quen của cha, bé Sen đã tia được ngay bạn tri kỷ, khi tới nhà mới thấy "la liệt sách vở quyển to quyển nhỏ chồng đống". Tại đây, Sen thả hồn, "mê man theo thằng bé từ lúc nó bỏ nhà đi theo ông già làm xiếc" trong tác phẩm Vô gia đình của Hector Malot do Nguyễn Đỗ Mục dịch dù sách đã cũ nát, bợt mủn mấy tờ cuối cùng. Cuốn sách cũ nát ấy Sen xem như bạn quý, giấu trong gầm giường chỉ lo ai lấy mất. Để rồi sau này khi được bà đón về, trước khi rời đi, chú bé đã buồn rũ rượi vì "không cách nào lấy cắp được quyển Vô gia đình, tôi bèn để lại bên khe bàn, như là con tàu vào tránh bão ở đấy". (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/lang-nhan-phung-tat-dac-doc-ca-xe-sach-de-gom-ve-vai-suy-nghi-185250422223808658.htm
Bình luận (0)